Trong bữa cơm gia đình, bên cạnh các loại thịt cung cấp đạm, protein, thì rau xanh cũng là nhóm thực phẩm không thể thiếu, giúp cung cấp chất xơ và nhiều vitamin cần thiết khác cho cơ thể con người. Các loại rau có thể được chế biến theo nhiều phương pháp khác nhau, tuy nhiên cách đơn giản nhất chính là luộc.
Người dùng chỉ cần cho rau vào cùng nước sôi, sau vài phút rau đã có thể được làm chín, cũng chính là lúc món rau luộc được hoàn thành. Tưởng như đơn giản, tuy nhiên vẫn có một thao tác khi luộc rau mà không phải người dùng nào cũng biết cách làm đúng. Đó là công đoạn sau khi luộc rau xong.
Nhiều người cho rằng nếu không sử dụng rau ngay thì cứ để trong nồi. Rau vừa giữ được độ tươi ngon, nóng hổi. Số khác lại phản bác dù có ăn ngay hay không, rau đã luộc chín xong vẫn cần lấy ra khỏi nồi. Vậy đâu mới là cách xử lý đúng?
Các đầu bếp hay các chuyên gia nấu ăn có kinh nghiệm lâu năm đều đưa ra lời khuyên rằng, tốt nhất rau xanh rau khi đã luộc chín nên vớt ngay ra đĩa, bát hay rổ phù hợp. Không nên để rau lâu trong nước sôi bởi nó sẽ có thể làm rau bị già, ngả vàng, mất đi hương vị cũng như các dưỡng chất vốn có.
Nếu chưa có nhu cầu sử dụng, người dùng chỉ cần đậy kín đĩa, bát, rổ rau lại để tránh khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, bụi hay các loại côn trùng có hại. Về cơ bản, rau luộc không cần thiết phải được thưởng thức khi còn quá nóng hổi, để rau nguội cũng sẽ giúp dễ ăn hơn.
Cũng theo các chuyên gia, việc cho rau ra khỏi nồi ngay khi luộc rau chín cũng tương tự như việc phải đợi nước trên nồi sôi, rồi mới cho rau vào luộc. Việc cho rau vào ngay khi nước lạnh khiến rau vô tình kéo dài thời gian ngâm trong nước của rau, từ đó cũng mất đi nhiều dưỡng chất.
Bên cạnh thời gian cho vào và lấy rau ra khi luộc, dưới đây là một số bí kíp, mẹo nhỏ khác người dùng có thể áp dụng để món rau luộc được giòn ngon, rau giữ được màu xanh tự nhiên.
Thông thường khi luộc rau, đa phần mọi người đều không cho thêm gia vị để giữ được sự nguyên bản cho rau. Tuy nhiên, việc cho thêm một chút muối không ảnh hưởng quá nhiều. Thậm chí nó còn đem lại những lợi ích như giúp rau, nước rau trở nên đậm đà hơn, và đặc biệt là rau sau khi luộc xong sẽ có màu xanh tự nhiên, bắt mắt.
Người dùng hãy cân đối lượng muối cho vào nồi rau luộc sao cho vừa phải. Tỷ lệ được khuyên đó là một thìa nhỏ cà phê trên mỗi nửa lít nước luộc rau.
Tương tự như việc cho muối, cho dầu ăn vào nồi rau luộc cũng đem lại lợi ích giúp cho món ăn xanh, bóng, đẹp hơn. Lớp dầu ăn sẽ giúp rau xanh lâu, không bị đổi màu dù cho có để lâu hay không.
Tuy nhiên, cách làm này có một nhược điểm nhỏ. Đó là dầu ăn sẽ vô tình khiến nước luộc rau có váng mỡ. Bởi vậy tùy theo nhu cầu và khẩu vị của gia đình, hãy cân nhắc xem có nên thực hiện hay không. Tốt nhất nên áp dụng cách này với các loại rau luộc mà gia đình không sử dụng phần nước, như vậy hương vị của nước rau sẽ không còn quá quan trọng.
Nếu như muối và dầu ăn giúp giữ màu xanh bắt mắt cho các loại rau lá, thì chanh hay giấm ăn, lại có tác dụng trong việc giữ màu tự nhiên cho một vài loại rau củ như súp lơ, cà rốt, su hào...
Người dùng chỉ cần cho thêm một vài giọt nước cốt chanh, hoặc một thìa cà phê nhỏ giấm ăn vào nồi luộc rau, chúng sẽ phát huy tác dụng của mình.
Mẹo thứ 4 đó là cho rau vào bát nước đá khi luộc xong. Nếu như nước ở nhiệt độ cao có thể khiến rau mất đi nhiều chất dinh dưỡng, thì ngược lại nước lạnh cùng với đá, sẽ giúp rau vừa bảo toàn được chất lượng, lại được giòn ngon, có màu đẹp mắt. Tuy nhiên chỉ nên ngâm rau trong bát nước có đá khoảng 5 phút, sau đó nhanh chóng vớt ra đĩa, bát phù hợp.