Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 30 người chết và mất tích: Nỗi đau tột cùng giây phút vợ chồng chia lìa, cha con tử biệt

Nhóm Phóng Viên, Theo Gia đình & xã hội 09:16 28/06/2018
Chia sẻ

50 năm qua, người dân các tỉnh Lai Châu, Hà Giang mới chứng kiến một trận “đại hồng thủy” kinh hoàng đến vậy. Mưa lớn, lũ quét, đất đá sạt lở khiến số người bỏ mạng và mất tích lên đến con số 30. Trong cơn cuồng nộ thiên tai ấy, người ta đau đớn chứng kiến cảnh chồng bị lũ cuốn trôi trước mặt vợ, con bị vùi lấp

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 30 người chết và mất tích: Nỗi đau tột cùng giây phút vợ chồng chia lìa, cha con tử biệt - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm hỏi, động viên bà Vũ Thị Mai Phương bị mất chồng, mất toàn bộ tài sản sau cơn lũ dữ. Ảnh: PV

Nỗi đau quá lớn như cơn ác mộng

Sáng 27/6, lực lượng chức năng Lai Châu trong lúc cứu hộ đã tìm thấy thi thể 1 trong 5 nạn nhân ở bản Nậm Há 1 (xã Noọng Hẻo, huyện Sìn Hồ) bị mưa lũ và sạt lở đất cuốn trôi, vùi lấp. Nạn nhân được xác định là Lò Văn Kiếm (15 tuổi) bị nước lũ cuốn trôi khi đi rẫy cùng bố là ông Lò Văn Thâng.

Người đàn ông ngoài 40 tuổi với khuôn mặt đen sạm, đôi mắt đỏ hoe khi nhận thi thể con trai. Anh Thâng kể 6 năm nay gia đình có làm một cái lán trên sườn núi cạnh con suối để nuôi lợn, gà cùng mấy con trâu ở cách chân núi khoảng 100 m. “Ngày 24/6, tôi bảo Kiếm đi chăn trâu. Khoảng 14h, nó gọi điện bảo tôi là núi sạt vào hết ruộng lúa, bảo tôi qua xem. Tới nơi thấy con dính mưa ướt nhẹp, tôi bảo đi tắm, thay quần áo nhưng đừng có ngủ vì nếu sạt lở nhiều thì còn gọi bố”, anh nhớ lại.

Nói rồi người bố đi ra cách đó một đoạn tìm cách khơi mương nước bị đất sạt vào. Cùng lúc đó, một tiếng nổ lớn đánh ầm một cái rồi nửa quả núi đổ ầm ầm về phía lán. Trong tích tắc, dòng bùn đất khổng lồ đổ xuống san phẳng hết cả một khu vực rộng lớn và chôn vùi luôn cả cậu con trai của anh Thâng.

Phía sau căn nhà anh Thâng là nhà anh Lò Văn Xanh (34 tuổi). Xanh là em trai anh Thâng, cũng là người vừa có vợ và đứa con trai 14 tuổi mất tích vì lũ cuốn. Cũng như gia đình anh trai, giữa gian nhà sàn, Xanh đặt chiếc lư hương cùng gói bánh lên cái bàn nhỏ giữa nhà làm bàn thờ tạm cho vợ và đứa con xấu số bị núi lở chôn vùi.

“Hôm ấy trước khi đi làm mình đã căn dặn vợ mưa lớn thì vào lán trại tránh đi. Một tiếng sau gọi lại cho vợ thì không được. Nghe tin vợ con bị lũ cuốn, ban đầu tôi không tin. Tôi chạy về nhưng nước suối dâng cao, chảy xiết nên không qua được, giờ thì không biết vợ con nằm ở đâu”, anh Xanh xót xa.

Trong ánh mắt vô hồn của anh Xanh, ai cũng thấy như chính mình đang phải gánh chịu chung nỗi đau mất đi người thân yêu nhất. Nỗi đau quá lớn đến như một cơn ác mộng với gia đình anh và những người thân.

Chưa tổ chức được tang lễ cho chồng vì chưa tìm thấy thi thể

Lũ kinh hoàng ở miền Bắc khiến 30 người chết và mất tích: Nỗi đau tột cùng giây phút vợ chồng chia lìa, cha con tử biệt - Ảnh 2.

Trong chớp mắt, người, nhà cửa cùng tài sản bị lũ dữ cuốn trôi.

Ba ngày sau trận mưa lũ lịch sử, con đường vào bản Noong Thăng, xã Phúc Thân, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu ngổn ngang đá hộc. Đoạn đường hơn 3 km từ trung tâm xã vào bản chỉ toàn là bùn đất, cây cối ngổn ngang với giao thông hoàn toàn bị chia cắt. Con suối chảy qua bản ngày nào hiền hòa là vậy, nay đá cát chất đầy, phủ một màu tang tóc. Chưa bao giờ lũ dữ lại kéo về bản nhanh và tàn phá nặng nề đến vậy. Lũ tàn phá ruộng nương, vườn tược của bà con và cũng cướp đi người chồng của chị Hà Thị Huấn trong lúc đi chống bão.

Mấy ngày hôm nay, mẹ con chị Huấn như người mất hồn. Trên đầu người góa phụ trẻ vẫn buộc vành khăn tang. 4 đứa con của chị cũng thẫn thờ, chúng không tin mình lại mất bố nhanh đến vậy. Cách đây vài ngày, anh Hà Văn Chương còn hứa với đứa con trai út là sẽ mua xe máy mới để cả nhà đi chơi một chuyến. Lời hứa của người cha chưa kịp thực hiện thì những đứa con đã mất cha vì cơn thịnh nộ của thiên tai.

Tại Lai Châu, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm, chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ quét. Hai đợt sạt lở ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường khiến một gia đình bị vùi lấp ao cá, trong đó người chồng bị lũ cuốn đi mất tích. Từ khi chồng bị lũ cuốn trôi, bà Vũ Thị Mai Phương lúc nào cũng gào khóc đau đớn.

“Bao giờ mới tìm được chồng cháu đây các bác ơi? Mất hết rồi, không còn gì nữa, chồng cháu cũng mất đâu rồi. Ba ngày rồi vẫn chưa tìm thấy chồng cháu...”, bà Phương oà khóc khi phóng viên hỏi chuyện.

Hôm ấy khoảng 8h30 ngày 24/6, nước lũ cuốn trôi rác về phía ao nuôi cá gia đình nên ông Hưng, chồng bà Phương ra vớt. Người phụ nữ đang loay hoay tìm dụng cụ ra hỗ trợ chồng thì ầm một cái, tất cả biến thành một biển bùn. Ông Hưng bị lũ ống cuốn đi trước mặt vợ. Cho đến bây giờ bà Phương vẫn chưa tổ chức được đám tang cho chồng vì muốn chờ tìm thấy thi thể của ông Hưng.

Tỉnh Hà Giang cũng là một trong những địa phương chịu nhiều tổn thất trong đợt mưa lũ vừa qua. Nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng, nhiều công trình trường học, kè bờ sông và diện tích lớn hoa màu của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mất trắng. Hiện tại, nước lũ tại các xã, huyện đã rút và đã hết mưa. Tuy nhiên, lượng bùn đất mà mưa lũ dồn về vẫn còn rất nhiều, lực lượng chức năng đang phối hợp cùng với bà con dọn dẹp những khu vực bị ngập úng cũng như khắc phục các khu vực sạt lở do mưa lũ gây ra, đảm bảo thông các tuyến đường tại tỉnh.

Tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điên Biên, mưa lũ khiến 53 nhà dân bị ngập nước, đất đá vùi lấp và cuốn trôi nhiều tài sản, vật nuôi. Riêng cầu treo bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn bị đứt gãy trụ cầu, mặt cầu nước bị cuốn trôi khiến người và phương tiện không đi lại được. Đợt mưa lũ này, xã Leng Su Sìn và Mường Toong bị thiệt hại nặng. 2 xã có 45 nhà bị ngập và cuốn trôi hoàn toàn…

Ở một số địa phương vùng cao khác vẫn bị cô lập do lũ quét gây đứt đường khiến giao thông tê liệt. Công tác tìm kiếm những người mất tích do mưa lũ, sạt lở đất đang gặp rất nhiều khó khăn vì một số tuyến đường đang bị chia cắt, máy móc không thể vào được hiện trường, lực lượng chức năng phải dùng dụng cụ thủ công như cuốc, xẻng... để tìm kiếm.

Bộ Y tế yêu cầu triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả mưa lũ

Để chủ động công tác khắc phục và ứng phó với những diễn biến bất thường của mưa lũ, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh thành bị ảnh hưởng của mưa lũ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, triển khai công tác khắc phục hậu quả; Tập trung cùng các cấp, ban ngành tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; Cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, tuyệt đối không để người dân bị đói, bị thiếu thuốc khi ốm đau.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần củng cố lại những cơ sở y tế bị ảnh hưởng do mưa lũ, đảm bảo lại cơ sở vật chất để nhanh tróng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng; Đồng thời triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh.

Nhiều cơ quan, tổ chức hỗ trợ đồng bào 2 tỉnh Lai Châu và Hà Giang

Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng ở Lai Châu và Hà Giang, tại cuộc họp chiều 27/6, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã phân công ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam - Trưởng ban cứu trợ Trung ương trực tiếp đến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ, lụt, động viên, chia sẻ với đồng bào và trao cho 2 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, mỗi địa phương 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, để chia sẻ, động viên nhân dân vùng lũ, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức phát động công đoàn viên toàn hệ thống Ngân hàng dành 1 ngày lương để hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng kinh phí hỗ trợ là 2,3 tỷ đồng.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đã gửi công điện hỏa tốc gửi các Cục DTNN khu vực: Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Bắc Thái và Hà Bắc về việc ứng phó với mưa lũ. Theo đó, yêu cầu các Cục DTNN khu vực thực hiện tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt để sẵn sàng xuất hàng dự trữ quốc gia khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng hỗ trợ 250 triệu đồng tiền mặt để kịp thời trợ giúp các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản tại hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang. Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Lai Châu 150 triệu đồng và tỉnh Hà Giang 100 triệu đồng.

Tại các địa phương trực tiếp ảnh hưởng của bão lũ, chính quyền các cấp cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền cũng như lương thực giúp bà con vượt qua cơn hoạn nạn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày