Học ngoại ngữ phải vui
Cô Đặng Minh Trang tốt nghiệp Thạc sĩ tại Anh, là giảng viên tiếng Anh "vừa trẻ, vừa xinh lại thân thiện" với sinh viên ĐH FPT. Gắn bó với công việc giảng dạy, nữ giảng viên 9X mong muốn được hàng ngày tiếp xúc với các bạn trẻ, truyền đạt kiến thức và cả những trải nghiệm thú vị cùng ngôn ngữ tới học trò.
Cô Minh Trang tin rằng, học ngoại ngữ phải vui mới hiệu quả
Nhiều sinh viên sợ học ngoại ngữ, nhưng cô Minh Trang tin rằng, sinh viên ĐH FPT "có niềm vui lấn át nỗi sợ". "Mình thường tạo ra các hoạt động giao tiếp tiếng Anh gắn với sở trường của sinh viên ĐH FPT như sử dụng thiết bị công nghệ, thiết kế đồ họa... để các bạn trở nên tự tin. Không khí lớp học luôn được mình duy trì một cách vui vẻ nhất có thể. Tiếng cười, sự tương tác sẽ giúp các bạn sinh viên không còn sợ môn học này nữa", cô Trang chia sẻ.
Học tiếng Anh, theo quan điểm của nữ giảng viên, không chỉ là học kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mà còn là quá trình trải nghiệm để thấu hiểu văn hóa Anh Quốc. Bởi vậy, cô Trang có "tip" giúp sinh viên ĐH FPT học ở nhà mà cứ như ra nước ngoài du học. "Mình hay trích dẫn các đoạn phim, bài hát, hình ảnh của những ngôi sao Âu - Mỹ và khuyến khích các bạn sinh viên tiếp cận với tiếng Anh qua việc giải trí cùng điện ảnh và âm nhạc. Điều này khiến tiếng Anh trở nên thú vị. Văn hóa của người bản xứ gần gũi hơn với các bạn sinh viên", cô Trang cho biết.
Nữ giảng viên 9X thường đưa những trải nghiệm văn hóa Âu – Mỹ vào bài giảng của mình
Cũng theo cô Trang, sinh viên Ngôn ngữ Anh ĐH FPT còn thường xuyên được tham gia đóng kịch, trình diễn thời trang, biểu diễn nhạc kịch... bằng tiếng Anh. Đó đều là những trải nghiệm giúp các bạn nâng trình ngoại ngữ một cách tự nhiên, thú vị.
Lớp học là gia đình có quy tắc và tôn trọng nhau
Với thầy Lê Quang Dũng, sinh viên sẽ chẳng còn sợ học tiếng Anh nếu các bạn cảm thấy việc học là hữu ích và thực sự muốn có mặt trong giờ học chứ không phải "ngồi đủ chỗ, điểm danh đủ người". Bởi vậy, thầy Dũng luôn cố gắng tạo ra không khí thoải mái, khiến lớp học như một gia đình nhưng "có quy tắc và tôn trọng lẫn nhau".
"Bao giờ mình cũng dành 2-3 buổi đầu tiên để làm quen với học trò, thầy và trò cùng đặt ra những quy tắc trong lớp học. Với mình, lớp học như một gia đình. Thầy giáo như một người anh cả, đủ thân thiết để có thể chia sẻ cùng sinh viên nhưng cũng đủ ‘oai’ để giữ kỷ luật lớp học", thầy Dũng cho biết.
Lớp học tiếng Anh của thầy Dũng ở ĐH FPT "như một gia đình có quy tắc và tôn trọng nhau"
Dạy sinh viên ĐH FPT học tiếng Anh, thầy Dũng chia sẻ mình không có bí quyết gì quá đặc biệt. Thầy cố gắng trao truyền cho các bạn kỹ năng, kiến thức cơ bản, rèn luyện khả năng nghe nói, tương tác nhiều bằng tiếng Anh trên lớp. Ngoài ra, với thầy: "Học ngôn ngữ còn là học về văn hóa. Những trải nghiệm là điều cực kỳ cần thiết và quan trọng để sinh viên học ngoại ngữ, hiểu văn hóa một cách thực sự sâu sắc". Do đó, thầy Dũng thường sử dụng các trò chơi tương tác, câu đố vui để thu hút sự chú ý của sinh viên, lồng ghép yếu tố phim ảnh, văn hóa để sinh viên ĐH FPT nhận thấy việc học tiếng Anh hữu ích và thú vị. "Có lần, mình còn lấy ví dụ minh họa cách sử dụng thì quá khứ đơn bằng một đoạn trích trong phim Sherlock Homes", thầy Dũng hóm hỉnh chia sẻ.
Học ngoại ngữ với dàn giảng viên trẻ trung, sẵn sàng trải nghiệm, bảo sao sinh viên ĐH FPT chưa bao giờ tồn tại nỗi ám ảnh với môn học này. Được rèn giũa kỹ năng ngoại ngữ thường xuyên, tích cực, tiếp cận với văn hóa quốc tế, đó đều là những trải nghiệm giúp sinh viên ĐH FPT tự tin tìm kiếm cơ hội học tập, làm việc toàn cầu trong tương lai.