Một số phụ huynh cũng ủng hộ các giáo viên bằng cách cho con ở nhà. Nhiều giáo viên ngồi trên vỉa hè trước tòa nhà Quốc hội để biểu tình đòi hành động quyết liệt hơn cho quyền lợi của họ.
Mặc dù không phải là ngày chính thức nhưng các giáo viên gọi thứ hai, 4/9 năm nay là "ngày giáo dục công tạm dừng", là dịp để ngành giáo dục cả nước thương tiếc cái chết của một giáo viên trường tiểu học 23 tuổi qua đời do tự tử hồi tháng 7.
Một gia đình bày tỏ lòng thương tiếc vào lễ 49 ngày cô giáo 23 tuổi mất tại Tiểu học Seo 2.
Hôm 4/9 đánh dấu 49 ngày kể từ ngày cô giáo qua đời ở tuổi 23, một ngày quan trọng theo quan niệm Phật giáo.
Mọi người bao gồm cả trẻ em mặc đồ đen, xếp hàng tại Trường tiểu học Seo 2 ở Seocho-dong, Gangnam, phía nam Seoul, để tỏ lòng thành kính lần cuối với người giáo viên trẻ, trong khi các khu vực tưởng niệm được thiết lập tại các trường học, văn phòng giáo dục và thậm chí cả công viên.
Cái chết đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trên toàn quốc về cách đối xử với giáo viên, vì nạn nhân được cho là bị phụ huynh quấy rối.
Trong khi cảnh sát vẫn đang điều tra vụ việc, một hiệp hội giáo viên khẳng định cha mẹ của một trong những học sinh của nạn nhân đã coi thường cô và thậm chí còn nghi ngờ trình độ của cô sau khi một bạn cùng lớp dùng bút làm con họ bị thương.
Một phụ nữ dán tờ giấy nhắn thông điệp cho cô giáo đã mất.
Một giáo viên ở Seoul cho biết: "Giáo viên đã phải chịu đựng mọi thứ với sự coi thường của học sinh và phụ huynh trong nhiều năm. Chúng tôi chịu đựng đủ rồi và giờ là lúc chúng tôi lên tiếng".
Một số giáo viên không thể tham gia chiến dịch toàn quốc, đơn cử như tại một trường học ở quận Nowon, phía bắc Seoul, nơi hiệu trưởng từ chối chấp nhận đơn xin nghỉ phép của giáo viên, thậm chí là nghỉ ốm.
Một giáo viên tại trường cho biết: "4 giáo viên đã dũng cảm bỏ dạy. Hiệu trưởng rất tức giận và yêu cầu họ quay trở lại trường học.
Các giáo viên sẽ không phải đối mặt với bất kỳ hình thức khiển trách nào nếu họ nộp tài liệu chứng minh rằng họ đã đến khám bác sĩ. Nhưng dù vậy, họ vẫn có khả năng phải đối mặt với sự quấy rối tâm lý từ hiệu trưởng".
Chính phủ gần đây đã đưa ra một số biện pháp có thể cải thiện điều kiện cho giáo viên, bao gồm buộc học sinh rời khỏi lớp học khi gây rối và tịch thu điện thoại di động của những học sinh tiếp tục sử dụng ngay cả khi đã bị giáo viên cảnh cáo.
Giáo viên cũng có thể khống chế học sinh nếu học sinh đó tấn công giáo viên.
Tất cả các biện pháp này đã có hiệu lực vào hôm 1/9.
Tuy nhiên, các giáo viên cho rằng những biện pháp này là chưa đủ và chính phủ phải thực hiện những thay đổi tích cực hơn, bao gồm cả các biện pháp bảo vệ chống lại hành vi quấy rối pháp lý của phụ huynh.
Các giáo viên lập luận rằng một khi phụ huynh đệ đơn kiện giáo viên vì một hành động kỷ luật dù là nhỏ nhất, giáo viên đó không chỉ bị phụ huynh gán cho cái mác là kẻ ngược đãi mà còn bị loại khỏi lớp dạy.
Một giáo viên có 23 năm kinh nghiệm cho biết: "Khi tôi mới bắt đầu, chúng tôi có thể kỷ luật học sinh nếu các em gây rối trong lớp. Ngày nay tôi có thể bị phụ huynh kiện vì bạo hành tâm lý nếu tôi đứng về phía học sinh còn lại trong một cuộc ẩu đả".
Người này nói tiếp: "Cha mẹ hiện nay coi trường học là một cơ sở chăm sóc nào đó, nơi giáo viên nên chăm sóc sức khỏe của con cái họ, chứ không phải là cơ sở giáo dục trí tuệ trẻ. Bởi vì chúng tôi phải hết sức cẩn thận để bọn trẻ không bị thương nên chúng tôi thậm chí không thể đi vệ sinh".
Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ban hành sắc lệnh vào hôm 4/9 nhằm ưu tiên khôi phục quyền của giáo viên và bình thường hóa giáo dục.
Vào hôm 2/9, 200.000 giáo viên đã tập trung trước tòa nhà Quốc hội để biểu tình hàng tuần, bắt đầu từ ngày 22/7- đây cũng là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ đầu chiến dịch tới giờ.
Nguồn: JoongAng