Lớp có 33 em nhưng 28 em là học sinh xuất sắc, phụ huynh "lo ngay ngáy" không biết con mình giỏi thật hay ảo

Huy., Theo Phụ nữ số 21:00 02/06/2024
Chia sẻ

Liên tục những bài đăng phụ huynh "flex" thành tích con sau tổng kết khiến nhiều người hoài nghi với câu hỏi "con học giỏi thật hay ảo"?

Mới đây, một bài đăng trên Facebook đã nhận được sự quan tâm từ đông đảo cộng đồng. Phụ huynh - chủ nhân của bài đăng thể hiện sự hoang mang trước tình trạng lớp của con mình đang theo học có quá nhiều học sinh xuất sắc. Thậm chí, người này không ngần ngại bày tỏ những quan điểm thực tế về việc nhiều phụ huynh đang quá "chạy đua" với thành tích.

"Nhiều khi tự hỏi, con mình giỏi thật hay ảo? Có phải là danh hiệu xuất sắc này bây giờ dễ đạt quá không? Trên Facebook mùa này thấy các bố mẹ toàn khoe con xuất sắc. Xuất sắc gì nhiều vậy? Thế là mình bèn nghĩ như thế này. Con mình cũng bình thường thôi, không phải kiệt xuất gì cả. Đạt xuất sắc thì ok, không đạt thì cũng chẳng vì thế mà buồn", tài khoản này cho hay.

Lớp có 33 em nhưng 28 em là học sinh xuất sắc, phụ huynh lo ngay ngáy không biết con mình giỏi thật hay ảo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Phụ huynh hoang mang vì quá nhiều học sinh xuất sắc

Một bình luận dưới bày đăng bày tỏ: "33 bạn thì 28 bạn xuất sắc luôn. Đi họp nghe cô tổng kết mà hoang mang". Sự khó hiểu này đã khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng đào tạo tại một số trường hay lớp học hiện nay, chính điều này cũng khiến thành tích của học sinh dần trở nên bị "loãng" và không còn có quá nhiều giá trị.

Đồng cảm với câu chuyện trên, một số phụ huynh cũng bày tỏ sự hoang mang trước tình trạng quá nhiều học sinh xuất sắc trong các lớp học thời điểm hiện tại. Trong khi đó, nhiều người lại xem đây như một "chiến tích" của con mà không ngần ngại "flex" chúng lên mạng xã hội dù thật tế "nhà nhà người người" đều có giấy khen của con vào dịp tổng kết năm học?

Nhiều phụ huynh cũng cho biết đang cảm thấy lo lắng trước tình trạng con mình bằng lòng với thành tích hiện tại và không có quá nhiều sự phấn đấu trong học tập khi danh hiệu có được quá dễ dàng. Trong khi đó, nhiều gia đình lại xem nhẹ vấn đề con học tập như thế nào, thay vào đó là việc chúng có đạt được danh hiệu hay không?

"Thực sự bản thân mình thấy con mình chỉ trong top giữa của lớp, có tí nhỉnh hơn chút so với một số bạn, nhưng chưa thể gọi là xuất sắc được. Dù được giấy khen, mình có hỏi con vui không, con nói thấy bình thường ạ, tức là con chưa thực sự cố gắng hết khả năng của bản thân, chưa có sự bứt phá", một phụ huynh thẳng thắn chia sẻ.

Lớp có 33 em nhưng 28 em là học sinh xuất sắc, phụ huynh lo ngay ngáy không biết con mình giỏi thật hay ảo - Ảnh 2.

Giấy khen trở thành điều mà "nhà nhà người người" dễ dàng có được

Học tập đang trở thành "cuộc đua" về thành tích

Thời điểm hiện tại, nhiều bố mẹ có xu hướng đánh giá việc học tập của con thông qua điểm số, từ đó xem chúng như thành tích mà các con phải đạt được mỗi khi đến trường. Chính điều này đã khiến nhiều người quên mất chất lượng học tập, cũng như các kỹ năng cần thiết khác mà trẻ cần có trong cuộc sống.

Tình trạng này cũng trở nên phức tạp hơn khi nhiều phụ huynh đặt nặng thành tích, nhồi nhét quá nhiều kiến thức sách vỡ và bài tập về nhà khiến học sinh không có thời gian nghỉ ngơi. Chưa kể nhiều bố mẹ vẫn còn đặt nặng hình mẫu "con nhà người ta" làm gia tăng áp lực lên con cái.

Ngoài ra, việc đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc một cách dễ dàng khiến vấn đề học tập của trẻ em và sự quan tâm từ phụ huynh cũng trở nên hời hợt. Trên thực tế, điều này cũng làm gia tăng thành tích "ảo", học sinh dù không có sự phấn đấu thật sự hay có kết quả học tập không hiệu quả vẫn có được giấy khen.

"Tình trạng lạm phát giấy khen cũng khiến mình phải giật mình nhìn lại con mình có đang thật sự giỏi hay không? Nhiều lúc gia đình cũng bất ngờ vì con học rất bình thường nhưng cũng được giấy khen. Mình không thấy tự hào, mà thấy lo lắng nhiều hơn. Nếu đánh giá sai năng lực sẽ dễ dàng tạo một môi trường ảo đến khi mọi thứ được đưa vào thực tiễn chắc chắn sẽ có nhiều điểu phải vỡ lẽ", một tài khoản cho hay.

Là do học sinh ngày càng giỏi hay trường quá dễ?

Nhiều người cũng nhận định một phần lý do có thể xuất phát từ việc một số trường đang quá trọng về thành tích và xem đây như "KPI" cần phải thực hiện trong mỗi kỳ học. Điều này vô tình dẫn đến chất lượng giáo dục thiếu sự ổn định, thành tích học sinh thì đủ nhưng trình độ học vấn của các em lại thiếu hụt nghiêm trọng.

Mặt khác, cũng nhiều ý kiến cho rằng trẻ em hiện nay có nhiều điều kiện về học tập và được bố mẹ chăm sóc kỹ càng nên có được sự tiến bộ nhanh chóng. So sánh với các thế hệ trước khi phải trải qua nhiều khó khăn, cũng như thiếu điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện để có được nhiều thành tích học tập nổi bật như hiện nay.

Một phụ huynh bày tỏ quan điểm: "Ngày xưa điều kiện học không được như bây giờ. Để đạt được danh hiệu xuất sắc điều kiện học cũng không phải dễ, trẻ con bây giờ được chăm sóc, ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ nên việc giỏi hơn bố mẹ thời xưa cũng là điều dễ hiểu vì nhà nhà đều ưu tiên việc học của con".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày