Sữa mẹ là tốt nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đúng vậy, không thể phủ nhận những điều kỳ diệu mà sữa mẹ mang đến cho trẻ, cả về sức khỏe, thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên gần đây, một số bà mẹ đang có xu hướng "thần thánh hóa" sữa mẹ, cụ thể thay vì cho con bú đến 2 hoặc 3 tuổi thì những bà mẹ này tích cực khuyên mọi người nên cho con bú càng lâu càng tốt, thậm chí là khi trẻ đã 8, 9 tuổi.
Việc nuôi con bằng sữa mẹ đến năm bao nhiêu tuổi là thuộc vào quyền của người mẹ, và tất nhiên chúng ta không có quyền phán xét, tuy vậy, nếu sự "cuồng" quá mức này lại gây ảnh hưởng tới tâm lý, tính cách của trẻ và cả những người mẹ không có sữa... thì nó lại là một câu chuyện đáng để bàn tới.
Hai trong số nhiều người mẹ "cổ xúy" cho việc bú mẹ càng lâu càng tốt
Tiến sĩ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương: "Cho trẻ cai sữa muộn đồng nghĩa với việc để lại quá nhiều hậu quả khi trưởng thành".
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời là một chuyên gia giáo dục cho biết: "Trẻ nhỏ, cũng như mọi sinh vật non mới sinh, đều cần sự trợ giúp của cha mẹ. Đó là bú mớm, đó là chăm bẵm. Loài người là động vật yếu ớt nhất sau khi ra đời. Con người mất ít nhất là 2 năm để có thể làm mọi việc như 1 người bình thường như ăn, uống, đi lại. Sự phụ thuộc này là chắc chắn. Tuy nhiên, để 1 đứa trẻ trưởng thành, các con không chỉ trở thành 1 con người sinh vật tự lo được mà cần học các nề nếp quy tắc của con người (khác xa các loài động vật).
Vì thế, để trưởng thành, các con cần học hỏi rất nhiều. Việc cho con ti mẹ sau 2 tuổi không đem lại nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ vì lúc này cơ thể con đã lớn, con cần nhiều hơn rất nhiều những gì sữa mẹ cung cấp.
Tiến sĩ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương
Việc con vẫn ti mẹ sẽ khiến mức ăn của con suy giảm vì cơ thể con phụ thuộc vào sữa mẹ. Do vậy, con có thể sẽ nhận lượng dinh dưỡng ít hơn mức cần thiết, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con.
Ngoài ra, việc ti mẹ sau 2 tuổi sẽ khiến con phụ thuộc vào mẹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tự lập của trẻ. Trẻ sẽ không nhận thức được việc bắt buộc phải tự làm mọi thứ để chuẩn bị cho cuộc sống độc lập về sau. Việc giáo dục trẻ sẽ khó khăn hơn nhiều so với các bạn đã cai sữa.
Bên cạnh đó, khi con liên tục tiếp xúc với phần cơ thể nhạy cảm của mẹ, một vấn đề sẽ nảy sinh là các con sẽ không nhận diện được các vùng cấm trên cơ thể. Các con sẽ dễ dàng bị dâm ô, xâm hại hơn bạn bè. Các con sẽ dễ khoe cơ thể hơn bạn bè. Các con cũng có thể sẽ phát triển không phù hợp với giới tính. Tất cả các hậu quả đó sẽ khiến con gặp nhiều khó khăn khi trưởng thành. Vì thế, đứa trẻ cần được cai sữa trước 2 tuổi".
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: "Việc cho con trên 3 tuổi bú mẹ cũng không phải là một hành vi đáng lên án mà ngược lại, đó là một hành vi đáng... thương".
Trao đổi về vấn đề trên, chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Khanh - Phòng Tư Vấn Tâm lý - Gia Đình và Trẻ em nhận định như sau:
Khoa học đã chứng minh, hoạt động cho con bú ngoài việc cung cấp nguồn dinh dưỡng cho con, còn là thời điểm hay cách thức để có thể thiết lập được mối quan hệ gắn bó mẹ - con một cách hiệu quả nhất. Nghiên cứu của Jonh Bowlby (1907-1990) là nhà phân tâm học người Anh, đưa ra thuyết gắn bó giữa trẻ nhỏ và người chăm sóc hay còn gọi là thuyết về mối quan hệ mẹ - con sớm cho thấy, nếu được quan tâm chăm sóc, ôm ấp vuốt ve cho bú trong những năm đầu của cuộc sống, thì trẻ sẽ được phát triển hài hòa về nhiều mặt.
Tại sao việc cho bú lại được xem là biện pháp hay cách thức tốt nhất để tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa mẹ và con. Nếu không cho con bú, mà chỉ cho con ăn qua việc bú bình, nhưng vẫn có sự ôm ấp vuốt ve, đứa trẻ có phát triển tốt không? Dĩ nhiên là trẻ vẫn phát triển chỉ trừ khi việc cho bú được tiến hành với thái độ thờ ơ, thiếu vắng sự ôm ấp, dỗ dành và người cho bú không phải là mẹ. Điều này cũng có thể xảy ra ngay cả khi người mẹ cho con bú với thái độ miễn cưỡng, khó chịu hay đang buồn phiền, lo lắng... Như vậy chính sự âu yếm, vuốt ve và kèm theo cả những lời lẽ nhẹ nhàng, vui vẻ mới là yếu tố quan trọng trong việc thiết lập được mối quan hệ gắn bó mẹ con, chứ không phải chỉ do nguồn sữa hay do hành động cho con bú!
Tuy nhiên, việc cho con bú trực tiếp được đánh giá cao hơn việc cho bú bình, cho dù có sự âu yếm, vuốt ve đi kèm. Bởi vì khi đứa trẻ được người mẹ âu yếm, ôm trong lòng khi cho bú, người mẹ không chỉ nuôi dưỡng nhu cầu về thể chất, mà còn đáp ứng cả những nhu cầu về cảm xúc và cả sự ham muốn chiếm hữu về mặt vô thức trong tâm lý của đứa trẻ.
Cảm giác đầu tiên khi được ôm ấp, vuốt ve đó là cảm giác được an toàn, sau đó là các cảm xúc về mặt giác quan, bàn tay được vuốt ve, sờ chạm, môi miệng được mơn trớn, mũi được thưởng thức những mùi hương từ da thịt và có thể cả mắt, cả tai... đều được những tác động tràn đầy yêu thương, phấn khích đem lại một cảm giác thỏa mãn trọn vẹn.
Chính những cảm xúc đa dạng đó là tạo nên một sự liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa mẹ và con mà không mối quan hệ nào có thể thay thế được, cũng không có sự gắn bó nào mạnh mẽ hơn. Chính vì thế mà có những quan điểm cổ xúy cho việc nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí ngay cả khi trẻ đã lên 6, 7 tuổi... Có người mẹ vẫn xem việc cho con bú như một cách thức để duy trì mối quan hệ mẹ con và đáp ứng được những nhu cầu cảm xúc của cả mẹ lẫn con chứ không chỉ là nhu cầu dinh dưỡng. Điều này có đúng hay có tốt không?
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh
Chúng ta biết rằng, con người là một sinh vật xã hội - sự gắn bó mẹ và con chỉ là một yếu tố cần thiết trong giai đoạn mà đứa trẻ chưa hoàn thiện về mặt phát triển các mối quan hệ bên ngoài, từ cơ thể đến tư duy, từ nhu cầu thể chất đến tinh thần. Khi đứa trẻ chập chững biết đi cho đến khi thành thạo trong việc di chuyển, thì những bước chân và sự phát triển của đôi tay, giúp trẻ bắt đầu việc rời khỏi lòng mẹ để khám phá thế giới.
Thế rồi khi trẻ bước vào lứa tuổi lên 3, giai đoạn mà ta gọi là "khủng hoảng tuổi lên 3" chính là những yếu tố thúc đẩy để đứa trẻ bắt đầu có sự nhận thức về bản thân khi luôn miệng nói không - luôn có những chống đối và những câu hỏi về mọi chuyện. Trẻ bắt đầu có ý thức về cái tôi - cái nhân cách của chính mình và sự hiện hữu của bản thể trong không gian - thì đến lúc đó, việc "đeo bám" hay gắn bó với người mẹ qua việc cho bú, đã không giúp gì cho trẻ phát triển thêm, mà ngược lại còn có hại cho khả năng tự chủ của trẻ. Trong giai đoạn này thì chính việc cho đứa trẻ rời khỏi sự chiều chuộng, ôm ấp, làm hộ... bằng những hoạt động tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, mới là cách thể hiện lòng yêu thương.
Người mẹ vẫn có thể thực hiện việc ôm ấp, vuốt ve và nói với con những lời yêu thương khi chơi đùa và chăm sóc con chứ không nhất thiết là cứ phải cho con bú mới là tạo sự gắn bó, quan tâm hay yêu thương, để đem lại sự bình yên cho con.
Những người phê phán việc cho con bú khi con trên 3 tuổi thì lại đem yếu tố đạo đức khi gắn kết việc cho bú giống như một hành vi kích thích nhu cầu tình dục ở trẻ em. Thực ra, ngay cả những hành vi bị phê phán nặng nề, bị cấm đoán và khiến cho nhiều bố mẹ lo lắng nhất là hành động "tự sướng" ở trẻ em khi trẻ sờ soạng hay cọ xát bộ phận sinh dục, cũng không nên nhìn dưới góc độ đạo đức để cấm đoán hay buộc tội, khi xem nó có tác dụng giống với hành vi của người lớn. Ở trẻ em thì đó chỉ là nhu cầu về tình cảm, cần có sự quan tâm, cần được an ủi và nó đáp ứng sự tò mò với một số kích thích do hành vi đó đem lại. Nếu được quan tâm, chăm sóc và đáp ứng nhu cầu tình cảm, thì các hành vi đó sẽ qua đi một cách nhẹ nhàng, hay nếu có thì cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển về sức khỏe và nhân cách của trẻ.
Việc cho con trên 3 tuổi bú mẹ cũng không phải là một hành vi đáng lên án mà ngược lại, đó là một hành vi đáng... thương! Bởi vì tuy nó đem lại cảm xúc cho mẹ và con, nhưng nó lại tạo nên một sự lệ thuộc, con sẽ khó có sự trưởng thành, tự lập về mặt nhận thức, hễ có chuyện gì là chạy về tìm đến "vòng tay mẹ" mà không dám đương đầu hay chấp nhận. Người mẹ cũng trở nên phụ thuộc vào con, không dám từ chối những yêu cầu, hay có khi còn chấp nhận cả những mệnh lệnh vô lý của đứa trẻ.
Việc không tạo được mối quan hệ gắn bó mẹ - con sẽ đem lại những hệ quả cho khả năng phát triển của trẻ, thì việc kéo dài những hoạt động gắn bó, cụ thể là qua việc cho con bú khi con đã trên 3 tuổi cũng là một điều đem lại những ảnh hưởng lệch lạc trong tiến trình trưởng thành của đứa trẻ. Chúng ta phải biết cách "ôm lấy" đứa con để tạo cảm giác an toàn cho trẻ, nhưng cũng phải biết cách "đẩy ra" với đứa con để trẻ có thể phát triển khả năng tự chủ của chính mình.