Khi nhắc đến trải nghiệm du lịch của giới siêu giàu, ta thường ngay lập tức nghĩ đến hình ảnh họ bước ra từ xe limousine sang phi cơ riêng, bay từ khách sạn năm sao ở Paris đến khách sạn năm sao ở Beverly Hills. Ở trong những khách sạn xa hoa hay những cuộc mua sắm đồ hiệu, bữa tối với loạt món ăn cao cấp thực sự là một phần không thể thiếu đối với một số du khách đặc biệt giàu có.
Tuy nhiên, sau khi đã trải nghiệm đủ những điều này, không có gì có thể giới hạn những người siêu giàu và họ luôn yêu cầu được trải nghiệm những vùng đất xa xôi, thú vị, thậm chí là có phần khắc nghiệt để thỏa lòng đam mê của mình.
Giới siêu giàu đam mê những chuyến du lịch thám hiểm với giá trên trời (Ảnh minh họa)
Khi việc du lịch sang chảnh đã quá quen thuộc, giới siêu giàu bắt đầu đến với những chuyến du lịch độc lạ để thu được trải nghiệm chưa từng có trong đời.
Swain Tours, một công ty có trụ sở tại Philadelphia chuyên về du lịch theo yêu cầu chia sẻ rằng anh đã sắp xếp cho những khách hàng giàu có của mình đi trực thăng lên Núi Cook của New Zealand và để họ đi bộ xuống. Anh cũng đã cung cấp các chuyến du ngoạn bằng trực thăng để khách hàng đi lặn bắt tôm hùm cũng như thuê máy bay phản lực tư nhân để các khách hàng kịp ngắm nhật thực.
Trải nghiệm càng độc đáo lại càng được giới nhà giàu ưa thích (Ảnh minh họa)
Các cuộc phiêu lưu mạo hiểm và nhẹ nhàng khác dành cho những người giàu có thích cảm giác mạnh thường là lái máy bay chiến đấu MIG tại Nga, bơi cùng cá mập voi ở Mexico hay tìm kiếm hổ Bengal ở Ấn Độ hoặc chạm trán với loài khỉ đột núi đang bị đe dọa tuyệt chủng ở vùng hoang dã Uganda... Thông thường, các chuyến đi này thường có giá từ chục đến cả trăm ngàn USD cho một lần trải nghiệm và vé cho những tour này cũng không hề dễ dàng để sở hữu.
Với một mức giá nào đó, khách du lịch không chỉ được tiếp cận với độ sâu của các đại dương trên Trái đất để thăm con tàu Titanic ở nơi an nghỉ cuối cùng của nó mà còn có thể đến các điểm đến như Bắc Cực, châu Phi hay thậm chí là những vùng đất xa xôi hơn nữa như Trạm vũ trụ quốc tế.
Với giới siêu giàu, những trải nghiệm càng khó khăn lại càng thể hiện sự xa xỉ. Một chuyến đi đến Nam Cực có giá khoảng 100.000 USD (khoảng 2,4 tỷ đồng) hay chuyến thám hiểm chinh phục Everest cũng có chi phí tương đương. Tuy nhiên, do mức giá này vẫn dễ tiếp cận nên giới siêu giàu đang dần không còn hứng thú với trải nghiệm này.
Từ bơi cùng cá mập....
...đến ngắm Gấu Bắc Cực đều là những chuyến du lịch được giới nhà giàu ưa chuộng (Ảnh: Skift)
Thay vào đó, họ đang hướng đến các chuyến đi săn hoặc ngắm các động vật hoang dã tại châu Phi đến các chuyến tham quan có hướng dẫn viên ở Bắc Cực. Karen Loftus, người làm việc tại một công ty du lịch thám hiểm, cho biết cô cũng nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với loại hình du lịch này và những khách hàng của cô đang đưa ra yêu cầu được đến những vùng đất hẻo lánh hơn nữa, xa xôi hơn nữa.
Karen cho biết nếu trước kia các khách hàng muốn đến Kenya hoặc Botswana tại châu Phi để ngắm nhìn các loài động vật hoang dã thì giờ đây họ muốn tiến thêm một bước để đến Rwanda xem khỉ đột.
Những chuyến trải nghiệm độc đáo luôn đi kèm với chi phí cao. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế riêng.
Vào tháng 5, tạp chí Insider cũng đã báo cáo rằng vào năm 2023, tỷ lệ tử vong khi thám hiểm Everest đã lên tới hai con số và hiện tại, nhiều nhà leo núi vẫn chưa được tìm thấy. Gần đây, tai nạn khiến 5 người tử nạn trên tàu lặn Titan cũng gây xôn xao truyền thông khi đây được cho là trải nghiệm thám hiểm đắt đỏ và vô cùng nguy hiểm.
Tỷ phú người Anh Hamish Harding, người tử nạn trong vụ tai nạn tàu lặn Titan (Ảnh: Blue Origin)
Bên cạnh việc mạo hiểm an nguy của bản thân, những trải nghiệm du lịch kể trên cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu khi máy bay phản lực, phi cơ riêng thường xuyên được sử dụng để di chuyển. Ngoài ra, nhiều loài sinh vật cũng bị đe dọa nghiêm trọng hơn nữa bởi những hoạt động du lịch thám hiểm này của giới siêu giàu.
"Họ muốn nhìn thấy môi trường hoặc hệ sinh thái nguyên sơ nhất. Họ muốn nhìn thấy khỉ đột hoặc gấu bắc cực, và đó là những loài có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất" - Giáo sư Lorri Krebs nói.
Nguồn: Forbes, SCMP, Newsweek