Tour "0 đồng" kém chất lượng trở lại
Dữ liệu của cơ quan hải quan Móng Cái cho thấy, số lượng du khách Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái , tỉnh Quảng Ninh từ đầu năm đến nay có xu hướng tăng cao, với khoảng 2,5-3 vạn khách/ngày. Hầu hết người nhập cảnh vào TP. Móng Cái đều là du khách đi theo đoàn do các công ty tổ chức, với thời gian lưu trú ngắn và không khám phá sâu hơn vào nội địa của Việt Nam. Sự gia tăng số lượng du khách Trung Quốc dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng hoạt động theo mô hình "tour 0 đồng" tái xuất trên địa bàn.
Cụ thể, sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, một số đoàn khách Trung Quốc (đa số là người cao tuổi) sẽ lên các xe khách 45 chỗ để tham quan các cửa hàng đã được sắp xếp trước, nơi bày bán đồ lưu niệm, thực phẩm chức năng, đồ ăn và bánh kẹo không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đáng chú ý, người Việt Nam không được phép tới mua sắm tại các cửa hàng này.
Sự gia tăng khách du lịch nhập cảnh qua đường bộ kéo theo tình trạng tour du lịch 0 đồng chất lượng kém. (Ảnh: Hoàng Dương).
Chia sẻ với PV Tiền Phong , ông Phạm Duy Nghĩa - Tổng Thư ký Hội lữ hành Hà Nội - nhận định, tour du lịch "0 đồng" vận hành bằng cách đưa khách Trung Quốc qua cửa khẩu ở Móng Cái - Quảng Ninh, cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai. Một số doanh nghiệp inbound (đón khách quốc tế) tại Việt Nam đã phối hợp với doanh nghiệp Trung Quốc tạo nên "vòi bạch tuộc" khai thác sản phẩm này.
"Vì là tour 0 đồng nên phía doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên sẽ hướng tới việc ép du khách mua sắm mới được hưởng dịch vụ, dẫn tới tình trạng có chất lượng rất kém. Trong khi đó, các sản phẩm tại cửa hàng chỉ dừng ở mức chấp nhận được nhưng lại có giá trên trời nhằm bù vào chi phí dịch vụ", ông Phạm Duy Nghĩa cho biết.
Một đại diện doanh nghiệp lữ hành ở TP. Móng Cái cho biết, cơ sở lưu trú, các suất ăn trong tour du lịch "0 đồng" thường xuyên bị hạ cấp. Các khách sạn cho du khách tham gia chuyến đi này ở cách xa trung tâm, nên nếu đã trở về khách sạn thì không thể đi đâu được nữa. Thậm chí, một số điểm lưu trú phục vụ tour này còn tìm cách trốn thuế, không ghi hóa đơn đầy đủ, dẫn đến thất thu thuế Nhà nước.
Nhiều đại diện doanh nghiệp lữ hành thường xuyên theo dõi thị trường cho biết, các cửa hiệu mua sắm cho khách Trung Quốc hầu như là người Việt đứng tên, nhưng thực chất chủ rót vốn ở nước ngoài. Về mặt bản chất, tour du lịch 0 đồng trở thành phương thức các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp cho khách nội địa.
Điều này dẫn tới ngành du lịch nước ta lãng phí tài nguyên khách hàng, không mang về được doanh thu. Cổ súy cho tour 0 đồng có thể khiến người tham quan nhận định tiêu cực về điểm đến ở Việt Nam, hình ảnh du lịch nước ta bị đánh giá một cách phiến diện bởi chất lượng kém, kéo theo hiện tượng chèo kéo du khách, lừa đảo .
Du khách có thể có góc nhìn không tốt về Việt Nam nếu trải nghiệm dịch vụ không đạt kỳ vọng. (Ảnh: Hoàng Dương).
Ông Vũ Văn Tuyên - đại diện doanh nghiệp du lịch Travelogy - cho biết: "Khi đã hứa hẹn cung cấp dịch vụ giá rẻ hoặc miễn phí cho du khách, các đơn vị lữ hành cần phải làm đúng như cam kết. Hiện nay mạng xã hội phát triển rất mạnh, chỉ cần xuất hiện những hình ảnh du khách nước ngoài bị đối xử không tốt khi tới Việt Nam thì các chính sách ưu đãi của những tour du lịch chất lượng tốt cũng bị ảnh hưởng, khó hút khách".
Siết chặt quản lý tour du lịch chất lượng kém
Trong quý I, số lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam đạt 890.000 lượt khách, đứng thứ hai về quy mô toàn thị trường. Điều này cho thấy việc đảm bảo ổn định nguồn khách du lịch Trung Quốc, tránh tạo những hình ảnh xấu về du lịch Việt Nam sẽ giúp nước ta hoàn thành mục tiêu du lịch năm nay.
Hiện các cơ quan chức năng tại thành phố Móng Cái đã có nhiều biện pháp để đảm bảo việc quản lý hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ du khách trên địa bàn, nhằm duy trì một môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và văn minh, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mùa du lịch năm nay.
Nhiều đơn vị lữ hành đồng ý loại bỏ tour 0 đồng tại thị trường Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Dương).
Chính quyền TP. Móng Cái sẽ tiến hành kiểm soát nghiêm ngặt các doanh nghiệp đã bị tạm ngừng hoạt động và chỉ cho phép hoạt động trở lại sau khi đã khắc phục toàn bộ các vi phạm và hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định. Thành phố này quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật của các tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ du lịch trên địa bàn, đặc biệt tập trung vào nguồn gốc hàng hóa, giá cả, phí, lệ phí, hóa đơn, ngoại hối, biển hiệu, quảng cáo, và sử dụng lao động.
Địa phương sẽ có phương án phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) để triển khai các thỏa thuận được thống nhất một cách thiết thực và hiệu quả.
Ông Phạm Duy Nghĩa đề xuất Cục Du lịch Việt Nam ban hành quy định tước giấy phép hoạt động của những doanh nghiệp lữ hành trong nước phục vụ dòng sản phẩm tour du lịch 0 đồng. "Hình thức du lịch 0 đồng rất khó kiểm soát và rất dễ lách luật nếu còn tồn tại nên tốt nhất cần loại bỏ ở Việt Nam", ông Phạm Duy Nghĩa nhận định.