*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Một đêm Chủ nhật, cậu bạn thân đồng tính rủ tôi đi xem "Lô tô", suất chiếu muộn nhất ở một rạp Hà Nội. Khoan nghĩ tôi câu đôi lượt xem của bạn vì cái từ "đồng tính" kia; chỉ vì nó cũng phần nào liên quan tới chuyện phim về những người "trôi sông lạc chợ" - những người chuyển giới đi theo gánh lô tô xuôi ngược trăm miền để mưu sinh cuộc sống.
Tôi xem phim với tâm thế của một người đã ấn tượng với bộ phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm; và muốn biết khi được dựng thành hình hài một tác phẩm điện ảnh nó sẽ như thế nào. Còn cậu bạn mình tôi chẳng rõ, chỉ biết là nó sẽ buồn. Một đêm Hà Nội đầy gió, hết phim thì ngày cũng tàn, câu chuyện đời của những người chuyển giới cũng se sắt, buồn bã như những người đồng tính, hỏi làm sao mà không buồn cho được?
Với bộ phim như vậy, người hiểu và cảm thông thì khóc ròng từ đầu tới cuối, kẻ không biết lại kiếm vài tràng cười ngồi xem cố hết phim đỡ phí tiền. Thỉnh thoảng, quay sang tôi thấy cậu bạn đang len lén chùi nước mắt. Ra về trong lặng lẽ, tôi chỉ dám hỏi câu: "Mày ấn tượng với điều gì nhất?"
"Giấc mộng chết thì cuộc đời cũng hết", nó không nói gì mà chỉ lẩm bẩm câu thoại.
Câu thoại của dì Lệ Liễu cứ trở đi trở lại trong bộ phim, như ám ảnh người xem về một hành trình dài bất tận của những kiếp người nổi trôi, dạt bên bờ xã hội. Trên sân khấu Lô tô, họ là những danh ca, nữ nghệ sĩ Bolero tài năng, duyên dáng. Còn dưới tấm ván ọp ẹp với căn phòng chỉ đủ một cái giường, họ lại ngập trong nỗi buồn đi tìm bản ngã, đắm chìm vào một giấc mộng được xã hội công nhận, được yêu thương và được sống đúng với giới tính của mình.
Thước phim về cuộc đời của những con người trôi sông lạc chợ mở ra với khung cảnh nông thôn miền Tây rất đỗi yên bình. Đực - một chàng trai nghèo với ước mơ được sống đúng với giới tính của mình đang tự ngắm mình trong gương, rạng rỡ với chiếc váy và chút phấn son lấy của người dì. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, người cha thấy cảnh tượng đó mới đem con ra đánh đập, chửi bới, mạt sát thậm tệ.
Cuộc đời của chàng trai kia cứ thế xoay vần trong đòn roi, tiếng chửi và ước mơ được như bao người phụ nữ khác cứ lớn dần theo năm tháng.
Câu chuyện của Đực như chiếc gương soi phản ánh cuộc đời khắc nghiệt của biết bao nhiêu người LGBT ngoài đời thực: bị đánh đập, xúc phạm, bạo hành tinh thần; rồi được các gia đình tìm cách "chữa trị", ép cưới. Nhưng ở đời chẳng ai biết được chữ ngờ; chàng trai kia đã ra đi để lại cô vợ trẻ bị ép cưới ngóng chờ. Năm ấy, Đực chắc mới 18 tuổi, đã rời bỏ làng quê nghèo, rời bỏ nơi đầy đòn roi, tiếng chửi để bước vào thế giới của chính mình.
"Em muốn theo gánh Lô Tô này, thiệt hông?".
"Từ nay, sẽ không còn chàng trai tên Đực nữa, chỉ còn lại cô đào Lệ Liễu xinh đẹp của gánh Lô tô Phù Hoa này".
Cuộc đời phủ bóng u hoài, các chị chỉ biết chọn cho mình những cái tên yêu kiều, hoa mỹ để quên đi quá khứ đầy buồn bã: Lệ Liễu, Lệ Sa Sa, Lệ Phi Phi... Chẳng ai biết quê quán, xuất thân họ từ đâu nhưng xem phim, người ta cũng phần nào thấy được những cảnh đời cơ cực, bị đẩy vào kiếp trôi sông lạc chợ như này.
Thỉnh thoảng, những câu thoại giản dị mà chan chứa ước mơ của các nhân vật trong phim lại khiến người xem rơm rớm nước mắt. Vài sợi rụng trên mái tóc giả cũng khiến các chị tưởng tượng ra cuộc đời thật của một người phụ nữ "bình thường", cả đời bôn ba qua khắp vùng quê, góp nhặt được chút tiền chỉ mong một ngày được đi bơm ngực, tiêm hormone để sống đời như bao cô gái khác. Cái khoảnh khắc người phụ nữ tên Lài ngồi nói chuyện với Lệ Liễu, sự nghẹn ngào, uất hận như bóp nghẹn trái tim cả nhân vật và khán giả.
"Ông có gì mà làm phụ nữ?"
Tôi nghe đâu đó có tiếng cười trong rạp khi câu thoại được thoại được thốt lên và cả tiếng nước mắt lăn vệt dài trên má cậu bạn ngồi bên. Khi họ đã đấu tranh, đã cố gắng bao năm trời và cuối cùng để bị những kẻ ngoài cuộc phủ nhận. Lệ Liễu, Lệ Sa Sa rồi các chị khác trong gánh lô tô Phù Hoa, họ chỉ muốn sống là chính mình, có khó vậy không?
Một người phụ nữ không được sinh ra bằng những định nghĩa, áp đặt của xã hội bên ngoài, họ là phụ nữ khi bản thân họ cảm thấy vậy.
Hành trình của giấc mộng cuộc đời lớn không chỉ để đi tìm chính mình; ở đó, những danh ca nữ sĩ còn đi tìm tiếng nói đồng cảm từ cộng đồng, ước mong được xã hội công nhận, được người đời bớt gièm pha, điều tiếng.
Lô Tô đã khắc họa một cách chân thực, không châm biếm mà cũng chẳng mua vui, nỗi đau cả thể xác và tinh thần của những người chuyển giới. Bị cả gia đình đánh đập, hành hạ thể xác, bị những người ngoài xã hội cười nhạo, phỉ báng rồi chính đôi khi, họ cũng tự mang một nỗi sầu của riêng mình.
Những kiếp đời nổi trôi như vậy, người ta tự hỏi sao họ không tìm đến các công việc khác, nhẹ nhàng và đỡ chật vật hơn. Thị thành ôm giấc mơ của bao con người từ miền xa, chẳng lẽ không dung thứ thêm được vài người nữa? Nhưng họ vẫn chọn gánh lô tô, chọn kiếp cầm ca rong ruổi, mua vui cho bao người. Vì đơn giản, ở đó với họ là nhà, là nơi được công nhận, được chấp nhận và mở lòng.
Ở đâu được yêu thương và đón nhận, ở đó là một gia đình.
"Gánh hát này là một gia đình", câu nói của ông bầu Minh ngay đoạn mở đầu phim như khóa son níu cả khung nhạc dài gần 90 phút. Cái ngày ngọn lửa cháy thiêu rụi gánh lô tô Phù Hoa, ai cũng nghĩ rồi sẽ đi đâu về đâu. Khoảng khắc đó, người ta thấy sự đùm bọc của các thành viên dành cho nhau. Ngồi giữa đống đổ nát ngổn ngang, chị cả Lệ Liễu đau đáu nhìn các em rồi nhận những món tiền giúp đỡ từ các thành viên trong đoàn. Gánh lô tô Phù Hoa với Lệ Sa Sa, Lệ Tú Nhàn, ông Toàn, bà Hồng đâu chỉ còn là một gánh hát, đó là một gia đình thực sự.
Ngoài những giây phút buồn bã, trầm ngâm, khán giả cũng có những phút giây thoải mái với tràng cười nhẹ nhàng trước cuộc sống của những người chuyển giới trong đoàn lô tô Phù Hoa. Họ trêu đùa nhau bằng những câu nói mà người ta hay dùng để miệt thị người chuyển giới nhưng mỗi câu từ, lời thoại đều toát lên niềm tự hào khi được sống với những gì mình có.
"Không có bóng đèn, có bóng lộ được không?", hay "Bóng gió là hữu dụng, bánh bèo là vô dụng" chắc chắn sẽ là những câu thoại mà người xem chẳng thể nào quên được. Giữa cuộc sống còn khó khăn, còn nhiều đau khổ, các thành viên trong đoàn vẫn ở bên, vực dậy niềm tin và gửi lại vào cuộc đời chút niềm vui nhỏ bé.
"Kiếp đời bóng gió như này, có người chịu thương đã là may rồi"; tôi không nhớ chính xác từng câu chữ nhưng lời chị Lệ Liễu nói như ám ảnh tôi và bao người xem. Câu chuyện "đời bóng gió" trở đi trở lại trong phim, như một niềm day dứt về cuộc đời muốn có chút hạnh phúc giản dị là được yêu thương cũng khó.
Chẳng có gì sai khi những người phụ nữ khát khao được yêu thương, được người đàn ông của đời mình quan tâm chăm sóc. Tôi nhớ như in cái ánh mắt rất tình của Lệ Liễu dành cho Quân, cái ngúng nguẩy, hờn dỗi và chút ghen khi thấy Quân nhìn Thương, cô con gái đi tìm cha suốt hàng chục năm. Lô tô là một bộ phim mà rất đời, rất thực. Chính vì thế nên yêu đương cũng chẳng bao giờ có màu hồng: Quân rồi cũng chỉ coi Lệ Liễu như người chị, như một thành viên gia đình thân thiết; Lệ Phi Phi rồi cũng bỏ lại cậu Sít Què để đi tiếp hành trình của mình với gánh lô tô Phù Hoa, Lệ Sa Sa kiều diễm cũng chưa một lần được hạnh phúc với tình yêu của đời mình...
Cậu bạn tôi, những lúc chán đời vẫn thường xuyên ca thán: "Tình yêu của LGBT bạc lắm mày ơi, chẳng biết bao giờ mới bền lâu được. Yêu thương nhau thật lòng đã khó, còn sống được về lâu về dài trước sóng gió của gia đình, xã hội cũng chẳng dễ dàng gì". Có những thứ tình yêu vốn đã mỏng manh như đám lục bình trôi mà giờ chỉ chờ sóng xô gió dập mà đứt gãy, mà vỡ tan.
Ông bầu Minh qua đời, rồi Quân cũng qua đời, để lại người phụ nữ đã luống tuổi Lệ Liễu ôm nỗi đau của 2 mối tình dở dang. Đời nhiều trái ngang, yêu thương cũng lỡ làng như chính những bài Bolero sầu thảm mà chị Lệ Liễu hát lên trong đêm gánh Lô tô bị đám người phá phách. Có những thứ tình yêu đẹp mà chỉ dám hẹn kiếp sau, nghe sao đau đớn tâm can đến xót xa.
Tình yêu vốn công bằng với cả nhân gian, nhưng có nhiều người được đặc quyền hơn, hạnh phúc hơn người khác.
Hành trình của gánh lô tô Phù Hoa khắp mọi miền quê đâu chỉ là con đường mưu sinh; bánh xe lăn dài trên mọi nẻo đường mang theo cả giấc mộng được tìm thấy chính mình.
Đầu phim là hình ảnh những chuyến xe đi lang thang, kết phim lại thấy một hành trình như vậy, tưởng chừng như sự bế tắc vẫn chẳng dứt khỏi số phận những con người này. Nhưng ở Lô tô, tôi vẫn thấy có chút niềm hy vọng, một cái gì đó khác với "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" khi nhân vật Thương xuất hiện.
Thương - người con gái mà năm xưa Lệ Liễu bỏ lại mà không hề biết lang thang đi tìm cha. Ở cùng gánh hát Phù Hoa rồi kinh qua bao nỗi đau, thấy được sự vất vả của "cha" mình, của những người chuyển giới, Thương như hiểu được nỗi niềm của họ. Để rồi cuối phim, cô đã tha thứ cho Lệ Liễu, cho "cha" mình vì đã bỏ mẹ con cô mà đi.
Nhân vật Thương ở đó như một dòng suối mát lành; những lời thoại của Thương ở cuối phim như lời nhắn nhủ của đạo diễn về một xã hội đã dần có cái nhìn thiện cảm hơn, mở lòng hơn với người chuyển giới và dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, gia đình vẫn luôn ở bên mỗi chúng ta, để không còn ai phải buồn như Lệ Sa Sa với câu thoại day dắt người xem tới tận tâm can; mộc mạc và rất thực, rất đời.
"Tụi chị có nhà tụi chị không dám nhớ, bởi vì mỗi lần nhớ nhà, thấy mình có lỗi với mẹ cha".