"Livestream chuyện riêng tư trên mạng chẳng khác nào tự tay xoá đi nút undo của cuộc đời"

Tuyết Hạ, Theo Trí Thức Trẻ 10:04 22/11/2016

Theo blogger Nguyễn Ngọc Long, chưa có một công cụ nào ghi lại diễn biến sự việc, lột tả một cảm xúc, tạo ra tính trực tiếp, tương tác tốt như livestream. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng đưa chuyện riêng lên mạng là một cách làm dại dột, tự gây hoạ.

Ứng dụng livestream được xem là bước đột phá của facebook. Tuy nhiên, ngoài tính tích cực, nó cũng đang bị lạm dụng, trở thành công cụ thực hiện nhiều việc gây sốc, vô bổ và thành nơi để người ta đấu tố, hạ bệ, phanh phui nhau...

Mới đây nhất là trào lưu livestream tất cả mọi thứ trong gia đình: từ chuyện mẹ chồng nàng dâu cãi cọ, chuyện chồng ngoại tình, chuyện ly hôn... cũng được nhiều người làm theo.

Vô vàn rắc rối lẽ ra nên được giải quyết theo kiểu "đóng cửa bảo nhau" đều được tung lên MXH cho hàng trăm, hàng ngàn người cùng theo dõi. Vì sao lại như vậy? Livestream những rắc rối đời tư của bản thân có thực sự là cách giải quyết tốt các mâu thuẫn đang tồn tại?

Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với blogger Nguyễn Ngọc Long.

Nhiều người sử dụng livestream vì đó là công cụ lan tỏa cảm xúc tuyệt vời nhất

Theo blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long, xét về mặt chia sẻ thông tin, livestream bản chất cũng giống như việc đăng clip, chia sẻ bức ảnh hay một đoạn status. Yếu tố tạo nên sự khác biệt nằm ở mặt kỹ thuật. Cho đến hiện tại, không một ứng dụng hay hình thức chia sẻ thông tin nào tạo ra tính trực tiếp, tức thời và liên tục như livestream. Nó làm cho cả hai bên phát - nhận đều cảm thấy thú vị hơn. Người phát live video thấy dễ dàng chia sẻ câu chuyện của mình còn người theo dõi thấy nó sinh động, dễ tiếp nhận hơn.

Tính năng livestream trên facebook lần đầu tiên tạo ra cơ hội trò chuyện trực tiếp với nhiều người cùng lúc. Nó mở ra khả năng tương tác cao, giúp kết nối mọi người gần nhau hơn.

Livestream chuyện riêng tư trên mạng chẳng khác nào tự tay xoá đi nút undo của cuộc đời - Ảnh 1.

Blogger truyền thông xã hội - Nguyễn Ngọc Long.

"Tôi lấy ví dụ nếu bạn cập nhật diễn biến tâm trạng theo kiểu viết đoạn status, cứ 2 phút vào sửa một lần thì chắc chắn sẽ chẳng ai quan tâm nhưng nếu bạn quay live gương mặt của bạn với nhiều biểu cảm khác nhau, chắc chắn sẽ thu hút mọi người hơn

Lý do là thay vì phải liên tục quay lại facebook của bạn, xem bạn đang cập nhật điều gì thì họ chỉ cần nhấn nút một lần, ngồi trước màn hình máy tính và theo dõi mọi thứ từ đầu đến cuối. Đối với bạn, bạn cũng chỉ cần nhấn nút phát live video một lần là có thể thay bao lời muốn nói và chẳng cần chỉnh sửa gì thêm", blogger Nguyễn Ngọc Long nói.

Clip thiếu gia Minh Nhựa livestream từ giường bệnh sau khi tự tử bất thành từng thu hút sự theo dõi của hàng nghìn người.

Một điều nữa là livestream tạo ra tâm lý chờ đợi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong khi đọc một đoạn status, chúng ta không hề có cảm giác đó. 

Ngoài sự hấp dẫn ấy, facebook còn đang đẩy mạnh ứng dụng livestream nên khi bạn phát live video, lập tức điều này sẽ được thông báo đến tất cả bạn bè, khiến tỉ lệ người xem cao hơn hẳn.

Thực tế, bất cứ ai khi chia sẻ thông tin trên mạng đều hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, tương tác của nhiều người và livestream đang là công cụ dẫn đầu về khả năng làm được điều đó. Vì vậy, hẳn nhiên nó sẽ có số lượng người sử dụng nhiều hơn.  

"Cho nên nếu 1 tuần hay 1 tháng sau, facebook có thể tiếp tục cho ra đời những ứng dụng tương tác tốt hơn... thì chắc chắn cư dân mạng sẽ lại bỏ livestream để chuyển sang sử dụng những ứng dụng đó ", blogger phân tích.

Livestream chuyện riêng tư là đang tự đẩy mình vào ngõ cụt

Giải thích về việc vì sao ngày càng có nhiều người phát live vieo những câu chuyện đáng lẽ nên "đóng cửa bảo nhau", anh Ngọc Long phân tích, bản chất mạng xã hội chính là nơi để mọi người thể hiện bản thân. Vì vậy, ngày càng có nhiều người sử dụng livestream - công cụ thể hiện bản thân tốt và tiện dụng - để phô bày cuộc sống cá nhân trên tất cả các khía cạnh. 

"Việc kể lể chuyện cãi nhau với chồng hay cuộc họp gia đình thực chất không phải điều mới lạ. Trước nay, chúng ta vẫn thấy nhiều bà mẹ bỉm sữa viết status, đăng ảnh kể về chuyện đó. Tuy nhiên, khi có hình thức thể hiện cảm xúc, lột tả diễn biến câu chuyện tốt như livestream ra đời thì họ chuyển sang sử dụng hình thức này.

Đối với việc quay live cảnh bị chồng, bố mẹ chồng ngược đãi thì nó còn có thêm một tác dụng là ghi lại bằng chứng xác thực", anh Long nói thêm.

Livestream chuyện riêng tư trên mạng chẳng khác nào tự tay xoá đi nút undo của cuộc đời - Ảnh 2.

Hotgirl Á Hân từng gây sốt khi livestream cảnh cãi nhau với chồng trên MXH.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khẳng định, đưa chuyện riêng lên mạng là một cách làm dại dột, chẳng khác nào tự mình gây ra tai họa. Bởi vì trong cuộc sống, giữa vợ - chồng, bạn bè, cha mẹ và con cái đôi khi xảy ra mâu thuẫn là chuyện bình thường. Mỗi lần xảy ra xung đột, chúng ta hoàn toàn có thể làm lành với nhau nhưng nếu khi đó chỉ cần có thêm một người thứ 3 xuất hiện, mọi thứ đã trở nên khó khăn hơn nhiều chứ chưa nói đến chuyện livestream trên facebook cho hàng trăm, hàng nghìn người cùng thấy. 

"Đem chuyện riêng lên trên mạng để kể chẳng khác nào đang tự tay xóa đi nút undo của cuộc đời", anh Long nói. Nếu như vấn đề chỉ của riêng 2 người, các bạn có thể undo thoải mái nhưng nếu bạn đã để cho nhiều người chứng kiến, bạn làm thế nào cũng dở. Nếu bạn làm theo lời tuyên bố trên mạng thì đôi khi đó không phải là con người bạn mà chỉ vì áp lực thực hiện lời mình đã nói cho nhiều người cùng nghe, cùng thấy. 

Hơn nữa, khi chuyện riêng bị quá nhiều người chứng kiến, bạn có thể vấp phải sự gièm pha, đổ thêm dầu vào lửa khiến mối quan hệ vốn đã có mâu thuẫn càng không có cơ hội hàn gắn. "Tại sao bạn lại đem câu chuyện của mình lên mạng làm mồi nhậu cho những người không bao giờ quan tâm hoặc chia sẻ thực tế với bạn".

Theo anh Long, nếu thực sự muốn tìm sự đồng cảm, bạn có thể livestream cho những người thân cận cùng xem, chắc chắn thay vì bêu riếu, ném đá, họ sẽ cho bạn lời khuyên thật lòng.

Livestream chuyện riêng tư trên mạng chẳng khác nào tự tay xoá đi nút undo của cuộc đời - Ảnh 3.

Đơn xin ly hôn của hotgirl Á Hân được đăng tải công khai trên MXH.

Ngoài ra, anh Long cũng cho rằng, câu chuyện livestream trên mạng nhìn bề ngoài rất thật, rất gần gũi nhưng có thể nó không phải là toàn bộ sự thật. "Tôi lấy ví dụ nhiều người quay lại cảnh bố đánh con rồi đưa lên mạng khiến nhiều người bức xúc, đổ lỗi cho người cha nhưng nhiều khi, thực tế không hẳn như vậy. Bởi vì đoạn live video đó đang bị tách ra khỏi bối cảnh trước và sau của câu chuyện. Nếu chúng ta không tìm hiểu kĩ, chúng ta có thể sẽ đưa ra phán xét sai lầm".

Không những vậy, anh Long còn cho rằng khi bạn đang âm thầm livestream người khác, tức là bạn đang có ý đồ "chơi bẫy" họ. "Không chỉ livestream mà ngay cả việc quay video hay ghi âm lén đã là điều không hay bởi vì chuyện riêng giữa 2 người, nó sẽ khác so với lúc nói trước bàn dân thiên hạ. Bạn chủ động quay cuộc cãi vã ấy, chắc chắn bạn sẽ kiềm chế hơn trong khi chồng bạn, anh ta không hề biết điều đó và có thể nói những câu nói không đúng theo chuẩn đám đông nhưng thực tế, lâu nay vẫn được bạn chấp nhận trong cuộc sống vợ chồng".

Cuối cùng, blogger Ngọc Long cho rằng, livestream thực sự đang là trào lưu mới. Đứng trước xu thế ấy, chúng ta không thể đóng cửa mà phải tìm cách tiếp tay cho cái tốt, ngăn chặn cái xấu. "Công cụ sẽ không bị dẹp bỏ mà chỉ có con người phải thay đổi theo nó. Nếu các bạn bài trừ những công cụ tiến bộ thì chỉ có các bạn trở nên lạc hậu, chậm tiến thôi. Đừng đổ hết thói hư, tật xấu cho livestream vì nếu có lỗi thì lỗi ấy là do người sử dụng". 

Theo anh Long, làm điều tích cực bao giờ cũng khó và hiệu quả sẽ đến từ từ. Điều ấy giống như việc dùng livestream cho mục đích tốt đẹp có thể sẽ khó hơn khi phục vụ mục đích tiêu cực. Tuy nhiên, mỗi chúng ta cần tìm ra một cách thức nào đó để phát huy lợi thế của ứng dụng này, hạn chế việc dễ dãi với bản thân, sử dụng nó vào những việc làm thiếu thận trọng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày