Nắng nóng hoành hành từ Đông sang Tây
21/7 tưởng được coi là ngày nóng nhất từ trước đến nay. Nhưng ngay sau đó, số liệu mới nhất lại chỉ ra rằng 22/7 mới là ngày nóng nhất.
Nắng nóng toàn cầu không phải mới xảy ra những năm gần đây nhưng trước nhiệt độ cao kỷ lục trong giai đoạn trung tính của ENSO (một hiện tượng kép gồm trung tính, El Nino và La Nina), nắng nóng đang ngày càng cực đoan hơn.
Nhật Bản đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt. Đầu tháng này, Nhật Bản ghi nhận nhiệt độ tăng lên 40oC lần đầu tiên trong năm nay. Ngày 22/7, 39/47 tỉnh của Nhật Bản ban hành cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt.
(Ảnh: AP)
Tại Pakistan, kỳ nghỉ hè của học sinh các tỉnh miền Nam sẽ kéo dài thêm 2 tuần do nắng nóng, ảnh hưởng đến học sinh tại hơn 100.000 ngôi trường. Việc đóng cửa trường học nhằm đảm bảo sức khỏe của trẻ trong bối cảnh nắng nóng và cắt điện diện rộng, có khi lên tới hơn 12 tiếng mỗi ngày.
Các nước châu Âu cũng đang "toát mồ hôi" vì nắng nóng. Nhiệt độ tại Tây Ban Nha được dự báo có thể vượt ngưỡng 45oC. Italy đã phải ban bố cảnh báo đỏ về nắng nóng tại 27 thành phố. Tình trạng báo động đỏ nghĩa là nắng nóng gay gắt đến mức đe dọa sức khỏe của cả những người khỏe mạnh chứ không chỉ người già, người bệnh hoặc trẻ em.
Bà Joyce Kimutai (nhà khoa học khí hậu, Đại học Imperial London) cho biết: "Thế giới đã trải qua 11 tháng liên tiếp có nhiệt độ cao kỷ lục. Năm 2023 là năm nóng nhất nhưng tình hình không dừng lại ở đó. Chúng ta sẽ thấy nhiệt độ còn tiếp tục tăng".
Ngày 22/7 đã lập kỷ lục toàn cầu mới về nhiệt độ trung bình cao nhất từ trước đến nay. Kỷ lục này đã bị phá vỡ khi thế giới đang ở trong giai đoạn chuyển từ El Nino sang giai đoạn trung tính của ENSO - giai đoạn có nhiều hiện tượng thời tiết va đập bất thường.
(Ảnh: AFP/Getty Images)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mậu - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Nông nghiệp: "Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến cho cho sóng nhiệt và nắng nóng càng nghiêm trọng và thường xuyên hơn. Vấn đề ở đây, do sự gia tăng nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển dẫn tới sự gia tăng hiệu ứng nhà kính, kéo theo đo nền nhiệt độ Trái đất và các hiện tượng cực đoan nhiệt độ cao tăng nhanh, đặc biệt là trong khoảng 1 thập kỷ gần đây. Ngoài ra, còn một số các nhân tố khác cộng hưởng như El Nino, đô thị hóa, tan băng. Do tác động của biến đổi khí hậu, trong tương lai chúng ta có nguy cơ phải đối diện với mùa hè ngày càng cực đoan hơn, các hiện tượng như nóng nóng và sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn".
Với việc các kỷ lục nhiệt liên tiếp bị xô đổ, các chuyên gia nhấn mạnh đây không chỉ là một hiện tượng thống kê đơn thuần mà còn là lời cảnh báo về sự biến đổi khí hậu sâu rộng và đang diễn ra trên toàn cầu. Ngay cả khi chuỗi hiện tượng thời tiết cực đoan này kết thúc vào một thời điểm nào đó, thế giới chắc chắn sẽ chứng kiến những kỷ lục nhiệt độ mới bị phá vỡ khi Trái đất tiếp tục nóng lên, trừ khi con người hành động ngay lập tức để giảm thiểu khí thải nhà kính.
Nắng nóng tác động ra sao đến sức khỏe con người?
Nắng nóng kỷ lục trên thế giới khiến nhiều quốc gia đã phải phát cảnh báo về sức khỏe bởi nhiệt độ cao là tác nhân gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe như say nắng, sốc nhiệt, bệnh tim mạch, suy thận, huyết áp cao, hen suyễn, hoặc đột quỵ. Những người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tiểu đường... cũng có nguy cơ tăng nặng do nắng nóng.
Nhiệt độ quá cao cũng được phát hiện là gây hại cho các cơ quan và làm suy yếu chức năng vận động của con người, làm gián đoạn giấc ngủ và có liên quan đến bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng. Hồi đầu tháng 7, cơn bão Beryl khi đổ bộ đã khiến khoảng 2 triệu người dân Mỹ rơi vào tình cảnh khốn khổ, kiệt quệ sức khỏe vì bị mất điện giữa đợt nắng nóng.
Gia tăng số ca tử vong do sốc nhiệt sau bão tại Mỹ
Ước tính, 1 triệu người tại thành phố Houston, bang Texas, Mỹ đã phải chung sống với cảnh mất điện kéo dài nhiều ngày dù cơn bão Beryl đã qua đi.
Anh Adrian García (người dân thành phố Houston, bang Texas, Mỹ) chia sẻ: "Rõ ràng nhiệt độ cao được coi là kẻ thù của tất cả chúng tôi trong tình cảnh này. Vì thế ưu tiên quan trọng nhất là có lại điện để giảm bớt cái oi ả".
Trong khi giới chức địa phương khôi phục lưới điện, hàng trăm người đã phải tập trung để lấy đá lạnh, nước uống và thực phẩm để chống lại cái nóng vượt mức 38oC. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện ra ngoài. Gia đình bà Jarrett là một ví dụ. Thậm chí, cái nóng nghiệt ngã cộng với tình cảnh mất điện đã cướp đi mạng sống con người.
(Ảnh: AP)
Bà Janet Jarrett (người nhà của nạn nhân tử vong do sốc nhiệt) kể lại: "Em gái tôi 64 tuổi và phải ngồi xe lăn. Tình trạng mất điện khiến em tôi đã trải qua một khoảng thời gian khốn khổ. Khi thấy em tôi thấy khó thở, tôi đã cố gắng tìm đá lạnh và mở cửa sổ để gió lùa vào nhiều nhất có thể. Nhưng mất điện tới 4 ngày là quá dài. Tôi ước gì đã có thể di chuyển em gái tôi đi nơi khác, nhưng không dễ để đưa em ấy lên xe".
Thống kê thực hiện 2 tuần sau khi bão Beryl đổ bộ cho thấy các ca tử vong do sốc nhiệt và mất điện đã nâng số người thiệt mạng tại bang Texas lên ít nhất 23 người. Sự kết hợp giữa nhiệt độ cao và tình trạng thiếu điều hòa không khí do mất điện được đánh giá đặc biệt nguy hiểm đối với nhiều người dân. Các chuyên gia khuyến cáo tăng cường đánh giá những tác động của nắng nóng và nhiệt độ cao tới sức khỏe con người để giảm thiểu rủi ro về sức khỏe cộng đồng.
Giải pháp chống nắng nóng
Trước tình trạng nắng nóng ngày càng cực đoan hơn, các chuyên gia đã đề ra một số giải pháp để phòng chống và thích ứng.
Hành lang không khí mát
Các chuyên gia Đức cho rằng cần tăng cường các hành lang không khí mát giúp hạ nhiệt thành phố. Trong khi các đô thị nóng lên, vùng nông thôn xung quanh vẫn mát mẻ hơn đáng kể, đặc biệt là vào ban đêm. Sông, hồ và những con đường rộng rợp bóng cây có thể đóng vai trò là hành lang để không khí mát hơn ở ngoại ô đổ về vào các trung tâm thành phố oi bức. Vì vậy, các nhà quy hoạch đô thị Đức cho rằng khi thiết kế xây dựng, cần lưu ý đảm bảo tự do cho những hành lang này.
Giảm phát thải khí nhà kính
Về cách giảm khí thải, các chuyên gia cho biết dù không thể tác động đến việc một nhà máy điện vận hành bằng than, khí đốt hay năng lượng Mặt trời, song, mỗi người đều có thể đóng góp bằng cách tiết kiệm hơn trong tiêu thụ điện, nước, thực phẩm. Dùng vừa đủ để hạn chế vứt bỏ.
7 tháng đầu năm nay đã ghi nhận nhiều biến động thời tiết mà nắng nóng cực đoan chỉ là một trong số đó. Như các chuyên gia cảnh báo, tình trạng này sẽ không dừng lại nếu con người không có các biện pháp hành động khẩn trương. Thay vì than "trời nóng quá", có lẽ tốt hơn là chúng ta nên trồng thêm 1 cây xanh, tắt bớt 1 bóng đèn. Những hành động dù nhỏ nhưng lại có tác động tích cực nếu nhiều người cùng chung tay.