Liên tiếp các ca tử vong do sốt xuất huyết, không được chủ quan tự điều trị

Trần Hằng, Theo Công an nhân dân 09:36 12/08/2022

Đắk Lắk ghi nhận ca tử vong thứ 4 do sốt xuất huyết; TP Hồ Chí Minh trong tuần qua thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 17 trường hợp. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã có 53 người tử vong do sốt xuất huyết/145.000 người mắc.

Mặc dù đã có cảnh báo, song một số người khi bị sốt vẫn tự điều trị tại nhà, dẫn tới nguy kịch, thậm chí tử vong. Sốt xuất huyết đang tăng mạnh, nhiều ca biến chứng, sốc nặng nhập viện, nguy hiểm tới tính mạng.

Liên tiếp các ca tử vong do sốt xuất huyết, không được chủ quan tự điều trị - Ảnh 1.

Bé trai 14 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng trên cơ địa béo phì

Tự điều trị sốt, nguy hiểm rình rập

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân thứ 4 vừa tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn là nam, 54 tuổi, trú tại TP Buôn Ma Thuột. Theo người nhà bệnh nhân, ngày 4/8 bệnh nhân có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, đã điều trị thuốc không rõ loại nhưng bệnh không giảm. Ngày 5/8 ông được đưa vào Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột, được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 2.

Sau đó 3 ngày, bệnh tình của ông rất nặng, được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue. Hai ngày sau, bệnh nhân tiên lượng tử vong khi sốc sốt xuất huyết, suy đa tạng, viêm cơ tim, suy gan cấp, tổn thương thận cấp… Gia đình xin về và bệnh nhân tử vong cùng ngày (10/8).

Tại Đồng Nai cũng vừa ghi nhận một nữ bệnh nhân 25 tuổi, trú tại huyện Trảng Bom tử vong do sốt xuất huyết. Ngày 2/8, cô gái bị sốt và tự mua thuốc về uống. Ngày 5/8, cơn sốt giảm, bệnh nhân đỡ hơn nhưng lại bị đau lưng nên đến phòng khám tư và được kê đơn thuốc. Tối cùng ngày, cô gái mệt mỏi hơn, đau bụng tăng dần, buồn nôn và nôn. Sáng hôm sau, cô được người nhà phát hiện đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong tình trạng mệt mỏi, tím tái, khó thở, ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết ngày thứ 4, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, điều trị hồi sức tích cực và đã đỡ hơn. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, do bệnh tình quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.

Có nhiều bệnh nhân sau khi sốt đã tự mua thuốc về uống, hoặc ra phòng khám tư, không xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết hoặc cúm, mà cho truyền dịch. Đây là điều khá nguy hiểm khi có người truyền dịch quá sớm. Nhiều người khi bị sốc mới được gia đình đưa vào viện thì đã muộn. Tại Hà Nội, những năm trước đã có trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong khi truyền dịch tại nhà; hoặc có trường hợp mắc sốt xuất huyết tự điều trị tại nhà, đến ngày thứ 5 bệnh nặng, nguy kịch mới đưa vào viện thì đã không cứu được.

Liên tiếp các ca tử vong do sốt xuất huyết, không được chủ quan tự điều trị - Ảnh 2.

Phun hoá chất diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết

Không được chủ quan

Theo Bộ Y tế, trong tuần vừa qua, cả nước ghi nhận 8.800 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số mắc giảm hơn 12%, trong đó số nhập viện gần 6.600 ca, giảm 17,1%. Tính đến nay cả nước ghi nhận hơn 145.000 ca mắc sốt xuất huyết, 53 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tăng gấp 3,3 lần, tử vong tăng 39 trường hợp. Tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết, điển hình là Đắk Lắk có 3.500 ca mắc, 4 ca tử vong.

TP Hồ Chí Minh, Bình Dương ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất, tiếp đến là Đồng Nai và Bình Thuận (mỗi tỉnh 5 ca)… TP Hồ Chí Minh đến ngày 10/8 ghi nhận 39.499 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 378,8% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 679 ca nặng. Trong tuần vừa qua, TP ghi nhận 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay lên 17 trường hợp.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 608 ca bệnh sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong, nhưng nhiều bệnh nhân rất nặng phải nhập viện.

Trong thời gian qua ghi nhận hàng loạt trẻ em thừa cân, béo phì sốc sốt xuất huyết thập tử nhất sinh. Theo Bộ Y tế, trẻ em béo phì mắc sốt xuất huyết nguy cơ tăng nặng và tử vong cao hơn.

Theo khuyến cáo của ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc, Đơn nguyên Khám Sức khoẻ tổng quát, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, người bệnh không tự ý dùng các thuốc hạ nhiệt khi chưa xác định biểu hiện sốt là do bệnh gì, nhất là aspirin và ibuprofen. Hai thuốc này sẽ làm cho tình trạng xuất huyết ở bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, có khả năng xảy ra xuất huyết dạ dày dữ dội, đe dọa đến tính mạng. Thay vào đó, có thể hạ sốt bằng cách cho người bệnh mặc đồ mỏng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm vắt kiệt đắp vào trán, nách cho người bệnh. Nếu phải dùng thuốc, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không thực hiện cạo gió.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày