"Thao túng" điều mà những ai tham dự World Cup 1934 bị ám ảnh khi nhắc về giải đấu này. Bởi theo nhiều bài viết và tài liệu được xuất bản sau Thế chiến 2 thì nhà độc tài Benito Mussolini đã can thiệp mạnh mẽ để giúp đội tuyển Italia giành chức vô địch.
Benito Mussolini sớm nhận ra rằng bóng đá là công cụ dân túy cực kỳ hữu hiệu. Ngay từ khi lên nắm quyền thủ tướng Italia, Mussolini đã rất quan tâm đến giải VĐQG cũng như ĐTQG nước này. Và khi nhận thấy cơ hội phô trương sức mạnh và tầm ảnh hưởng của World Cup, nhà độc tài này đã quyết tâm đem giải bóng đá vô địch thế giới lần thứ 2 về cho xứ sở mỳ ống.
Italia đánh bại Thụy Điển ở cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 1934 nhờ sớm tạo dựng hạ tầng hoàn hảo cho giải đấu, với những SVĐ hoành tráng đạt tiêu chuẩn FIFA được xây mới. Đồng thời, chính Ý cũng công bố ngân sách "khủng" dành cho World Cup 1934, lên đến 3,5 triệu lira (tương đương khoảng 30 triệu USD hiện nay). Trong bối cảnh thể thao còn chưa trở thành cỗ máy kiếm tiền như bây giờ, số tiền ấy của người Ý thực sự gây choáng ngợp.
Tại World Cup 1934, lần đầu tiên FIFA áp dụng vòng loại. 32 đội tuyển sẽ đấu loại để chọn ra 16 đội vào Vòng chung kết. Nhưng đội đương kim vô địch Uruguay đã từ chối tham gia, để phản đối việc một số quốc gia châu Âu từ chối đến Nam Mỹ để tham dự World Cup trước đó mà quốc gia Nam Mỹ này đăng cai vào năm 1930. Do đó, World Cup 1934 là VCK duy nhất mà các nhà đương kim vô địch không tham dự.
Trong khi đó, bất chấp vai trò chủ nhà, Italia vẫn phải vượt qua vòng loại, đây là lần duy nhất một đội chủ nhà World Cup cần làm như vậy. Tất nhiên, việc phải đá vòng loại cũng chẳng gây ra khó khăn gì cho Italia.
Italia đã giành những chiến thắng khá dễ dàng
Họ đánh bại Hy Lạp tới 4-0 để giành vé đến VCK World Cup nhờ các bàn thắng của Guarisi, Meazza (2 bàn) và Ferrari. Đội tuyển Italia năm đó một thế lực đáng gờm ở châu Âu, với dàn hảo thủ đáng mơ ước, trong đó có 2 siêu sao hàng đầu thế giới lúc bấy giờ là Giuseppe Meazza và Luis Monti.
Nhưng ngôi sao thực sự của người Ý, theo nhiều sử gia bóng đá ở châu Âu, lại không cần xỏ giày ra sân. Người đó là Benito Mussolini. Dù Azzurri lúc ấy rất mạnh, song để đảm bảo rằng chức vô địch sẽ ở lại với dải đất hình chiếc ủng, nhà độc tài này được cho rằng đã can thiệp thô bạo vào công tác điều hành của BTC để dàn xếp cho Italia rộng đường tới lên ngôi.
Italia đã có một khởi đầu tuyệt vời với chiến thắng 7-1 trước Mỹ, nhưng họ không phải là đội nổi bật duy nhất thành công ở vòng đầu tiên. Thụy Điển đã chiến thắng đội á quân Argentina năm 1930 trước 14.000 khán giả ở Bologna, qua đó tiễn Argentina về nước sau khi chỉ chơi một trận duy nhất trên đất Ý. Đức, nhờ hat-trick của Edmund Conen, người lần đầu có trận ra mắt ĐTQG, cũng đánh bại Bỉ tới 5-2 tại Florence.
Tại tứ kết, Italia gặp Tây Ban Nha và đã trải qua một màn so giày đi vào huyền thoại về sự khốc liệt. Có một số lượng lớn các hành vi bạo lực được thực hiện bởi cả hai bên. Một số cầu thủ đã phải được cáng ra khỏi sân và tiền vệ Mario Pizziolo của đội chủ nhà, người bị gãy chân trong trận đấu này, đã không bao giờ có thể chơi cho Azzurri một lần nữa. Trong khi đó, Ricardo Zamora, thủ môn huyền thoại người Tây Ban Nha, cũng bị chấn thương trong bàn gỡ hòa của người Ý.
Cuộc đụng độ kết thúc với tỷ số hòa 1-1, theo quy định của giải đấu có nghĩa là một trận đấu lại ngay lập tức. La Roja sẽ phải thi đấu mà không có bùa hộ mệnh, đội trưởng và thủ môn xuất sắc Ricardo Zamora, nhưng Azzurri cũng gặp khó khăn khi để mất Pizziolo. Trận đấu được ấn định vào ngày hôm sau, 1 tháng 6, tại sân Giovanni Berta ở Florence và Italia thắng 1-0 nhờ pha lập công của Giuseppe Meazza.
Cái cách Azzurri nhọc nhằn tiến vào bán kết khiến Mussolini không yên tâm. Theo sử gia bóng đá người Ý, ông Marco Impiglia, thì nhà độc tài này đã ra tay can thiệp để đảm bảo câu chuyện ở tứ kết không lặp lại với đội tuyển Italia. Mussolini khi đó mời trọng tài Ivan Eklind, người sẽ điều khiển trận bán kết giữa Italia và Áo, đi ăn tối. Mussolini nói gì trong bữa tối ấy thì đến nay vẫn là bí ẩn. Nhưng có một điều rất rõ ràng, ông Eklind đã điều hành trận bán kết theo hướng có lợi cho Italia.
Minh chứng rõ nhất là tình huống Italia có bàn thắng duy nhất của trận bán kết này ở phút 19. Bất chấp mọi sự phản đối của các cầu thủ Áo, ông Eklind vẫn công nhận pha làm bàn của Enrico Guiata bên phía Italia dù tiền đạo này đã việt vị và thủ môn của Áo cũng đã bị xô đẩy thô bạo ở tình huống trước đó. Chưa hết, đến trận chung kết, khi Italia đánh bại Tiệp Khắc với tỷ số 2-1, trọng tài điều khiển trận đấu vẫn là… Eklind.
Chức vô địch thế giới năm đó đã thuộc về người Ý theo cách đầy tranh cãi như thế. Nó phần nào làm hoen ố những nỗ lực của một tập thể tài năng dưới sự dẫn dắt của HLV xuất sắc Vittorio Pozzo. Nhưng với Benito Mussolini, việc Azzurri lần đầu bước lên đỉnh thế giới vẫn là thành công quan trọng trong việc quảng bá chủ nghĩa phát xít và tầm ảnh hưởng của cá nhân nhà độc tài này.
Thậm chí, nhận thấy sự hiệu quả của chiến lược dùng bóng đá làm bàn đạp chính trị, đến World Cup 1938, Mussolini được cho rằng lại thò tay vào can thiệp để Azzuri bảo vệ thành công chức vô địch ở giải đấu này.
WORLD CUP 1934
Nơi tổ chức: Italia
Vô địch: Italia
Á quân: Tiệp Khắc
Hạng ba: Đức
Hạng tư: Áo
Vua phá lưới: Oldrich Nejedly (Tiệp Khắc - 5 bàn)