Khi vừa kết thúc chào cờ cũng là lúc trời đổ mưa nặng hạt nên buổi khai giảng phải tạm dừng. (Ảnh: Thầy Nguyễn Long Khánh)
Đi bộ 4 - 5 tiếng mới đến trường
Hình ảnh hàng trăm học sinh cùng các giáo viên, lãnh đạo chính quyền địa phương đứng dự lễ khai giảng năm học 2018 - 2019 bên bờ suối sau khi được đăng tải trên mạng xã hội facebook đã gây xôn xao dư luận và khiến nhiều người xót xa.
Chiều 5/9, trao đổi với PV, thầy Nguyễn Long Khánh - Hiệu trưởng phân hiệu Tiểu học & Trung học cơ sở bán trú Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu - người đăng tải hình ảnh buổi khai giảng lên mạng xã hội facebook) chia sẻ:
Trong buổi lễ khai giảng sáng nay tại điểm trường có hơn 300 học sinh tham dự, gồm cả hai phân hiệu Tiểu học và Trung học cơ sở.
Tính tổng học sinh của đơn vị trường Tiểu học bán trú Nậm Ngà thì có 315 học sinh, Trung học cơ sở có 243 em.
Tuy nhiên, đơn vị trường Tiểu học có một vài lớp 1,2 và 3 đi học nhờ tại các cơ sở khác và một số học sinh tham dự lễ khai giảng tại điểm trường chính ở trung tâm xã Tà Tổng, nên sáng nay (5/9), không thể về hết để tham dự buổi lễ.
Tại điểm trường bán trú Nậm Ngà có 8 lớp học sinh Trung học cơ sở, Tiểu học có 22 lớp và có nhà nấu ăn phục vụ ba bữa theo chế độ cho học sinh bán trú.
"Các em nhà xa phải đến trường từ hôm trước để sáng nay kịp dự lễ khai giảng. Nhà học sinh nào có điều kiện được gia đình đưa đi học bằng xe máy thì nhanh, nhưng đối với các học sinh nhà nghèo các em phải đi bộ từ 4 - 5 tiếng mới tới trường.
Từ điểm trường về đến trung tâm uỷ ban xã Tà Tổng khoảng 40km, nếu điều kiện thuận lợi đi xe máy hết khoảng 2 tiếng.
Trước đây, khi chưa có điểm bán trú Nậm Ngà, các thầy, cô giáo phải đi bộ từ 4 - 5 tiếng để tới bản dạy học cho các học sinh. Đặc biệt vào mùa mưa bão việc di chuyển đến trường của các học sinh càng khó khăn, vất vả hơn...", thầy Khánh tâm sự.
Buổi lễ khai giảng của các học sinh điểm trường Nậm Ngà. (Ảnh: Thầy Nguyễn Long Khánh)
Chia sẻ về khu vực bờ suối diễn ra buổi khai giảng vào sáng nay, thầy Khánh nói tại điểm trường bán trú Nậm Ngà diện tích sân trường rất chật hẹp. Các phòng học được xây rải rác không tập trung nên không đủ diện tích để thầy cô và học sinh tổ chức lễ khai giảng.
Chính vì thế, vào chiều qua (4/9), các thầy cô và học sinh trong trường đã san sửa lại khu vực bờ suối để làm sân khấu cho buổi lễ diễn ra vào sáng nay.
Vị hiệu trưởng này chia sẻ, ba năm nay điểm trường bán trú Nậm Ngà đều tổ chức lễ khai giảng cho các học sinh bên bờ suối. Bởi diện tích sân trường quá hẹp không thể đủ số lượng cho học sinh ngồi.
"Vào sáng nay (5/9), khi đang làm tiết mục chào cờ cho buổi lễ khai giảng thì trời đổ mưa rất lớn.
Tôi có xin ý kiến đồng chí phó chủ tịch xã về việc tạm dừng buổi lễ khai giảng vì sợ các học sinh ngồi dưới mưa sẽ ốm. Sau đó, một số tiết mục khác dù nhà trường đã chuẩn bị nhưng đều cắt bỏ. Buổi lễ khai giảng kết thúc sau khi chào cờ...", thầy Khánh nói.
Bờ suối là sân tập thể dục
Khu vực bờ suối tổ chức lễ khai giảng sáng nay ngày thường là sân tập thể dục cho các học sinh. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động ngoại khoá của nhà trường vào ngày thứ 4 hàng tuần.
Mùa khô, khu vực bờ suối rất bụi nhưng nhà trường vẫn tận dụng để có thể sử dụng được, nhưng mùa lũ có thời điểm nước lên cao ngập khu vực hơn 1 mét nên không thể tận dụng.
Theo thầy Nguyễn Long Khánh, thực hiện chương trình xoá nhà bạt, tranh tre, nứa lá nên mỗi một năm điểm trường lại xây thêm 2 - 3 phòng học tại các khu đất trống.
Tại điểm trường Nậm Ngà có 202 học sinh Trung học bán trú và học sinh Tiểu học là hơn 100 em. Giáo viên trung học là 15 người, tiểu học là 11 giáo viên và thầy Khánh đã có 12 năm gắn bó với điểm trường này.
Đây là một trong những điểm trường khó khăn nhất của huyện Mường Tè.
Trong đó, khó khăn chủ yếu về số lượng cán bộ giáo viên còn thiếu và trình độ dân trí trong khu vực thấp. 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông và Hà Nhì nên việc phụ huynh quan tâm đến việc học của con em mình gần như không có.
Các em học sinh khi vào mùa nương, rẫy thường xuyên nghỉ học ở nhà để giúp đỡ gia đình. Không chỉ thế, giao thông đi lại cũng rất là khó khăn từ các nơi tới điểm trường.
"Có những trường hợp học sinh nữ lớp 7,8 đã lập gia đình nên nhà trường phải cùng phối hợp với trưởng, phó bản cố gắng vận động các em đến trường học xong chương trình lớp 9.
Vì thế, nhiều học sinh nữ mặc dù đã lấy chồng nhưng vẫn cố gắng đi học.
Hàng tháng, nhà trường đều tổ chức vận động các học sinh đi học. Nếu vào mùa nương, rẫy, thầy cô giáo phải đi vận động các học sinh, khi đó các em nghỉ học cả tuần và chỉ có khoảng 70% các em học Trung học đến trường. Bởi những học sinh này đã lớn và có thể phụ giúp gia đình làm nương, rẫy...", thầy Khánh cho biết.