3 ngày qua, lễ hội hoa hồng Bulgaria tại Hà Nội liên tục thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Bất chấp thực tế khác xa với quảng cáo, bỏ qua mọi lời chê bai, nỗi thất vọng của những người đi trước, cảnh phe vé lộng hành, người xem chen chúc đến hỗn loạn, giành giật vé... người dân vẫn ùn ùn kéo về công viên Thống Nhất - nơi diễn ra sự kiện. Dòng người kéo về đây đông tới nỗi BTC thường xuyên cháy vé, người đến xem thậm chí còn cất công thuê vịt đạp bơi qua hồ để tìm cách lọt vào bên trong lễ hội.
"Hội tụ" không biết bao nhiêu điểm trừ nhưng lễ hội hoa hồng Bulgaria vẫn "hot" đến độ người dân phải chen chúc, giành giật vé vào xem.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, người dân Thủ đô chứng kiến một sự kiện tồn tại nhiều bê bối nhưng vẫn "hot hit" đến vậy. Trước đó, từng có rất nhiều lễ hội hoa diễn ra theo concept "treo đầu dê bán thịt chó" song vẫn "níu chân" cả nghìn người đến tham dự. Chẳng hạn như lễ hội hoa anh đào tổ chức hồi tháng 4/2016 tại Hoàng Thành Thăng Long cũng chỉ "show" ra độc một cây hoa anh đào héo rũ hay lễ hội hoa Tử Đằng tại Savico Long Biên hồi tháng 5 trưng bày toàn hoa giả.
Lễ hội hoa Tử Đằng từng bị tố lòe bịp người xem khi toàn bộ hoa trưng bày đều được làm bằng nhựa.
Tuy nhiên, sự kiện này vẫn thu hút cả nghìn người tham dự.
Câu hỏi khiến nhiều người quan tâm là vì sao, sau bao lần bị "lừa gạt", "thất vọng" vì các lễ hội hoa "nửa vời", người dân vẫn tin vào lời quảng cáo của BTC, thậm chí dù biết chắc "thực tế không như mơ", họ vẫn tìm mọi cách để lọt vào bên trong? Cách quảng bá, tổ chức sự kiện của BTC đơn giản chỉ vì thiếu chuyên nghiệp hay đó còn là một chiêu bài đánh trúng tâm lý tò mò của người dân?
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch & TGĐ Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sáng Tạo và ông Nguyễn Bá Ngọc, chủ tịch Công ty Truyền thông NBN.
Thổi phồng và chê bai - Những hiệu ứng ngược có khả năng đẩy tính tò mò dâng đến cao trào
Lý giải nguyên nhân vì sao biết rõ lễ hội có nhiều điểm trừ nhưng người dân vẫn sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức đến tham dự, ông Bá Ngọc cho rằng, đầu tiên là người Hà Nội đang rất thiếu chỗ để vui chơi. Trong bối cảnh đó, những sự kiện như lễ hội hoa hồng Bulgaria, Tử Đằng hay Anh Đào đều nhất thời đem đến sự mới mẻ, kích thích sự tò mò của người dân. "Hơn nữa, BTC lại dành cho chúng quá nhiều lời quảng cáo bay bổng, khiến người dân càng kỳ vọng".
Càng bị "ném đá", những lễ hội hoa "nhạt nhẽo" càng tạo nên cơn sốt lạ kì.
Khi sự kỳ vọng được đẩy lên cao, mức độ quan tâm của người dân cũng tăng theo. Đến khi chứng kiến thực tế khác xa với tưởng tượng, họ lại tỏ ra thất vọng. Lúc này, trên các trang MXH, báo đài hay ngay cả trong các cuộc hội thoại hàng ngày, thông tin tiêu cực về lễ hội xuất hiện tràn lan. Tuy nhiên, nó lại tạo ra hiệu ứng ngược, khiến tin tức về sự kiện càng có độ phủ sóng rộng lớn, trải rộng trên tất cả các kênh giao tiếp trực tiếp và gián tiếp.
"Biển" người có mặt ở Hoàng Thành Thăng Long...
Chỉ để "tận mục" một cây hoa Anh Đào héo rũ, sắp tàn.
"Điều này càng làm tăng tính tò mò, đây có lẽ cũng là một đặc thù kỳ dị khi ở nước mình nhìn chung các scandal vẫn tạo ra được sự chú ý và lôi kéo một số người", ông Bá Ngọc chia sẻ.
Các đơn vị tổ chức lễ hội "treo đầu dê bán thịt chó" có lẽ sẽ không có lần thứ hai!
Đánh giá về cách tổ chức lễ hội của các đơn vị phụ trách những lễ hội hoa gây thất vọng, cả ông Bá Ngọc và ông Quốc Vinh đều cho rằng đây là cách làm "ăn xổi", mang tính chộp giật.
Theo ông Ngọc, chỉ khi chưa coi lễ hội là một thương hiệu, mô hình kiếm tiền lâu dài mà chỉ nghĩ làm một lần cho xong và thu lợi sao cho cao nhất thì BTC mới hành xử như vậy.
Có lẽ sẽ rất khó để tạo ra một không gian lung linh như hình ảnh quảng cáo nhưng BTC lễ hội hoa Tử Đằng cũng không nên trang trí "bôi bác", xấu xí như ở bức hình phía dưới.
"Tôi cho rằng những lộn xộn ở lễ hội như ở sự kiện hoa hồng Bulgaria chủ yếu là do BTC không lường hết được những khả năng xảy ra và xử lý khủng hoảng kém. Họ thậm chí không ước lượng được số lượng người tham dự nên mới để xảy ra cảnh cháy vé như vậy".
Trong khi đó, ông Quốc Vinh phân tích, số lượng công ty truyền thông hoặc tổ chức sự kiện chỉ ngồi nghĩ ra các sự kiện, lễ hội, rồi tìm kiếm một đơn vị nhà nước, tổ chức xã hội nào đó đứng danh, cho mượn tên... không phải là hiếm. Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng lòe bịp người dân thì chắc chắn, những đơn vị tổ chức sự kiện kém chất lượng này rất khó có thể làm lại lễ hội lần thứ hai.
Ông Vinh phân tích, một sự kiện diễn ra hiếm khi hoàn hảo 100%. Tuy nhiên, các nhà tổ chức có tâm sẽ truyền thông những nội dung chắc chắn được thực hiện, thậm chí sẽ để dành một phần bất ngờ cho khán giả. Truyền thông 100% thì họ phải làm tới 110% - 120%. Đó là sự cầu toàn và đảm bảo uy tín cho nhà tổ chức, đồng thời tạo sự hưng phấn, thích thú cho người xem.
Một nguyên tắc đối với người làm truyền thông là chỉ nói sự thật và những gì mình chắc chắn làm được. "Nếu được mời làm PR cho các sự kiện, lễ hội như thế, tôi phải tìm hiểu rất kỹ sự thật và kể chúng theo cách hấp dẫn nhất, triệt để tránh nói đến những vấn đề không chắc chắn, không sử dụng các nội dung tiềm tàng nguy cơ gây ra khủng hoảng truyền thông".
Bên cạnh đó, nếu sự kiện nhận được nhiều lời chê trách hoặc xảy ra khủng hoảng thì đối với những người tổ chức uy tín, họ sẽ thừa nhận vấn đề, tìm cách khắc phục hậu quả, cố gắng giữ gìn uy tín cho doanh nghiệp.
Ông Bá Ngọc cho rằng, khi xảy ra "khủng hoảng" như ở lễ hội hoa hồng Bulgaria, BTC nên thẳng thắn xin lỗi khách hàng, chủ động hoàn thiện hơn về mặt chất lượng sự kiện như thay hoa giả bằng hoa thật, loại bỏ các cây hoa héo, rũ, trang trí hoành tráng hơn, tổ chức thêm các sự kiện bên lề hấp dẫn, in thêm và giảm giá vé hoặc có các phần quà cảm ơn khách hàng...
"Tuy nhiên tôi không thấy BTC làm được điều đó, thay vào đó là họ để cho lễ hội diễn ra với rất nhiều bất cập".
"Mong người dân đừng tiếp tục hạ thấp tiêu chuẩn của chính mình"
Theo ông Vinh, nắm bắt tâm lý khát khao các sự kiện văn hoá đại chúng, vốn rất thiếu vắng, những người tổ chức sự kiện thiếu cái tâm rất dễ loè bịp người dân bằng những chiêu trò quảng cáo thổi phồng sự thật. Ngay cả khi bị bóc trần sự thật, họ vẫn được đại bộ phận công chúng tặc lưỡi cho qua bởi những bức xúc tức thời rất dễ trôi nhanh.
"Đối với khách tham quan, tôi nghĩ họ thừa đủ khả năng phán xét xem đồng tiền hoặc thời gian bỏ ra cho một lễ hội như vậy có xứng đáng hay không", ông Vinh chia sẻ. Những người không hài lòng sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm lần thứ hai. Tuy nhiên, phần lớn công chúng tò mò và thiếu cơ hội giải trí vẫn đến, đến cho biết, và để giải trí. Có thể họ không thỏa mãn, nhưng chấp nhận, và để cho thị hiếu và nhu cầu chất lượng giảm đi. Dần dần công chúng sẽ quen với những thứ nhờ nhờ, nhạt nhạt... và cùng với đó là sự xuống cấp về tiêu chuẩn văn hóa. "Và tôi nghĩ, đó mới thực sự là điều đáng báo động".
Rõ ràng, trong khi BTC chỉ mải chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ công chúng và người xem tiếp tục chấp nhận "chạy theo" những lễ hội nhạt nhòa thì những sự kiện "treo đầu dê bán thịt chó" như lễ hội hoa hồng Bulgaria, có lẽ sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.
Ngoài 2 tác nhân chính này, theo ông Vinh, chuyện liên tiếp diễn ra các lễ hội "lòe bịp" người dân một phần cũng vì các cơ quan chức năng chỉ thẩm định, lựa chọn đơn vị tổ chức dựa trên trên hồ sơ, đề án, giấy tờ cam kết hoặc bảo lãnh của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội... chứ không có cơ chế giám sát hiệu quả.
Trong khi đó, ông Bá Ngọc lại cho rằng, nếu chính quyền thực sự quan tâm đến việc tạo ra các lễ hội chất lượng tốt và uy tín thì nên tạo điều kiện về mọi mặt cho các công ty uy tín đưa ra sáng kiến và tổ chức, sở hữu, phát triển các sự kiện hay, có sức thu hút. Chẳng hạn như hỗ trợ an ninh, đăng ký sở hữu thương hiệu, đưa ra mức thuế ưu đãi...