Rằm tháng giêng, Bình Dương có lễ hội gì "kì cục": Không bán, toàn cho!

Toàn Nguyễn - Ảnh: Abu Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 12:55 02/03/2018
Chia sẻ

Những gian hàng phát nước, bánh mỳ, bún... miễn phí kéo dài khắp các ngả đường xung quanh lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu. Những nụ cười hồn hậu của người Bình Dương khiến hàng chục nghìn du khách luôn cảm thấy ấm lòng vì sự tử tế.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương được xem là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất khu vực Nam bộ, cũng như là Tết lớn nhất của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Lễ hội được diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch tại miếu Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Cung) mà người dân thường gọi là Chùa Bà, tọa lạc tại số 04 đường Nguyễn Du, thành phố Thủ Dầu Một và tại P. Phú Chánh, TX. Tân Uyên (khu thành phố mới Bình Dương). 

Rằm tháng giêng, Bình Dương có lễ hội gì kì cục: Không bán, toàn cho! - Ảnh 1.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu được xem là lễ hội lớn nhất ở Nam Bộ.

Mỗi năm lễ hội thu hút hàng trăm nghìn người dân từ khắp các tỉnh trong khu vực Nam Bộ đến tham gia, kèm theo đó là rất nhiều vấn đề phát sinh. Thế nhưng trong những năm qua, lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương vẫn nổi tiếng là một lễ hội vô cùng văn minh và tử tế. Và cũng thật hiếm có một lễ hội nào mà người ta nhìn thấy nhiều gian hàng miễn phí đến thế.

Hàng chục nghìn người dân đến lễ Bà.

Có một điều khiến du khách vô cùng bất ngờ khi đến tham gia lễ hội vào những năm gần đây, đó là đâu đâu người ta cũng thấy những dòng chữ miễn phí. Trà đá miễn phí, nước suối miễn phí, cơm miễn phí, sửa xe miễn phí, thậm chí là xe ôm miễn phí...

Rằm tháng giêng, Bình Dương có lễ hội gì kì cục: Không bán, toàn cho! - Ảnh 3.

Người dân rất hào hứng với hoạt động miễn phí.

Anh Nguyễn Minh Tâm (Bí thư đoàn phường Hiệp Thành) cho biết: "Các chương trình hỗ trợ khách hành hương này đã diễn ra được 5 năm nay. Sẽ có 5 nhóm với 5 nhiệm vụ khác nhau. Nhóm thứ nhất làm nhiệm vụ hút đinh và vá xe cho du khách. Nhóm thứ hai làm nhiệm vụ sơ cứu cấp cứu. Nhóm thứ ba làm nhiệm vụ phát nước uống và thức ăn miễn phí. Nhóm thứ tư tham gia điều tiết giao thông. Và nhóm thứ năm làm nhiệm vụ hướng dẫn những ai cần giúp đỡ".

Rằm tháng giêng, Bình Dương có lễ hội gì kì cục: Không bán, toàn cho! - Ảnh 4.

Những chai nước sâm được phát miễn phí cho người dân.

Bạn Tuấn (23 tuổi) chia sẻ: Mỗi buổi thường có 7 thành viên trong đoàn túc trực để phục vụ người dân trong trường hợp cần thiết. Chương trình xe ôm miễn phí được tổ chức dành cho các khách hành hương bị lạc bãi đậu xe, tìm người thân bị lạc trong khu vực lễ hội, liên hệ các ngành chức năng để báo cáo sự việc, riêng ngày 15 sẽ hỗ trợ người cao tuổi ra trạm xe bus.

Rằm tháng giêng, Bình Dương có lễ hội gì kì cục: Không bán, toàn cho! - Ảnh 5.
Bánh mỳ miễn phí.

Không chỉ các cơ quan ban ngành mà câu chuyện tử tế còn lan đến những người dân sinh sống tại thành phố Thủ Dầu Một. Các bạn trẻ trong nhóm của Minh Bảo (23 tuổi) đã tự bỏ tiền túi để mua khăn lạnh và nước uống để tặng mọi người. Gia đình của anh Âu Trí Dũng (44 tuổi) cũng rất nhiệt tình làm công việc tử tế này, và còn rất rất nhiều những gia đình như vậy trong lễ hội thấm đẫm tình người này.

Những chai nước suối miễn phí được phát tận tay khách hành hương

Ông Phát mở một gian hàng nhỏ để viết thư pháp miễn phí, ông bảo tặng chữ để mọi người có thể có niềm tin vào cuộc sống, mỗi con chữ mang một ý nghĩa riêng giúp con người mạnh mẽ để vượt qua những nghịch cảnh trong đời. 

Rằm tháng giêng, Bình Dương có lễ hội gì kì cục: Không bán, toàn cho! - Ảnh 7.

Ông Phát viết thư pháp miễn phí tặng mọi người.

Hoàng (28 tuổi) cùng những người bạn của mình hào hứng phát nước và bánh mỳ cho khách hành hương. Cậu bạn cho biết: "Những năm trước không có tiền nên chỉ đi phụ mọi người. Năm nay làm có dư nên cùng mọi người tổ chức phát nước và bánh mỳ miễn phí cho du khách".

Rằm tháng giêng, Bình Dương có lễ hội gì kì cục: Không bán, toàn cho! - Ảnh 8.

Hoàng và những người bạn của mình cùng nhau san sẻ những điều tử tế.

Như Ý - cô bé 12 tuổi cùng các thành viên trong gia đình đứng phát nước cho người dân. Cô bé cười tít mắt bảo chẳng thấy mệt gì cả và thấy vui nhiều hơn. Kế bên là hàng bánh mỳ miễn phí của gia đình cô Loan. Cô Loan hàng ngày bán rau má ở chợ, cô kể: "Cứ mỗi năm một lần gia đình cô lại tổ chức làm hoạt động này để chia sẻ những điều lành đến mọi người. Cả nhà thức dậy từ 4h sáng để chuẩn bị cho 3000 phần bánh mỳ. Tuy hơi cực nhưng ai cũng cảm thấy vui".

Rằm tháng giêng, Bình Dương có lễ hội gì kì cục: Không bán, toàn cho! - Ảnh 9.

Anh Dũng (32 tuổi) đã nhiều năm nay vẫn làm công việc vá xe miễn phí cho người dân đi lễ Bà. Anh chàng túc trực từ mùng 8 Tết đến tận ngày rằm để giúp đỡ cho những trường hợp cần thiết. Dũng kể: "Một lần trời cũng khá khuya có hai vợ chồng đi lễ chùa về thì bị bể bánh xe, lúc đó tôi không còn ruột xe mới, nên lấy tạm ruột cũ thay cho họ, hai vợ chồng mừng lắm vì giờ đó khó kiếm được chỗ nào để sửa xe".

Rằm tháng giêng, Bình Dương có lễ hội gì kì cục: Không bán, toàn cho! - Ảnh 10.

Anh Dũng vá xe miễn phí cho người dân.

Ở lễ hội chùa Bà sự tử tế là không của riêng ai, chẳng cần phải giàu có dư giả mới có thể cho đi. Những người như Cô Loan, anh Dũng hay anh Hoàng - họ cũng chỉ là những người lao động bình thường, vẫn có những mối lo toan về gánh nặng cơm áo gạo tiền. Thế nhưng một năm 1 lần họ được làm người tốt, được san sẻ những điều lành và chỉ cần như thế thôi là đủ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày