Lây truyền hàng nghìn loại virus gây bệnh mới từ dơi do biến đổi khí hậu

Quỳnh Chi, Theo VTV 14:01 02/05/2022

Các nhà khoa học dự báo, ​​sẽ có 15.000 loại virus lây truyền giữa các loài khác nhau vào năm 2070, chủ yếu là do dơi di cư đến các khu vực mới khi khí hậu nóng lên.

Theo các nhà khoa học, khí hậu ấm hơn bao giờ hết sẽ khiến nhiều loài động vật di cư đến các địa điểm mới, mang theo ký sinh trùng và mầm bệnh, đồng thời "làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm mới lây truyền từ động vật sang người trong 50 năm tới".

Khi các loài động vật di cư, một số loài sẽ bắt đầu tiếp xúc với nhau lần đầu tiên. Trong đó, mối nguy hiểm là lớn nhất ở các khu vực đông dân cư, đặc biệt là vùng khí hậu nhiệt đới châu Phi và Đông Nam Á.

Tạp chí Nature, nơi công bố nghiên cứu, tin rằng, đây là một trong các tạp chí đầu tiên đánh giá những thay đổi toàn cầu có thể tạo ra "điểm nóng trong tương lai" đối với việc lây truyền virus và các bệnh mới nổi như thế nào.

Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi Colin Carlson từ Đại học Georgetown, đã mô hình hóa cách các động vật có vú có thể di cư do môi trường sống của chúng trở nên quá nóng, khi thế giới ấm lên 2°C vào năm 2070.

Nhóm các nhà khoa học dự đoán, sẽ có ít nhất 15.000 loại virus mới lây truyền giữa các loài, chủ yếu là do dơi, chúng thường mang virus có khả năng lây truyền sang người rất cao.

Lây truyền hàng nghìn loại virus gây bệnh mới từ dơi do biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Nhiều loài động vật di cư do khí hậu nóng lên làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm mới lây truyền từ động vật sang người (Ảnh: SKy News)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, đợt bùng phát COVID-19 vào năm 2020 ở Vũ Hán có khả năng do virus lây truyền từ dơi sang người qua một loài trung gian.

Các nhà khoa học và chính phủ trên khắp thế giới đồng ý rằng, thế giới nên tìm cách hạn chế tình trạng nóng lên ở ngưỡng 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, qua đó tránh được tình trạng biến đổi khí hậu tồi tệ nhất, mặc dù một số tác động vẫn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, các chính sách bảo vệ môi trường hiện nay, nếu được thực hiện, sẽ khiến Trái đất nóng lên khoảng 1,9°C.

Mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 vào năm 2021 ở Glasgow là "giữ cho nhiệt độ tăng trong ngưỡng 1,5°C để có thể tồn tại" bằng cách kêu gọi các quốc gia xem xét và tăng cường kế hoạch hành động về khí hậu trong hội nghị thượng đỉnh tiếp theo COP27 tại Ai Cập vào tháng 11/2022.

Trước khi Thỏa thuận khí hậu Paris được thống nhất tại COP21 trong năm 2014, thế giới đang trên đà nóng lên gần 4°C.