Ông Lưu, 37 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Tây Cổ, thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Người đàn ông cùng vợ và con trai sống trong một tòa chung cư cũ nằm ở ngoại thành. Vì được xây cách đây hàng chục năm nên tòa nhà không có thang máy và bãi đỗ xe. Thiết kế cũng có phần nhỏ hẹp hơn so với các căn chung cư hiện đại. Chính vì lẽ đó, hàng ngày, ông Lưu thường phải dắt xe đạp qua chiếc hành lang nhỏ rộng không quá 1m5, rồi di chuyển qua nhiều tầng cầu thang để đi làm.
Vào tháng 4 năm 2022, khi trở về nhà sau giờ làm việc, ông Lưu phát hiện một người hàng xóm tên Vương ở tầng dưới đang cho thợ mộc lắp đặt tủ giày ở hành lang chung cư. Tò mò đến hỏi thăm, người này cho biết do không gian bên trong quá chật chội, gia đình lại đông người nên phải lắp tủ giày phía trước cửa ra vào. Dù biết việc làm của anh Vương có thể gây bất tiện cho các cư dân khác, song ông Lưu không vội vàng phản đối mà chỉ lẳng lặng rời đi. Một phần vì muốn giữ hòa khí với đối phương. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, người dân sống trong khu nhà đã gặp phải tình cảnh trớ trêu vì chiếc tủ giày của người hàng xóm.
Ông Lưu phát hiện hàng xóm ngang nhiên lắp tủ giày phía trước cửa nhà, gây bất tiện cho việc đi lại. Ảnh minh họa.
Cụ thể, vì không gian hành lang chung cư vốn đã nhỏ nên ông Lưu cùng nhiều người khác không thể tránh khỏi việc va chạm với tủ giày khi dắt xe đi qua nhà anh Vương. Chỉ khoảng 2 tháng sau đó, cánh cửa tủ giày của ông Vương xuất hiện những vết trầy xước nguệch ngoạc, mất thẩm mỹ.
Nhìn chiếc tủ giày mới bị hàng xóm làm hỏng, anh Vương tỏ ra vô cùng khó chịu và bực mình. Một buổi chiều nọ, biết ông Lưu sẽ dắt xe đi qua nhà mình, anh Vương đứng đợi sẵn ở cửa để chất vấn. Hai bên sau đó xảy ra mâu thuẫn vì cho rằng lỗi là của đối phương.
Trở về nhà, ông Lưu cảm thấy vô cùng bức xúc. Ngày hôm sau, ông đến ban quản lý tòa nhà để khiếu nại về hành vi chiếm dụng hành lang của anh Vương nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng. Đến tháng 8 năm 2022, ông Lưu quyết định đâm đơn kiện, yêu cầu Vương phải lên tiếng xin lỗi và tháo bỏ tủ giày đã lắp ở trước cửa nhà.
Thẩm phán xác định vụ việc này là một tranh chấp đơn thuần giữa các cư dân sống trong khu chung cư nên khuyến khích hai bên thương lượng hòa giải. Tuy nhiên, phía anh Vương lại khẳng định việc bản thân lắp đặt tủ giày trước nhà là không sai. Thay vào đó, anh này yêu cầu nguyên đơn là ông Lưu phải bồi thường vì đã làm trầy xước bề mặt tủ. Điều này khiến việc hòa giải hai bên trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Ông Lưu đã đâm đơn kiện anh Vương ra tòa vì hành vi trái phép, làm ảnh hưởng đến bản thân và nhiều cư dân khác sống trong tòa nhà. Ảnh minh họa.
Lúc này, thẩm phán đã kiên nhẫn giải thích các điều khoản pháp lý cho anh Vương hiểu rõ. Theo đó, việc cư dân trong một cộng đồng dân cư sử dụng phần diện tích chung cần phải tuân theo những hạn chế nhất định và không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ sở hữu khác. Trong trường hợp này, anh Vương là cư dân của khu dân cư, có quyền sử dụng hợp lý không gian cầu thang và hành lang, nhưng hành vi lắp tủ giày ở khu vực chung đã ảnh hưởng đến việc đi lại bình thường của những cư dân khác. Hành động này đã vượt quá phạm vi "sử dụng hợp lý". Do đó, cư dân tầng trên là ông Lưu có quyền yêu cầu dỡ bỏ vật cản và khôi phục lại trạng thái ban đầu.
Phía anh Vương sau đó đã nhận ra sai lầm của mình và đồng ý tháo dỡ tủ giày và lắp đặt vào bên trong căn hộ.Thấy thái độ thay đổi của Vương, phía ông Lưu cũng tỏ ra thông cảm và rút đơn kiện.
Qua vụ việc, thẩm phán cũng khuyên tất cả mọi người nên rút kinh nghiệm từ trường hợp của ông Lưu và anh Vương. Với cư dân sống trong các khu chung cư cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hòa hợp. Các cá nhân nên có thái độ tôn trọng, giúp đỡ, cùng nhau xây dựng môi trường và không gian sống tốt đẹp, văn minh.
Theo Toutiao