Lãnh đạo phà Cát Lái: “Không có chuyện nhóm mô tô được ưu ái đi ngược chiều xuống phà”

Tứ Quý, Theo Phụ nữ mới 20:39 24/08/2023
Chia sẻ

Lãnh đạo phà Cát Lái khẳng định đơn vị không bao giờ giải quyết cho xe máy, mô tô chạy ngược chiều để xuống phà.

Các xe máy vẫn xếp hàng, chỉ nhóm mô tô tự ý đi ngược chiều

Ngày 24/8, bà Nguyễn Thị Giang Hương - Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết Công an huyện Nhơn Trạch đã xác định được nhóm người đi mô tô Harley Davidson ngược chiều ở phà Cát Lái (phía huyện Nhơn Trạch) và đang mời nhóm này lên làm việc.

Theo bà Hương, sau khi mạng xã hội đăng tải đoạn clip trên, đơn vị đã nhanh chóng chỉ đạo Công an huyện Nhơn Trạch vào cuộc điều tra và sẽ có thông tin chính thức sau khi xác minh cụ thể vụ việc.

Lãnh đạo phà Cát Lái: “Không có chuyện nhóm mô tô được ưu ái đi ngược chiều xuống phà” - Ảnh 1.

Đoàn mô tô phân khối lớn xô xát với người dân. (Ảnh: Cắt từ clip)

Liên quan đến vụ việc một thành viên trong nhóm mô tô cho rằng được nhân viên phà cho phép nên cả đoàn xe này mới đi người chiều, ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Cát Lái cũng cho biết, qua rà soát thông tin từ nhân viên, thời điểm xảy ra vụ việc vào giờ cao điểm chiều tối ngày 20/8 phía xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, lúc này phương tiện qua phà rất đông. Sau đó xảy ra sự việc nhóm mô tô đi ngược chiều và xô xát với người đi xe máy đang xếp hàng chờ qua phà. Hai bên xảy ra xô xát và nhân viên phà có mặt ở đó cũng kịp thời can ngăn.

"Nhân viên đã yêu cầu những người đi mô tô chen hàng quay xe xếp hàng lại từ đầu mua vé, không có chuyện được ưu ái tiếp tục mua vé đi ngược chiều xuống phà", ông Thắng khẳng định.

Theo ông Thắng, do nhóm này đã lái xe chạy lách theo các ô tô để ngược chiều xuống gần vị trí lên phà, nhân viên phát hiện chặn không kịp nên mới dẫn đến sự việc trên. Đơn vị cũng không bao giờ giải quyết cho xe máy, mô tô phân khối lớn chạy ngược chiều để xuống phà. "Trường hợp kẹt xe kéo dài và đầu bên kia không có xe, Ban quản lý phà mới giải quyết cho một vài ô tô đi ngược chiều xuống phà", ông Thắng nói và cho biết hiện đã trích xuất camera tại bến phà để phối hợp với Công an huyện Nhơn Trạch điều tra làm rõ vụ việc.

Cần làm rõ một thành viên trong nhóm mô tô mặc áo có chữ "Police - Cảnh sát"

Trong clip về vụ việc xô xát giữa nhóm mô tô đi ngược chiều và người dân đi xe máy đúng quy định, có một thành viên mặc áo vàng phản quang có chữ Police - Cảnh sát, dư luận thắc mắc liệu đây có phải là lực lượng Cảnh sát thật hay một người dân bình thường?

Về vấn đề này, trao đổi với một cán bộ Công an ở TP.HCM, vị cán bộ này cho hay, chữ "Police" quy định dùng riêng cho lực lượng cảnh sát hoặc an ninh khi tham gia dẫn đoàn. Một người dân bình thường mà mặc áo dạ quang có chữ "Police" khi ra đường là vi phạm pháp luật.

Lãnh đạo phà Cát Lái: “Không có chuyện nhóm mô tô được ưu ái đi ngược chiều xuống phà” - Ảnh 2.

Trong đoàn mô tô có cả người mặc áo khoác để chữ "police" cũng tham gia trong vụ xô đẩy

Nhận định về vụ việc xảy ra ở phà Cát Lái, vị cán bộ này cho biết, người lái mô tô Harley Davidson mặc áo có chữ "Police" sẽ khiến nhiều người dân tham gia giao thông sẽ nghĩ đó là cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường. Do đó cần làm rõ người này là ai, đơn vị nào cấp áo đó để làm loá mắt người khác khi tham gia giao thông, nếu người này giả danh lực lượng cảnh sát thì cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm.

Cũng theo vị cán bộ này, hiện nay không có cơ quan quản lý thị trường nào có quyền cấp phép bán chiếc áo có chữ "Police" ở Việt Nam.

Phân tích thêm về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 160/2007/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 29/2016/NĐ-CP) thì trang phục của lực lượng Công an nhân dân gồm: lễ phục, trang phục thường dùng, trang phục chiến đấu, trang phục hoá trang nghiệp vụ và trang phục nghi lễ. Theo quy định, cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, trang phục CAND là các mặt hàng đặc thù chỉ được sản xuất, cung cấp bởi các đơn vị được cho phép sản xuất thuộc lực lượng vũ trang và chỉ được cấp phát, sử dụng cho cán bộ chiến sỹ CAND sử dụng khi thi hành công vụ.

Bên cạnh đó căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 160/2007/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 29/2016/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân thì Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân.

Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

"Như vậy, pháp luật nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", Luật sư Hùng cho hay.

Về hành vi sử dụng trái phép trang phục Công an nhân dân, Luật sư Hùng cho biết theo Khoản 1, Điều 20, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì người Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.

Theo Luật sư Hùng, ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật là chiếc áo của thành viên trong nhóm này

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày