Làn sóng triệt lông từ tấm bé ở Nhật: Khi vẻ đẹp tự nhiên trở thành nỗi xấu hổ và nguyên nhân bị bắt nạt

Ái Vi, Theo Phụ nữ số 21:51 02/06/2024
Chia sẻ

Xã hội Nhật Bản coi làn da nhẵn nhụi là chuẩn mực thẩm mỹ, khiến ngay cả trẻ nhỏ cũng bị cuốn vào ngành công nghiệp triệt lông.

Tại nhiều quốc gia Châu Á, làn da mịn màng không tì vết luôn là chuẩn mực sắc đẹp được đề cao. Trong khi đó, việc sở hữu lông trên cơ thể lại bị coi là dấu hiệu của sự luộm thuộm, thiếu chỉn chu, thậm chí là già nua, kém hấp dẫn. Ví dụ như ở Trung Quốc, lông trên cơ thể thường bị gán ghép với những định kiến tiêu cực, khiến nhiều người cảm thấy tự ti. Hay tại Hàn Quốc, các sao nữ luôn chú trọng đến việc "quản lý vùng da dưới cánh tay", thường dùng tay che đi vùng da này khi mặc áo ngắn tay.

Làn sóng triệt lông từ tấm bé ở Nhật: Khi vẻ đẹp tự nhiên trở thành nỗi xấu hổ và nguyên nhân bị bắt nạt - Ảnh 1.

Riêng tại Nhật Bản, ngay cả trẻ nhỏ cũng trở thành đối tượng tiềm năng của ngành công nghiệp triệt lông. Công ty Dione của Nhật Bản đã cung cấp dịch vụ triệt lông bằng laser cho trẻ em từ 3 tuổi. Họ khẳng định sử dụng các thiết bị năng lượng thấp, nhẹ nhàng, được thiết kế dành riêng cho làn da nhạy cảm của trẻ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo phương pháp điều trị này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến da và nang lông của trẻ. Bất chấp những lo ngại đó, tờ Asahi, một trong những tờ nhật báo hàng đầu tại Nhật Bản, đã tuyên bố "kỷ nguyên làm đẹp triệt lông cho trẻ vị thành niên" đã đến từ tháng 5/2010. Theo một khảo sát của hãng triệt lông Rize, số lượng học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Nhật Bản điều trị triệt lông đã tăng gấp 8 lần từ năm 2016 đến năm 2023.

Làn sóng triệt lông từ tấm bé ở Nhật: Khi vẻ đẹp tự nhiên trở thành nỗi xấu hổ và nguyên nhân bị bắt nạt - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Quan niệm về một cơ thể không có lông đã ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật, đến mức chỉ cần một chút lông cũng có thể gây ra sự ghê sợ và xấu hổ. Đài NHK của Nhật Bản từng đưa tin, các nhà tuyển dụng cảm thấy ngại ngùng khi ứng viên không cạo lông chân trước khi đi phỏng vấn. Hay như Rayrole, một công ty triệt lông, khẳng định quy trình này có thể khiến nam giới trông sạch sẽ, thông minh và chuyên nghiệp hơn trong công việc.

Trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi con em mình bị trêu chọc vì có nhiều lông trên cơ thể. Một người dùng trên Yahoo Nhật Bản viết: "Hồi cấp 2, tôi liên tục bị gọi là 'quả bóng lông', mọi người còn lật áo tôi lên để trêu chọc". Một người khác chia sẻ: "Con gái tôi không muốn đi học mẫu giáo vì các bạn nam trong lớp trêu chọc con bé. Tôi nên làm gì?". Gần 60% phụ huynh Nhật Bản cho biết con cái họ muốn được triệt lông. Trong giới trẻ, việc sở hữu quá nhiều lông trên cơ thể có thể dẫn đến việc bị bạn bè bắt nạt.

Truyền thống triệt lông ở Nhật Bản đã có từ 1.200 năm trước, theo trang tin tức điện tử Huxiu của Trung Quốc. Phụ nữ thời đó thường xuyên dùng dao nhỏ và vỏ sò sắc nhọn để tẩy lông mặt. Khoảng 400 năm trước, vào thời Edo, nam giới sử dụng đá nhẵn để chà xát lông ở chân, nách và vùng kín khi tắm.

Làn sóng triệt lông từ tấm bé ở Nhật: Khi vẻ đẹp tự nhiên trở thành nỗi xấu hổ và nguyên nhân bị bắt nạt - Ảnh 3.

Vẻ ngoài không tì vết cũng trở thành một thước đo khắt khe về sự hấp dẫn trong chuyện tình cảm của người Nhật. Một cuộc khảo sát năm 2020 của công ty triệt lông QEEQ (Nhật Bản) cho thấy khoảng 90% phụ nữ trẻ thích nam giới có ít lông trên cơ thể.

Sự ám ảnh về triệt lông ở Nhật Bản đã thu hút nhiều học giả nghiên cứu từ góc độ văn hóa xã hội. Một số người cho rằng điều này bắt nguồn từ sự phát triển của ngành công nghiệp với công nghệ hiện đại giúp việc triệt lông trở nên tương đối dễ dàng và ít đau đớn. Số khác lại phân tích dựa trên văn hóa xấu hổ của Nhật Bản, cho rằng đây là một xã hội quá quan tâm đến đánh giá từ bên ngoài.

Theo SCMP

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày