Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 7 triệu tấn với trị giá 4,37 tỷ USD. Nếu tính về kim ngạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 23,5%.
Cùng với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta cũng tăng rất mạnh. Trong tháng 9 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta tăng vọt 154,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 117 triệu USD.
Tính chung sau 9 tháng, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi tổng cộng 996 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo về phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng tới 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay.
Theo một số doanh nghiệp, những năm gần đây, nông dân dần chuyển sang trồng giống gạo thơm, gạo chất lượng cao. Giá những loại gạo này trên thị trường rất cao. Làm bún, phở, bánh tráng chỉ cần gạo dai, nở và giá thấp. Do đó, với khoảng cách chênh lệch lớn giữa gạo trong nước và nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất lựa chọn gạo ngoại nhập có lợi hơn.
Việc nhập bù lại nguồn cung, vừa duy trì năng lực sản xuất vừa giúp gạo Việt Nam không tăng giá lên cao. Ngoài ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng nhập lúa gạo từ các nước láng giềng để trả đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm. Trong đó, thị trường nhập khẩu chủ yếu là Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Campuchia.
Liên quan đến thị trường lúa gạo thế giới, thông tin đáng chú ý nhất là Ấn Độ vừa quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati từ ngày 28/9. Điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn.
Đánh giá về tác động này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để đánh giá toàn diện tác động từ chính sách điều hành xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Nhu cầu gạo thế giới duy trì ở mức cao, gạo xuất khẩu của Ấn Độ tập trung ở phân khúc khác gạo Việt Nam nên ảnh hưởng không lớn.
Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định quan điểm phát triển ngành lúa gạo những năm tới là sản xuất theo kế hoạch, tùy nhu cầu thị trường và bảo đảm quyền lợi của nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị bền vững chứ không chạy theo số lượng xuất khẩu để lấy thành tích.