Lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm trị vì, Nữ hoàng sẽ không bổ nhiệm tân Thủ tướng Anh tại lâu đài Buckingham như truyền thống.
Theo CNN, Nữ hoàng Anh sắp tới sẽ đón tiếp tân Thủ tướng tại cung điện Balmoral thay vì ở Buckingham, London, như truyền thống. Đây là lần đầu tiên bà "phá bỏ" một truyền thống đã kéo dài 70 năm như vậy.
Theo một phát ngôn viên của Điện Buckingham, vị quân chủ 96 tuổi sẽ không thực hiện chuyến đi 2 chiều dài hơn 1.600km từ cung điện Balmoral ở Scotland về London. Thay vào đó, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Boris Johnson và người thay thế ông sẽ đi từ London đến tiếp kiến Nữ hoàng vào ngày 6/9 tới đây.
Sau khi tiếp ông Johnson, Nữ hoàng sẽ có buổi tiếp kiến đầu tiên với tân Thủ tướng Anh.
Một nguồn tin trong Hoàng gia nói với tờ CNN rằng lý do cho quyết định này là để chắc chắn rằng lịch trình buổi tiếp kiến sẽ không bị thay đổi bất chợt. Sở dĩ có lo ngại như vậy là do Nữ hoàng có thể gặp những khó khăn về di chuyển bởi vấn đề sức khỏe. Nếu cuộc gặp được tổ chức tại London hay lâu đài Windsor, nhiều khả năng kế hoạch sẽ bị thay đổi vào phút cuối.
Gần đây, Nữ hoàng đã vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng như lễ khai mạc Quốc hội Anh và để Thái tử Charles đảm nhận thay vai trò lịch sử. Hồi Đại lễ Bạch Kim, bà cũng chỉ xuất hiện thoáng qua trước công chúng.
Theo truyền thống, các tân Thủ tướng Anh khi nhậm chức và xin phép thành lập chính phủ mới sẽ có buổi tiếp kiến với Nữ hoàng. Hiện tại, ứng cử viên thay thế ông Johnson sẽ là một trong 2 người, Ngoại trưởng Anh Liz Truss hoặc cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak. Kết quả bầu cử sẽ được công bố vào thứ 2 tới, ngày 5/9.
Ông Boris Johnson sẽ có buổi tiếp kiến cuối cùng với Nữ hoàng dưới vai trò Thủ tướng vào hôm 6/9 tới đây.
Là lãnh đạo đảng đa số mới trong Quốc hội, tân Thủ tướng sẽ tới xin phép Nữ hoàng thành lập chính phủ mới theo nghi lễ và trở thành Thủ tướng thứ 15 dưới thời bà trị vì.
Bổ nhiệm tân Thủ tướng là một trong những trách nhiệm nghi thức quan trọng nhất của Nữ hoàng trong vai trò nguyên thủ quốc gia. Bên cạnh đó, bà cũng là người đọc diễn văn khai mạc Quốc hội và ký duyệt các đạo luật được lưỡng viện thông qua. Gần đây, vì lý do sức khỏe, Nữ hoàng đã bắt đầu trao lại các trọng trách cho con trai bà là Thái tử Charles, người sẽ nối ngôi Quốc vương Anh.
Cùng xem lại loạt khoảnh khắc của Nữ hoàng bên 14 đời Thủ tướng trước
Nữ hoàng chụp ảnh bên 4 đời Thủ tướng dưới thời bà. Từ trái sang phải: David Cameron, John Major, Tony Blair, Gordon Brown.
1951-1955: Thủ tướng Anh huyền thoại Winston Churchill. Churchill có lẽ là một trong những Thủ tướng được Nữ hoàng yêu mến và kính trọng nhất, khi có lần bà đã thừa nhận ông là lãnh đạo bà thích tiếp đón nhất vì "luôn rất vui".
1955-1957: Anthony Eden. Nữ hoàng đánh giá Thủ tướng thứ 2 là người có khả năng lắng nghe và biết thông cảm. Đây cũng là giai đoạn nước Anh gặp một số khủng hoảng về chính trị và ngoại giao.
1957-1963: Harold Macmillan. Ấn tượng đầu của Nữ hoàng về Macmillan là ông khá khó để làm việc cùng, tuy nhiên 2 người đã dần trở nên thân thiết hơn và vẫn tin tưởng trò chuyện với ông kể cả khi hết nhiệm kỳ sau năm 1963.
1963-1964: Alec Douglas-Home. Nữ hoàng khá quen thuộc với vị Thủ tướng này trước cả khi ông nhậm chức vì ông là một người bạn thời thơ ấu của mẫu thân bà.
1964-1970, 1974-1976: Harold Wilson. Cựu Thủ tướng Wilson xuất thân từ gia đình trung lưu dưới, là lãnh đạo Công Đảng Anh đầu tiên dưới thời bà. Wilson là người đặc biệt khi hay phá bỏ truyền thống của các cuộc tiếp kiến và thậm chí thường ở lại giúp đỡ việc dọn dẹp các bữa tiệc tại lâu đài Balmoral.
1970-1974: Edward Heath. Theo CNN, Nữ hoàng có mối quan hệ gặp khá nhiều khó khăn với vị cựu Thủ tướng này do góc nhìn khác biệt.
1976-1979: James Callaghan. Cựu Thủ tướng của Công Đảng Anh có mối quan hệ khá tốt với Nữ hoàng, tuy nhiên ông thừa nhận đó là sự thân thiện chứ không phải tình bạn.
1979-1990: "Bà đầm thép" Margaret Thatcher. Nữ Thủ tướng là người gần gũi nhất về tuổi tác với Nữ hoàng trong 14 người, nhưng bà giữ cho các cuộc gặp của 2 người cực kỳ "chuyên nghiệp". Theo đó, "bà đầm thép" còn có mối quan hệ khá căng thẳng với vị quân chủ và không thích các chuyến thăm hàng năm đến Balmoral. Bà là nữ Thủ tướng hiếm hoi và cũng là người phục vụ lâu nhất dưới thời Nữ hoàng.
1990-1997: John Major. Cựu Thủ tướng và Nữ hoàng có thời gian dài hỗ trợ nhau vượt qua nhiều khủng hoảng của nước Anh và Hoàng gia, điển hình như suy thoái kinh tế trong thập niên 1990 và cuộc hôn nhân đầy sóng gió của Thái tử Charles.
1997-2007: Tony Blair. Cựu Thủ tướng có góc nhìn rằng mối quan hệ của nước Anh với Hoàng gia có phần cũ kỹ và muốn "hiện đại hóa" nó. Trong hồi ký "A Journey", ông cũng tỏ ra không thích các chuyến thăm tới Balmoral dù thừa nhận Hoàng gia rất hiếu khách.
2007-2010: Gordon Brown. Nữ hoàng được cho là có mối quan hệ bạn bè khá tốt đẹp với Brown khi ông còn tại vị. Bà đôi khi còn vui tính trêu chọc chất giọng Scotland của ông.
2010-2016: David Cameron. Theo CNN, quan hệ của Nữ hoàng với Cameron cũng khá nồng ấm. Ông là Thủ tướng trẻ nhất tại vị dưới thời Nữ hoàng. Hơn nữa, cả hai cũng có quan hệ họ hàng xa khi ông là hậu duệ trực tiếp của Vua William IV.
2016-2019: Theresa May. Sau khi Cameron từ chức, bà trở thành nữ Thủ tướng thứ 2 dưới thời Nữ hoàng. Không có nhiều thông tin được tiết lộ về mối quan hệ cá nhân của 2 người, nhưng cựu Thủ tướng miêu tả thời gian tại vị là một "vinh dự lớn lao".
2019-nay: Boris Johnson. Vẫn còn khá sớm để kết luận về mối quan hệ giữa ông và Nữ hoàng, tuy nhiên Johnson đã 2 lần phải xin lỗi vị quân chủ. Trong đó có một lần là khi số 10 phố Downing tổ chức tiệc ngay sau đám tang của Hoàng tế Philip, vào giữa thời điểm đại dịch và các hạn chế đang căng thẳng.
Nguồn: CNN