Con người được như ngày hôm nay phần lớn cũng là nhờ khả năng khéo léo tận dụng tài nguyên thiên nhiên.
Nhưng tài nguyên thì có hạn, dù là gỗ trong rừng hay quặng dưới lòng đất. Tốc độ khai thác thì nhanh, trong khi tốc độ hồi phục của Trái đất thì chậm. Nếu cứ sử dụng vô tội vạ, chẳng mấy chốc tài nguyên sẽ cạn kiệt.
Chính vì thế, Global Footprint Network kết hợp cùng WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) đã đặt ra một ngày trong năm, với cái tên Earth Overshoot Day (tạm dịch: Ngày Trái đất vượt ngưỡng). Đó là thời điểm nhân loại đã sử dụng hết lượng tài nguyên mà Trái đất có thể đáp ứng trong một năm.
Và trong năm 2020, Earth Overshoot Day sẽ đến vào ngày 22/8 - tức là thứ 7 tuần này. Đây là cột mốc được đánh giá là khá sáng sủa, bởi so với những năm trước đó, ngày này đã đến chậm hơn mong đợi rất nhiều. Chẳng hạn như năm 2019, chúng ta có một ngày vượt ngưỡng sớm nhất lịch sử: 29/7.
Theo tính toán, lượng khí thải carbon mà con người thải ra trong năm nay giảm tới 9,3% so với 1 năm trước đó.
Đừng hiểu nhầm! Earth Overshoot Day đến chậm một ngày cũng là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên theo Mathis Wackernagel, chủ tịch Global Footprint Network thì con người vẫn chưa thể ăn mừng được. Lý do đơn giản là vì thành quả này không phải do nỗ lực của chúng ta, mà là vì Covid-19.
"Không phải do chúng ta làm ra, mà là do một thảm họa," - ông nhận định.
Thông thường, các nhà khoa học tính toán thời điểm này bằng cách xem xét nhu cầu toàn diện của con người - bao gồm thức ăn, năng lượng, không gian cho nhà ở và đường sá..., đồng thời tính đến các yếu tố cần thiết để hấp thụ CO2 thải ra. So sánh giữa các yếu tố này là thước đo cho sự bền vững, và họ tính được rằng nhân loại đang sử dụng nhiều hơn 60% so với khả năng tự tái tạo của Trái đất. Nghĩa là, cần đến 1,6 lần Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu của con người.
"Giống như tiền vậy. Chúng ta có thể chi tiêu nhiều hơn con số kiếm ra, nhưng không thể kéo dài mãi mãi," - Wackernagel cho biết.
Bản báo cáo ước tính đại dịch đã khiến lượng carbon loài người thải ra giảm đi 14,5% so với năm 2019. Lượng rừng cây bị chặt hạ giảm 8,4%, chủ yếu là do nhu cầu sụt giảm. Các chuyên gia cho rằng đại dịch đã gây xáo trộn toàn bộ thị trường và hệ thống nông nghiệp trên toàn cầu. Nhưng vấn đề là ở chỗ, sự thay đổi này là quá ít so với quy mô sản sinh carbon của nhân loại.
Global Footprint Network cho biết, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của nhân loại đã làm thay đổi thói quen chi tiêu trong thời gian ngắn. Chính vì thế, việc ngày vượt ngưỡng tới chậm cho chúng ta một cơ hội rất tốt để "suy ngẫm về tương lai."
Marco Lambertini - giám đốc WWF (Quỹ Quốc tế bảo tồn Thiên nhiên hoang dã) phát biểu, đại dịch tác động mạnh nhất đến những đối tượng dễ bị tổn thương, đồng thời hướng chúng ta tập trung vào mối quan hệ "lãng phí, không bền vững và hủy diệt" đối với thiên nhiên.
"Chúng ta có thể phát triển, nhưng không phải bằng cách lạm dụng hành tinh này, bởi ta biết rằng khi Trái đất khủng hoảng, xã hội sẽ khủng hoảng, và nền kinh tế cũng vậy," - ông bổ sung thêm.
Ngày sử dụng vượt ngưỡng tài nguyên tính trên từng quốc gia.
Trong một báo cáo hồi đầu tháng 8, nhóm chuyên gia quốc tế cho biết lượng khí thải tạo ra từ than, dầu và khí gas có thể giảm khoảng 8% trong năm 2020, do tác động từ đại dịch. Tuy nhiên, vấn đề là nếu không có một sự thay đổi hệ thống từ cách thế giới vận hành, sự sụt giảm này sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả.
Năm 2015, Hiệp định Paris về Phòng chống Biến đổi khí hậu đã được ký kết, trong đó các quốc gia cam kết sẽ giới hạn mức gia tăng nhiệt độ dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cột mốc an toàn được Liên hợp Quốc (UN) đặt ra là 1,5 độ C.
Theo UN, cột mốc này hoàn toàn có thể khả thi nếu chúng ta cắt giảm 7,6% lượng khí thải hàng năm trong thập niên 2020.