Không ít phụ huynh bày tỏ bức xúc với một số khoản thu được cho là “núp bóng” tự nguyện.
Lạm thu “núp bóng”…?
Sau buổi họp phụ huynh đầu năm học cho 2 con, chị Nguyễn Thị Khanh, tổ 13, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) “chóng mặt” với danh mục các khoản thu. “Tổng số tiền tôi phải nộp cho 2 cháu xấp xỉ 17 - 18 triệu đồng; trong đó có nhiều khoản được cho là tự nguyện”, chị Khanh phân trần.
Mới đây, thành viên trên một số diễn đàn xã hội chia sẻ danh mục 21 khoản thu đầu năm học 2023 - 2024 của Trường THPT Thanh Miện III (Hải Dương). Theo đó, tổng số tiền mỗi học sinh nộp là hơn 8,7 triệu đồng. Trong đó, có những khoản thu như: Học phí: 420.000 đồng/kỳ; gửi xe là 360.000 đồng/năm; bảo hiểm thân thể: 300.000 đồng/năm; học thêm hè: 920.000 đồng; học thêm: 2.176.000 đồng... Ngoài ra, trường này còn có nhiều khoản thu khác như: Sổ liên lạc điện tử, tivi, vở ghi, khảo sát, kiểm tra chung, xã hội hóa, ghế ngồi, quỹ lớp, tiền photo...
Ông Phạm Hải Ninh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo giải quyết. Chiều 12/9, Đoàn thanh tra của sở GD&ĐT làm việc với Trường THPT Thanh Miện III. “Sở sẽ có văn bản để báo cáo UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT và cung cấp thông tin cho báo chí”, ông Ninh nói.
Theo ông Ninh, ngày 8/9/2023, Sở GD&ĐT Hải Dương có Văn bản số 1569/SGDĐT-KHTC, hướng dẫn thu học phí và các khoản thu dịch vụ trong nhà trường năm học 2023 - 2024.
Riêng về khoản thu dịch vụ, sở yêu cầu các đơn vị thực hiện theo Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức thu học phí và danh mục các khoản, mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại trường mầm non, giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn.
Trước đó, ngày 24/8, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương Lương Văn Việt đã ký văn bản về việc triển khai hoạt động đầu năm học và tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2023 - 2024. Theo nội dung văn bản này, sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học đúng quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng “lạm thu”; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học.
Danh mục 21 khoản được cho là của Trường THPT Thanh Miện III (Hải Dương) lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: INT
Xử lý nghiêm hiệu trưởng
Qua Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, Sở GD&ĐT Hậu Giang nhận được phản ánh về việc, phụ huynh Trường THPT Cái Tắc nhất trí, kiến nghị và được Ban giám hiệu nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh thông qua ý kiến đóng tiền mua tivi trang bị cho lớp học. Theo phản ánh trên, có lớp cào bằng thu 300.000 đồng/học sinh; lớp thu 200.000 đồng/học sinh và có lớp thì đóng góp tự nguyện.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 5/9/2023, Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang Nguyễn Hoài Thúy Hằng đã ký Công văn số 1429/SGDĐT-VP “Về việc trả lời ý kiến phản ánh qua App Hậu Giang”. Theo nội dung văn bản này, việc Ban đại diện cha mẹ học sinh trường tự vận động phụ huynh mua tivi trang bị trong các lớp học chưa đúng với Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT (Khoản 4, Điều 10).
Việc vận động, tài trợ cho các cơ sở giáo dục thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT- BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, tại Điều 3 Thông tư này quy định: Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục. Quy trình thực hiện vận động tài trợ (theo Điều 5, Thông tư số 16) và tiếp nhận tài trợ (theo Điều 6, Thông tư số 16).
Căn cứ Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 16/2018/TT- BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Sở GD&ĐT Hậu Giang đã chỉ đạo Ban giám hiệu Trường THPT Cái Tắc dừng việc vận động, tài trợ của Ban đại diện cha mẹ học sinh vào cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2023 - 2024. Trường muốn vận động, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân cho việc mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học thì thực hiện quy trình tại Thông tư số 16 của Bộ GD&ĐT.
Nhìn nhận vấn đề lạm thu trong trường học, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, để không xảy ra tình trạng này, phụ huynh cần nắm rõ các quy định của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT về những khoản tiền mà nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép và không được phép thu/vận động. Nếu nhận thấy các khoản thu không đúng quy định, phụ huynh cần kiên quyết từ chối nộp. Khi phát hiện giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường làm sai, phụ huynh cần thông báo cho hiệu trưởng hoặc gọi đến đường dây nóng của phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng nhằm huy động nguồn lực xã hội để chung tay phát triển giáo dục; từ đó, cải thiện chất lượng dạy - học, tạo điều kiện cho học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, lạm dụng xã hội hóa để “lách luật” “biến tấu” thành các khoản thu là không thể chấp nhận được. Cần phải xử lý nghiêm khắc hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu; qua đó đảm bảo tính răn đe, không để lạm thu trở thành vấn đề “đến hẹn lại lên” vào đầu năm học.
Đề cập đến một số biện pháp chống lạm thu đầu năm học, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ đã ban hành đầy đủ thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu đầu năm học như: Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, các hoạt động tài trợ cho giáo dục, đào tạo… Song, điều quan trọng là các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức.