Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ với VOV.VN về những khó khăn mà đội ngũ nhà giáo đang gặp phải và hướng tháo gỡ của Bộ GD-ĐT trong thời gian tới.
PV: Thưa Bộ trưởng, tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, điều này tạo ra những khó khăn ra sao cho ngành giáo dục nhất là khi đang triển khai Chương trình GDPT mới?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sau một chặng đường đổi mới, đã có những kết quả quan trọng là tiền đề. Những thách thức, bỡ ngỡ, lúng túng dần được điều chỉnh để đi vào nền nếp. Giáo viên đã bắt đầu quen với chương trình giáo dục phổ thông mới, với cách dạy mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo nhiều hơn. Học sinh quen hơn với cách học, xã hội biết và chia sẻ nhiều hơn… đó chính là thuận lợi rất quan trọng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Các địa phương cũng nhận thấy điều kiện đổi mới còn nhiều thiếu thốn và tích cực để giải quyết. Việc các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh triển khai cũng là những yếu tố góp phần thuận lợi. Hy vọng các chương trình này sẽ đem lại cho các địa phương, cơ sở giáo dục thêm điều kiện để thực hiện chương trình mới này.
Tuy vậy, đổi mới mang theo những thách thức đối với cái cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ và sức ì. Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Đổi mới không chỉ liên quan đến học sinh, giáo viên mà còn cần sự ủng hộ của phụ huynh, xã hội. Công cuộc đổi mới có rất nhiều thay đổi và khi một phần không nhỏ trong xã hội chưa hiểu hết những thay đổi đó sẽ dễ dẫn đến kêu ca, phàn nàn, chưa hoàn toàn tin tưởng vào định hướng đổi mới. Đây là thách thức, cần phải tạo sự đồng thuận nhiều hơn từ phía xã hội, nhân dân, phụ huynh để tất cả cùng đồng hành, chia sẻ với ngành giáo dục.
Đối với lực lượng nhà giáo, tôi cho rằng mức độ đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu thì đổi mới giáo dục đạt được đến đó. Một trong những khó khăn đó là các cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy mà không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới cần làm theo yêu cầu của sự đổi mới. Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội ngũ các nhà giáo.
Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi đang làm rất nhiều việc để động viên, hỗ trợ giáo viên, cố gắng đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, để giáo viên có thêm động lực, chỗ dựa cho sự đổi mới.
Chính vì áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống, thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở, một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, đi xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do...
Trong vòng 3 năm học, tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến trên 40.000. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu được giao gần 26.000 biên chế mới. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi lại không tuyển được giáo viên ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, nghệ thuật. Một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ dù có chỉ tiêu nhưng lại không tuyển được giáo viên mầm non.
PV: Là tư lệnh ngành Giáo dục, trước thực trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc như trên, Bộ trưởng đã lắng nghe và có chia sẻ gì về những tâm tư của các nhà giáo để từ đó tìm ra cách tháo gỡ, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Lực lượng nhà giáo với số lượng trên 1,6 triệu người đang làm việc trong cả khối công và tư có nhiều mong muốn. Trước hết phải khẳng định thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến giáo dục và lực lượng nhà giáo, đã đặt giáo dục ở vị trí quan trọng - là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, có rất nhiều những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của giáo dục.
Ngay việc Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu ngành Giáo dục phải đổi mới cũng ít nhiều có áp lực với nhà giáo nhưng đây cũng là tạo ra những cơ hội để nhà giáo phát triển.
Vì vậy, về chế độ, chính sách, gần đây ngày càng thêm nhiều chính sách tốt để phát triển, hỗ trợ, quan tâm tới nhà giáo. Tuy nhiên, trong công việc triển khai đổi mới nhà giáo còn nhiều mong đợi để công việc tốt hơn.
Trong đó nhà giáo mong chờ trước hết khi đặt ra nhiệm vụ lớn, đòi hỏi cao thì mong Nhà nước có thêm những chính sách đảm bảo được đời sống của nhà giáo, nhà giáo có thể hoàn toàn sống bằng lương, chỉ làm một công việc của nhà giáo mà có thể sống được. Đặc biệt là đối với những giáo viên mới vào nghề, giáo viên trẻ.
Và có thêm những chính sách để bớt đi khó khăn cho những nhà giáo đang làm việc tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có rất nhiều nhà giáo đang cắm bản ở tạm không có nhà công vụ, trường học chưa kiên cố, dạy các lớp học 2-3 trình độ… Như ở Hà Giang vừa qua có vợ chồng thầy cô giáo trên đường đi vào trường đã xảy ra tai nạn… Nhà giáo mong muốn cơ sở vật chất, hạ tầng dành cho phát triển giáo dục được tốt hơn, đảm bảo hơn, trường học được kiên cố hoá nhiều hơn, đỡ khó cho cả nhà giáo và cho học sinh; có thêm nhà công vụ, nhà vệ sinh, trường lớp khang trang hơn. Có như vậy công cuộc đổi mới hiệu quả hơn, thầy cô gắn bó hơn.
Nghị lực, hy sinh là câu chuyện ghi nhận nhưng chúng ta cũng phải cố gắng để đảm bảo các điều kiện tốt. Ở ngay cả những nơi chưa phải khó khăn nhưng việc đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất có mức độ như việc trang bị phòng học bộ môn, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy và học còn cần thêm nhiều nữa.
Do đó, lực lượng nhà giáo mong muốn, Đảng, Nhà nước đã quan tâm sẽ tiếp tục quan tâm, từ cấp trung ương đến địa phương, tiếp tục có đầy đủ cơ sở vật chất để nhà giáo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ dạy của mình, chú tâm vào chuyên môn.
Trước khi có yêu cầu về chất lượng giáo dục cao thì yêu cầu trường ra trường, lớp ra lớp phải là câu chuyện được đặt ra một cách ráo riết trong thời gian sắp tới.
Về tâm tư, nguyện vọng, nhà giáo rất mong các cấp từ trung ương đến địa phương có sự ghi nhận kịp thời, đầy đủ những đóng góp của lực lượng nhà giáo, cả với quy mô của ngành và với từng trường hợp, để nhà giáo có thể thấy những hy sinh, đóng góp của mình được ghi nhận một cách xứng đáng. Đây cũng là sự động viên về mặt tinh thần.
Qua tâm tư từ hơn 6.300 câu hỏi của giáo viên gửi về trao đổi với tôi trong dịp tôi gặp gỡ, tiếp xúc với nhà giáo đầu năm học cho thấy, nhà giáo rất mong phía xã hội, phụ huynh, cộng đồng có sự chia sẻ nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn. Thấu hiểu về công cuộc đổi mới đầy thử thách mà ngành Giáo dục và từng giáo viên đang phải làm; cái mới là công việc khó, chưa có tiền lệ nên không chỉ cần có sự cố gắng của đội ngũ giáo viên mà cần sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, thấu hiểu, đặc biệt từ phía phụ huynh trong việc dạy dỗ các em và những khó khăn phát sinh. Những bước đi chập chững trong đổi mới rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía xã hội, kể cả những phán xét từ phía xã hội đôi khi cũng chưa công bằng với những nỗ lực, cố gắng của nhà giáo.
Trường học là một thiết chế thuộc về cộng đồng, mà đã là cộng đồng thì ngoài việc giám sát, bên cạnh đó còn là hỗ trợ và chung tay.
Đối với ngành Giáo dục, từ trong truyền thống, nghề giáo là nghề tôn nghiêm, cao quý, nhà giáo mong rằng, nghề luôn luôn giữ được sự tôn nghiêm. Điều đó đương nhiên phải bắt đầu từ những người làm nhà giáo nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, mà còn phải cần tinh thần từ phía xã hội. Giáo dục có tôn nghiêm thì hiệu quả giáo dục mới tốt, sự dạy dỗ đối với con người mới hiệu quả. Trong một xã hội khi nghề nhà giáo tôn nghiêm còn là giá trị, tinh thần lành mạnh của xã hội.
PV: Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục sẽ có những giải pháp nào để thu hút người tài vào ngành giáo dục và ở lại gắn bó với ngành?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Định hướng lâu dài của ngành là muốn có nền giáo dục chất lượng cao, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Muốn làm được vậy thì phải thu hút được nhiều người trẻ, người giỏi vào học sư phạm.
Để học sinh muốn thi vào sư phạm phải làm nhiều việc, trong đó yếu tố đời sống bao giờ cũng là yếu tố ban đầu. Nghề giáo ở các quốc gia khác cũng vậy, không phải là một nghề giàu có về mặt lương và thu nhập nhưng ít phải đảm bảo mức sống để người ta có thể sống bằng nghề.
Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ học sinh giỏi, thu hút học sinh giỏi vào học các trường đại học sư phạm bằng việc đặt hàng, hỗ trợ sinh hoạt. Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Từ khi có Nghị định 116 việc thu hút học sinh vào học sư phạm cũng được cải thiện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sinh hoạt phí và đặt hàng triển khai của địa phương còn một số vấn đề vướng và hiện nay, Bộ GDĐT đang tham mưu Chính phủ để sửa Nghị định 116 theo hướng thu hút được người giỏi vào học sư phạm nhiều hơn.
Còn một việc nữa là làm sao để thu hút được những người đam mê với ngành và người ta thấy rằng nghề giáo thực sự là một công việc vinh quang, cao quý, ở đó người giỏi được khẳng định mình và được ghi nhận.
Các trường học trong quá trình đổi mới cũng cần có những điều chỉnh để môi trường làm việc gia tăng yếu tố dân chủ để khi nhà giáo tham gia hoạt động được sáng tạo nhiều hơn, thể hiện mình tốt hơn, có cơ hội được phát triển và luôn luôn được hỗ trợ. Được quan tâm, được kỳ vọng nhưng phải được hỗ trợ, được tôn vinh.
Có rất nhiều yếu tố nhưng tôi nghĩ khi tham gia hoạt động nghề nghiệp nhà giáo được phát triển bản thân, được khẳng định mình, có đời sống tốt, phát huy được năng lực… khi đó sẽ thu hút được nhiều hơn những người có năng lực, trình độ. Đặc biệt là khối giáo dục đại học, nếu không thu hút được lực lượn nhân tài để bồi dưỡng, phát triển thành lực lượng chuyên gia, những nhà khoa học đầu ngành sẽ rất khó có một nền khoa học, một nền giáo dục đại học cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, đáp ứng nhân lực ngày càng đòi hỏi cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ. Như vậy, cần phải có cả cơ chế cho sự phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Cũng trong lĩnh vực giáo dục đại học, cơ chế trong sở hữu trí tuệ, để những sản phẩm trí tuệ được thương mại hoá phục vụ cho sản xuất, cơ chế thông thoáng vừa kích thích đổi mới sáng tạo trong nhà trường, sự đổi mới sáng tạo của từng cá nhân và đó cũng là con đường để thu hút nhân tài tham gia vào lĩnh vực giáo dục đại học.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!