Lạm dụng kèn Vuvuzela và những cách cổ động gây khó chịu, nguy hiểm, bị cấm trên toàn thế giới

PHỤNG HIẾU, Theo Sport5.vn 17:05 18/12/2018

Sử dụng Vuvuzela không phải cách cổ vũ duy nhất gây khó chịu. Hàng năm, rất nhiều CLB bị phạt nặng vì CĐV của họ sử dụng những cách sai lầm dưới đây để chứng tỏ tình yêu với đội bóng con cưng.

Phân biệt chủng tộc

Cảm xúc của CĐV trên khán đài bị ảnh hưởng bởi những diễn biến ở dưới sân. Chỉ cần một tình huống phạm lỗi của đối thủ hay quyết định sai của trọng tài, hành động đầu tiên của các fan để bày tỏ sự tức giận và không đồng tình chính là chửi thề, la ó. Ở cấp độ cao hơn, nội dung của những tiếng chửi liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc - điều cấm kỵ trong thể thao nói chung.

Lạm dụng kèn Vuvuzela và những cách cổ động gây khó chịu, nguy hiểm, bị cấm trên toàn thế giới - Ảnh 1.

Vấn đề sắc tộc luôn được quan tâm hàng đầu trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.

Tại Anh và nhiều quốc gia ở châu Âu, những tấm biểu ngữ “Nói không với phân biệt chủng tộc” luôn xuất hiện trên các SVĐ để nhắc nhở CĐV. Nhưng không phải vì thế hành vi đáng chê trách này biến mất hoàn toàn. Mới đây, một CĐV Chelsea đã buông lời gọi Raheem Sterling (CLB Manchester City) là “thằng mọi đen”. Ông lập tức bị cảnh sát bắt giữ lấy lời khai và hiện đối mặt với án cấm đến xem mọi trận đấu của đội nhà. Đội bóng chủ sân Stamford Bridge cũng sẽ bị LĐBĐ Anh “sờ gáy” vì không thể kiểm soát CĐV.

Phân biệt chủng tộc sẽ khiến mọi bên bị liên lụy, không hướng tới một kết cục tốt đẹp. Ở Việt Nam hiện tại chưa có nhiều sự việc liên quan đến vấn đề này. Vì thế trong bối cảnh ngày càng nhiều cầu thủ quốc gia khác đến thi đấu ở V-League và đội tuyển đang nhận được nhiều lời mời giao hữu, bên cạnh cơ hội tham gia giải đấu tầm cỡ châu lục, CĐV Việt Nam nên chú ý hơn trước khi những án phạt được đưa ra.

Ném “vật thể lạ” xuống sân

Một cách khác để bày tỏ sự phấn khích hay tức giận của CĐV là ném những gì họ cầm trên tay xuống sân. Hành động này tưởng chừng chỉ gây mất vệ sinh chung nhưng đôi khi lại ảnh hưởng trực tiếp đến trận đấu.

Năm 2009, Liverpool đã phải đón nhận bàn thua hy hữu nhất lịch sử Premier League sau khi cú sút của Darren Bent đưa bóng đi trúng… một quả bóng bay CĐV ném xuống sân và đi vào lưới. Trong mùa giải năm nay, HLV Senol Gunes của CLB Besiktas (Thổ Nhĩ Kỳ) đã phải nhập viện vì bị CĐV ném “vật thể lạ” trúng đầu.

Lạm dụng kèn Vuvuzela và những cách cổ động gây khó chịu, nguy hiểm, bị cấm trên toàn thế giới - Ảnh 2.

Chính CĐV Liverpool đã ném quả bóng bay xuống sân, khiến đội bóng con cưng nhận thất bại 0-1 trước Sunderland.

Tại AFF Cup 2018, chính fan Việt Nam tại SVĐ Mỹ Đình đã ném lọ chai xuống sân để phản đối quyết định thiên vị Malaysia của trọng tài. Vụ việc nghiêm trọng đến mức tiền đạo Nguyễn Anh Đức phải đích thân đứng ra can ngăn.

“Tôi thấy đó là một trong những hành vi không tốt. Theo phản xạ, tôi chạy ra nói CĐV rằng họ phải bình tĩnh lại. CĐV luôn ưu ái chủ nhà nhưng chúng ta nên ưu ái theo cách fair-play một chút”, Anh Đức chia sẻ.

Đốt pháo sáng

Ở Anh, đem pháo sáng, bom khói hoặc pháo hoa vào sân được coi là hành động vi phạm pháp luật. Tại Scotland, một người vi phạm điều trên có thể bị phạt từ 3 tháng đến 6 tháng tù. Sở dĩ luật pháp quốc tế xử nặng các trường hợp sử dụng pháo sáng vì nó là một công cụ để cổ vũ vô cùng nguy hiểm, điều này chắc hẳn các CĐV Việt Nam đều đã biết. Tuy nhiên trong trận chung kết lượt về với Malaysia, nó vẫn xuất hiện trên khán đài SVĐ Mỹ Đình.

Lạm dụng kèn Vuvuzela và những cách cổ động gây khó chịu, nguy hiểm, bị cấm trên toàn thế giới - Ảnh 3.

CĐV Việt Nam đốt pháo sáng sau khi Anh Đức ghi bàn mở tỷ số ở chung kết lượt về. Ảnh: Tiến Tuấn.

Đây không phải lần đầu tiên CĐV Việt Nam bất chấp nguy hiểm, án phạt để đốt pháo sáng. Dù chưa gây ra hậu quả thương tâm nào nhưng từ năm 2016 đến nay có tới 7 trường hợp BTC sân tại Việt Nam phải nộp phạt hàng chục triệu đồng vì pháo sáng. Có lẽ khi và chỉ khi một sự việc khủng khiếp xảy ra, các CĐV mới bắt đầu ngừng sử dụng món đồ chơi nguy hiểm này.

Gây hấn, đả kích, xô xát với CĐV đối địch

Trong một trận đấu bóng đá, xích mích giữa các CĐV của 2 đội là điều không thể tránh khỏi. BTC trận đấu luôn cố gắng ngăn cản mọi vụ việc đáng tiếc xảy ra bằng việc chia khu riêng cho các CĐV. Nhưng mọi việc sẽ trở nên khó kiểm soát ở bên ngoài SVĐ, trước và sau khi trận đấu diễn ra.

Lạm dụng kèn Vuvuzela và những cách cổ động gây khó chịu, nguy hiểm, bị cấm trên toàn thế giới - Ảnh 4.

CĐV Việt Nam từng là nạn nhân của sự quá khích đến từ Malaysia. Ảnh: Tùng Lê.

Tháng 10/2018, một CĐV của CLB Persija Jakarta người Indonesia đã bị nhóm fan đối địch hành hung đến chết. Vụ việc trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho giới CĐV tại quốc đảo này, những người nổi tiếng ưa bạo lực và từng nhiều lần lao xuống sân để hành hung cầu thủ, HLV và trọng tài.

Mỗi sự việc như trên sẽ trở thành vết nhơ không thể xóa bỏ cho nền bóng đá của cả một quốc gia. Nhưng nó cũng sẽ bị ngăn chặn bởi sự nhẫn nại, kiềm chế và biểu lộ cảm xúc bản thân đúng cách của CĐV.

=>> CĐV Việt Nam kêu gọi cấm kèn vuvuzela, trả lại bầu không khí trong sạch cho sân Mỹ Đình, đồng thời học hỏi cách cổ vũ chuyên nghiệp của Malaysia

=>> Nói không với kèn vuvuzela: Những tác hại khi cổ vũ bằng chiếc kèn bị cả thế giới xua đuổi