Nhiều năm nay, anh Phan Văn Tuấn (43 tuổi, quê Nghệ An) tự mình cai nghiện rượu tại nhà nhưng rồi chứng nào tật đấy nên phải đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) điều trị.
Không khác gì nghiện ma túy
Anh Tuấn vốn là công nhân xây dựng, làm công trình ở khắp nơi nên thường xa gia đình, hay nhậu nhẹt cùng bạn bè. Hôm nào uống rượu là cứ phải uống cho đến tàn cuộc. Lâu rồi thành quen, không uống sẽ cảm thấy khó chịu mà uống nhiều thì hôm sau không thể làm được việc gì.
"Nhiều lần thử cai nghiện nhưng rồi vì lý do này lý do khác, tôi không bỏ rượu được. Giờ thương con quá, gia đình động viên nên tôi đến bệnh viện, nhờ bác sĩ giúp" - anh Tuấn tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu điều trị hỗ trợ cai nghiện - Bệnh viện Châm cứu trung ương, từng điều trị cho bà L.T.M (48 tuổi, ngụ Sơn La). Thời gian đầu, bà một mực khẳng định rằng mình không nghiện rượu mà chỉ thèm rượu và bất hợp tác với bác sĩ.
Điều trị vài ngày, do không được uống rượu nên bà có biểu hiện sảng rượu, la hét vô thức. Đến ngày thứ 4, sau khi được bác sĩ giải thích tình trạng bệnh lý, bệnh nhân bắt đầu đồng ý châm cứu và uống các thuốc điều trị. Sau 3 tuần cai nghiện, sức khỏe bệnh nhân dần cải thiện. Những cơn thèm rượu của bà M. cũng dần qua đi. Bà thấy ăn ngon miệng và ngủ ngon hơn, các chỉ số xét nghiệm dần trở lại bình thường.
Các bác sĩ cho biết bệnh nhân phải nhập viện vì loạn thần do rượu ngày càng có nhiều biểu hiện đa dạng và kỳ lạ. Hầu hết họ ở độ tuổi ngoài 30. Rất nhiều người khi đến các trung tâm cai nghiện rượu hoặc cơ sở tâm thần tiết lộ họ nhìn thấy ma quỷ hay luôn tay gãi rồi huơ huơ đòi đuổi côn trùng vì cảm giác có rắn rết bám dính trên người hay nhện giăng tơ khắp mặt, giun bò trên da... Nhiều người rơi vào trạng thái hoang tưởng, hay gặp nhất là hoang tưởng bị truy sát, hoang tưởng ghen tuông nghi vợ ngoại tình…; rối loạn ý thức, luôn trong tư thế phòng vệ muốn chạy trốn hoặc tấn công; run tay chân, đi lại loạng choạng, tim đập nhanh, vã mồ hôi nhiều... Trong suy nghĩ, họ như nhìn thấy máu, rắn rết bò đầy mình, bị ma quỷ rượt đuổi.
"Người bệnh thường bị chứng ảo giác và ảo thanh chiếm khoảng 60%. Thực tế, mọi người thường nghĩ loạn thần do rượu xuất hiện ở những người dân lao động chân tay như bác xe ôm, thợ hồ... nhưng người thành đạt cũng mắc phải chứng này. Ban đầu, người nghiện rượu bị biến đổi nhân cách, thay đổi tâm tính: vô cớ đánh vợ con, đập đồ đạc trong nhà rồi lan dần sang phá phách hàng xóm. Khi mức độ nghiện nặng hơn, người nghiện dễ bị rượu đánh gục, không còn sức để đập phá nữa mà trở nên bạc nhược, mụ mị đầu óc" - bác sĩ Thủy chia sẻ.
Bệnh nhân điều trị cai nghiện rượu ở Bệnh viện Tâm thần trung ương. Ảnh: NGỌC DUNG
Không thể cai chỉ bằng ý chí
Theo PGS-TS Bùi Quang Huy, Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện 103 (Hà Nội), y học ngày nay coi nghiện rượu là một bệnh mạn tính vì "ma men" uống rượu hằng ngày, lượng rượu này ảnh hưởng đến não, gan, tim mạch, từ đó gây ra các rối loạn về tâm thần và những tổn thương ở các hệ thống tiêu hóa, tim mạch. Một người mỗi ngày uống 300 ml rượu 40 độ cồn trở lên trong thời gian không dưới 10 năm sẽ thành nghiện rượu.
Nhiều người cho rằng chỉ cần bắt buộc ngừng uống là được. Đây là sai lầm có thể dẫn đến tử vong. Cai nghiện rượu là một quá trình rất vất vả và tốn kém, kéo dài chừng 1 tháng. Gia đình bệnh nhân sẽ phải chi nhiều tiền cho việc điều trị. Ngoài ra, họ còn phải tốn kém các chi phí gián tiếp như trông nom bệnh nhân, đi lại, ăn, ở... Sau cai nghiện rượu, bệnh nhân cần được điều trị củng cố trong thời gian dài để chống tái nghiện. Tại các khoa tâm thần, sau khi nhập viện, bệnh nhân sẽ bị cấm uống rượu và cắt cơn cai bằng các thuốc sedexen, vitamin B1 và ringer lactat.
Thông thường, các bác sĩ hay dùng esperal (disulfiram) cho bệnh nhân để chống tái nghiện. Bệnh nhân thường được chỉ định dùng esperal hằng ngày, uống buổi sáng trong thời gian tối thiểu 2 năm để thích nghi được cuộc sống không có rượu. Cần lưu ý, thuốc esperal phải do người nhà tận tay cho uống để bảo đảm thuốc vào bụng bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân không uống rượu thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu bệnh nhân uống rượu sẽ lập tức xảy ra các phản ứng vô cùng khó chịu như: đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, da đỏ như da gà chọi, hoảng hốt, đánh trống ngực, ra nhiều mồ hôi... Các phản ứng này kéo dài vài giờ khiến bệnh nhân sợ rượu và không dám uống nữa. Như vậy, esperal có hiệu quả điều trị chống tái nghiện rượu rất cao, giá thành rất rẻ, dễ dùng nhưng sẽ có một số nhược điểm như phải ngừng rượu tối thiểu 48 giờ trước khi uống esperal; phải điều trị hội chứng cai rượu, thậm chí là sảng rượu trong bệnh viện do hậu quả của ngừng rượu. Thuốc esperal tuy rẻ nhưng tính cả tiền điều trị cai rượu thì chi phí không nhỏ.
Theo bác sĩ Thủy, để người nghiện rượu có thể bỏ rượu được lâu dài cần sự giúp đỡ chuyên môn về tâm lý. Có thể điều trị tâm lý, có điều dưỡng hoặc là ngoại trú. Việc điều trị thành công hay không thường phụ thuộc vào sức mạnh ý chí của người bệnh nhiều hơn là vào cách thức và thời gian điều trị. Bệnh nhân phải tự nguyện vào điều trị nội trú tại cơ sở y tế (thời gian thường 1-2 tuần) nhằm tạo một phản xạ có điều kiện sợ rượu bằng các thuốc nhóm an thần kinh, giải độc, bổ sung vitamin nhóm B và C.
Chứng nghiện rượu diễn tiến tương đối chậm và khó nhận biết nên người dân thường chủ quan và không ý thức được sự nghiêm trọng. Người bệnh gầy yếu, tay chân run, ăn ngủ kém, sa sút trí tuệ, không tập trung chú ý khi làm việc, khả năng làm việc giảm dần. Do đó việc điều trị cai nghiện rượu bằng phương pháp châm cứu tức là tác động để người bệnh ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn, điều chỉnh các chỉ số sinh học trở lại bình thường hoặc gần như bình thường. Thông thường một đợt điều trị cai nghiện rượu bằng phương pháp châm cứu kéo dài 15-20 ngày.
"Có những bệnh nhân bị nghiện rượu nặng dẫn đến rối loạn tình dục (liệt dương). Để điều trị, bác sĩ kết hợp các biện pháp điện châm và thủy châm. Có bệnh nhân điều trị cả tháng mới ổn" - bác sĩ Thủy nói.