Cách 1-2 giờ lái xe quanh các siêu đô thị sầm uất Thượng Hải hay Bắc Kinh, bạn sẽ bắt gặp những khung cảnh kỳ lạ. Hai bên đường vẫn san sát nhà cao tầng, thị trấn vẫn toát lên vẻ hiện đại và cơ sở vật chất nhìn chung vẫn ở trong tình trạng tốt. Tuy nhiên, không giống như các đô thị nhộn nhịp khác, những căn hộ ở đây về cơ bản đều trống không. Người ta gọi đây là những “thành phố ma” của Trung Quốc.
Sự tồn tại của chúng đã thu hút sự chú ý của truyền thông trong nước và thế giới suốt thập kỷ qua. Năm 2013, trong chương trình "60 Minutes" của đài CBS (Mỹ) đã chiếu những hình ảnh về các “thị trấn ma” ở Trung Quốc. Phóng sự mở đầu bằng cảnh phóng viên Lesley Stahl đi trên một con đường lớn vào giờ cao điểm nhưng hầu như không có chiếc xe hơi nào trong tầm mắt.
Khi có thông tin công ty bất động sản Evergrande mắc khoản nợ 300 tỷ USD nổ ra, các thành phố ma một lần nữa trở thành mối quan tâm. Mặc dù các thành phố kiểu này là minh chứng cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào bất động sản như một động lực tăng trưởng kinh tế và niềm tin vào lĩnh vực này như một khoản đầu tư an toàn, nhưng vẫn rất khó xác định số lượng chính xác của chúng.
Li Gan là giáo sư kinh tế tại Đại học Texas A&M và là giám đốc Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu về Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Thành Đô. Ông cũng được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu về thị trường nhà ở Trung Quốc. Nhưng khi được hỏi có bao nhiêu thị trấn ma ở Trung Quốc, giáo sư Li không có câu trả lời.
Ông nói: "Tôi không biết có định nghĩa nào về 'thị trấn ma' hay không, vì vậy, tôi không thể đưa ra bất kỳ con số nào".
Thành phố ma nổi tiếng nhất của Trung Quốc có lẽ là Ordos, còn được gọi là Khang Ba Thập, nằm ở khu vực Nội Mông.
Vào đầu những năm 2000, thành phố này được dự định sẽ là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu người, sau đó con số được thu nhỏ lại thành 300.000 người. Nhưng tính đến năm 2016, chỉ có 100.000 người sinh sống trong Ordos. Đầu 2021, truyền thông đưa tin Khang Ba Thập cuối cùng đã thu hút được cư dân sau khi Trung Quốc chuyển một số trường học hàng đầu vào thành phố.
Con đường vắng vẻ ở quận Kangbashi, Nội Mông, Trung Quốc, vào tháng 2 năm 2017
Năm 2015, nhiếp ảnh gia Kai Caemmerer đã tới Trung Quốc để khám phá những thành phố “ma”. Trong những bức ảnh của anh, các dãy nhà cao tầng chạy dài vô tận nhưng hầu như không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có con người sinh sống. Trên thực tế, những bức ảnh này làm nhiều người liên tưởng đến những thành phố bị phong tỏa trên khắp thế giới trong đại dịch Covid-19.
Những căn hộ trống này chiếm một phần đáng kể trong thị trường nhà ở khổng lồ của Trung Quốc, lớn gấp đôi thị trường nhà ở của Hoa Kỳ và đạt giá trị 52.000 tỷ USD vào năm 2019. Nhật báo The Wall Street Journal đưa tin, theo số liệu từ Khảo sát tài chính hộ gia đình Trung Quốc được công bố gần đây nhất, 21% số nhà bị bỏ trống kể từ năm 2017, tương đương với khoảng 65 triệu căn. Số lượng bất động sản trống này đủ để chứa toàn bộ dân số nước Pháp.
Không giống như các khu vực không người ở, bị bỏ hoang do mục nát của Hoa Kỳ và Nhật Bản, những thành phố ma ở Trung Quốc không bị đổ nát hay hư hỏng, chúng chỉ đơn giản là không có người ở. Thay vào đó, chúng chứa đầy các căn hộ mới đã được mua dưới dạng đầu tư.Như giáo sư Li đã nói, những thành phố ma này là "một hiện tượng độc nhất vô nhị của Trung Quốc". Đây cũng là một biểu hiện của cung và cầu không phù hợp.
Xin Sun, giảng viên cao cấp về kinh doanh Trung Quốc và Đông Á tại King's College London, trả lời trang Insider: “Những ngôi nhà đang bị bỏ trống này đã được bán hết cho các nhà đầu tư và người mua, nhưng lại không được chủ sở hữu hoặc người thuê chuyển đến sinh sống”.
Về mặt cầu, xu hướng chung là giá nhà tăng đã khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà thứ hai, thứ ba. Hiện nay, nhiều người ở Trung Quốc đang mua rất nhiều căn nhà như một khoản đầu tư. Sau khi mua nhà, họ sẽ để trống nhà và đợi khi giá nhà lên cao rồi mới bán lại nhằm thu lợi nhuận khủng.
Về phía cung, chuyên gia Xin Sun cho biết, chính phủ thu được kinh phí lớn từ việc cho các nhà phát triển thuê đất. “Điều này mang lại cho chính phủ động cơ rất mạnh mẽ trong việc khuyến khích phát triển thay vì hạn chế thị trường nhà ở” ông nói.
Theo tờ The Economist, mỗi năm, Trung Quốc đều bắt đầu xây dựng 15 triệu ngôi nhà mới - gấp năm lần so với Hoa Kỳ và Châu Âu cộng lại. Ngoài việc chính phủ thúc đẩy phát triển và tăng nguồn cung, tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc cũng tác động không nhỏ đến vấn đề này.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng 61% dân số Trung Quốc sống ở các thành phố tính đến năm 2020, trong khi chỉ hai thập kỷ trước đó con số này là 35,8%. Cụ thể, khi các khu vực nông thôn được phân loại lại thành đô thị, người dân ở những khu vực đó vẫn giữ nguyên nhà ở. Vì vậy, mặc dù họ không cần di chuyển cũng như không cần một nơi ở mới, nhưng vẫn góp phần vào tốc độ đô thị hóa.
Hiện nay, việc có đến hàng chục triệu căn nhà bị bỏ trống ở quốc gia này được xem là vấn đề gây đau đầu đối với thị trường BĐS Trung Quốc.