Tiếp tay trốn thuế?
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong , đơn vị đứng ra làm thủ tục đưa chiếc siêu xe sang Đức bảo dưỡng là Cty Cổ phần Tập đoàn IDT (viết tắt là IDT-trụ sở ở phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh). Theo đó, ngày 6/6/2017, Bộ Công Thương cấp phép cho IDT được tạm xuất, tái nhập chiếc ô tô (nhãn hiệu Maybach, model: 62S, số máy 28598060000480, số khung WDBVG79J99A002311, sản xuất năm 2008) sang Đức để “bảo dưỡng, sửa chữa”. Thời hạn đăng ký tái nhập đến ngày 30/12/2017.
Sau khi “bảo dưỡng”, khoang hàng ghế sau của Maybach S62 được ngăn vách, lắp rèm... Ảnh: Minh Vũ
Hết thời gian trên, chiếc Maybach 62S vẫn chưa được tái nhập về nước. Sau đó, IDT nhiều lần xin gia hạn thời gian nhưng vẫn tiếp tục trễ hẹn.
Vào tháng 1/2021, Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng Khu vực 3 (KV3), thuộc Cục Hải quan TP.Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt IDT 3,5 triệu đồng về lỗi không tái nhập hàng hóa đúng thời gian đã đăng ký. Sau khi phạt xong, đơn vị này tiếp tục gia hạn thời gian tái nhập lần thứ 3 cho chiếc xe thêm 1 năm (tháng 12/2022). Nhờ vậy, đến ngày 15/7/2022, sau gần 5 năm xuất ngoại, chiếc Maybach 62S mới chính thức trở lại Việt Nam và được thông quan tại cảng Hải Phòng.
Bất ngờ nhất là chiếc “siêu xe” của đại gia Quảng Ninh trở về Việt Nam với một diện mạo nhiều thay đổi. Theo đó, khi tạm xuất, xe có “hình dáng model 2008” nhưng khi tái nhập lại biến thành “hình dáng model 2013”; trở thành chiếc Maybach 62S “siêu vip” độc nhất ở Việt Nam. Đơn cử, diện mạo đầu xe được thay đổi với lưới tản nhiệt chỉ còn 21 nan thay vì 23 nan như nguyên bản. Tiếp đến, thay vì sử dụng cản va (phía trước) cũ với hốc gió nhỏ tích hợp đèn sương mù tròn cổ điển, chiếc Maybach 62S sau nửa thập kỷ xuất ngoại trở về nước đã có cản va tích hợp thêm các hốc gió mới được mở rộng và hốc gió 2 bên có thêm dải đèn LED sương mù rất cá tính. Đây là kiểu thiết kế của Maybach 62S 2013, bản nâng cấp cuối cùng trước khi xe bị khai tử. Ngoài ra, nhiều chi tiết nội thất bên trong cũng mới tinh.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong , chiếc xe này lúc tạm xuất được khai mã loại hình hàng hóa (mã HS) G61 (tạm xuất hàng hoá), khi tái nhập lại khai mã loại hình G51 (tái nhập hàng hoá). Tổng trị giá của nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng, phụ kiện trang trí “bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế” của chiếc xe theo 18 tờ khai là gần 420.500 EUR (khoảng 10 tỷ đồng), gấp hơn 8 lần giá hàng hóa công ty khai mang đi sửa chữa (khoảng 1,2 tỷ đồng).
Theo nguồn tin của PV Tiền Phong , sau khi được cập cảng về Hải Phòng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV3 đã đưa chiếc xe vào diện miễn thuế nhập khẩu (với số tiền thuế được miễn hơn 526 triệu đồng).
Còn đối với các phụ tùng, linh kiện... thay thế trị giá 10 tỷ đồng, chi cục hải quan này áp dụng chính sách thuế và tính thuế theo mã số HS, mức thuế suất của từng nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng, phụ kiện trang trí đã sử dụng, sửa chữa, thay thế. Tuy nhiên, khi xử lý 18 tờ khai nhập khẩu mã loại hình hàng hoá A11 (nhập kinh doanh tiêu dùng), Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV3 đã phát sinh vướng mắc khi đến nay chưa có quy định cụ thể về việc kê khai, tính thuế (đối với phần vật tư, linh kiện, phụ tùng phục vụ sửa chữa hàng hóa).
Vào tháng 8/2022, chiếc xe Maybach S62 còn được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phép với nội dung: “Được kiểm tra và đạt yêu cầu kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu”. Đến nay, vượt qua các “cửa ải”, chiếc Maybach S62 đã chính thức lăn bánh trên các con đường ở Quảng Ninh, khiến cộng đồng chơi xe không khỏi trầm trồ.
Chưa từng có tiền lệ
Trao đổi với PV Tiền Phong , đại diện Cục Thuế Xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan cho biết, đối với hàng hóa tạm xuất ra nước ngoài để sửa chữa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng, khi tái nhập (mà không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa, không tạo ra hàng hóa khác) sẽ được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trường hợp DN tạm xuất xe ra nước ngoài để sửa chữa không theo điều kiện bảo hành hoặc đã quá thời hạn bảo hành của hợp đồng, có phát sinh khoản phí sửa chữa, thay thế linh kiện, phụ tùng…, khi tái nhập về Việt Nam, DN phải kê khai, nộp đủ các loại thuế đối với các loại vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế và không kê khai tính thuế giá trị gia tăng đối với tiền công, phí gia công sửa chữa ở nước ngoài.
Trường hợp chứng từ liên quan đến việc sửa chữa không tách riêng được chi phí nhân công, sửa chữa với chi phí thay thế vật tư, linh kiện, phụ tùng thì trị giá hải quan là giá thực thanh toán mà người mua phải trả người bán.
“Trường hợp cơ quan hải quan xác định hàng hóa tái nhập của doanh nghiệp không phải hàng hóa đã tạm xuất trước đây, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định”, đại diện Cục Thuế Xuất nhập khẩu khẳng định.
Ông Tô An-Phó Cục trưởng Đăng kiểm cho biết, với những chiếc xe khi tạm xuất ra nước ngoài để bảo dưỡng, thay thế phụ tùng phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng. “Đối với trường hợp độ lên đời mới, đến nay chúng tôi cũng chưa thấy có trường hợp nào như thế”, ông An nói.
Mức giá xe Maybach 62S lúc mới về Việt Nam không dưới 1,3 triệu USD (khoảng gần 30 tỷ đồng). Maybach 62S giờ đã là “hàng hiếm” khi bị khai tử vào khoảng năm 2013 và hiện đã không còn được sản xuất thương mại, thay vào đó nó được gắn kèm với thương hiệu Mercedes-Benz.