Mỗi khi buồn, ta đều chỉ muốn ở một mình. Giống như mình chẳng hiểu nổi nơi này. Ta không hiểu được sự tồn tại của mình, không hiểu bản thân là ai, mình sinh ra từ đâu. Mọi thứ đều đổ ụp xuống, không một mảnh trời xanh, không một ngọn gió, không một bàn tay. Tôi ước gì lúc đó? Tôi muốn ngủ một giấc thật sâu, không mộng mị. Sáng ngày mai dậy lại tiếp tục với cuộc sống bình thường.
Đôi khi, nỗi buồn thường đi kèm với một nụ cười hoàn hảo, một đôi mắt tĩnh bình màu hổ phách, một cử chỉ quen thuộc đến mức không thể quen thuộc hơn. Nhưng chúng ta chỉ là những con người bình thường, chúng ta đã quen nhìn một cách tầm thường vốn dĩ. Để những nỗi buồn cứ lặn sâu thăm thẳm, như những ngôi mộ không tên mà mãi mãi chẳng được người thứ hai biết tới.
Nỗi buồn cũng giống như tình yêu, đẹp nhưng không phải ai cũng biết rằng nó đẹp. Tại sao nó đẹp ư? Tôi được dạy trong mỹ học, cái bi là cái tích cực, cái hài lại là cái tiêu cực. Nhiều khi chúng ta cũng tự hỏi nước mắt và buồn đau thì có gì mà đẹp? Nhưng cái bi là bản chất của cái đẹp, nó đẹp ở trong trạng thái mất mát, đau thương, nó khiến con người ta sống cao đẹp hơn…
Đó là một phạm trù rộng lớn mà phải nhiều người, mất nhiều thời gian, qua nhiều bước, nhiều giai đoạn mới có thể hiểu được. Huống hồ chúng ta, vừa mới buồn đau làm sao hiểu được điều đó tốt đẹp như thế nào.
Tôi cứ mong mỏi nỗi buồn sẽ đem đến cho tôi một điều gì đó, trong khi tôi cứ tìm một nơi ẩn nấp. Chúng ta có nhiều cách để ép chặt nỗi buồn lại, để nó không làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của mình. Như chuyện tăng giờ làm, tự gây áp lực thêm cho bản thân, tức giận, cáu gắt, khóc hay thậm chí là cười nói và lặng im. Nhưng rồi thì sao? Điều quan trọng đó chỉ là một giải pháp tạm thời. Tôi tin rằng tôi sẽ không bao giờ hết buồn, không bao giờ thôi cô đơn…Tôi chỉ tạm quên đi nó.
Đó là lý do vì sao có người bảo nếu quá cô đơn, hãy tìm một người lạ tâm sự. Bởi người ta bảo, nếu muốn yêu một người, hãy tìm đường đi tới nỗi buồn của họ. Bởi người ta bảo, nếu không thể chạm đến nỗi buồn của nhau, thì thế giới này chỉ còn là một tinh cầu lạnh lẽo.
Có một người để kể ra vài bí mật mà mình cứ giữ mãi trong lòng, như đeo một tảng đá. Có một người chịu kể cho mình nghe những bí mật của họ, bằng một sự chân thành. Có một người ngồi đối diện hỏi mình rằng: Ngày hôm nay thế nào? Mọi chuyện đơn giản hơn tất cả những gì ta có thể nghĩ. Nhưng vì xa cách quá lâu ngày, các phương tiện hiện đại thay thế cho ngôn ngữ giản đơn cho nên ta quên mất điều đó.
Trái tim của ai, tâm hồn của ai cũng là một nơi bí ẩn đáng để khám phá. Nếu là một người viết, thì điều đó càng hấp dẫn bạn hơn. Nếu là một người bình thường, thì điều đó chắc chắn sẽ khiến bạn bớt cô đơn. Bởi đó là một tâm hồn có gì đó giống như tâm hồn bạn. Những nấm mồ không tên, những tầng sâu tăm tối. Tại sao con người vẫn có những nét chung mà lại không thể thấy gần gũi? Chính là vì không chịu học cách tìm hiểu. Ta cứ trốn tránh và ngồi im một chỗ, ta cho rằng nó xấu xí, ta cho rằng nó là cái tiêu cực đáng để triệt tiêu mà đâu biết, nó đang là động lực để ta vươn lên.
Tuy vậy, thì nỗi buồn vẫn là thứ không dễ để kể ra. Nên đừng vội vàng đi qua một ánh mắt cười vô nghĩa, đừng vội vàng đoán định ai là kẻ khó ưa. Chúng ta một khi đã quan tâm đến nỗi buồn, thì chắc hẳn đều là người đã ở tuổi trưởng thành, cho nên bớt trẻ con và vô tâm đi thôi. Hãy sống với cuộc đời bằng một niềm yêu thương, một niềm say mê. Tìm mọi nẻo đường, tìm mọi sự liên hệ để đến với nhau. Biết đâu ta sẽ thấy hồn mình nở hoa trên một mảnh đất cằn cỗi, và biết đâu có bàn tay nào đó cũng đang gieo những hạt mầm xanh tươi lên mảnh đất cằn cỗi của ta.
Vì không ai muốn khoe nỗi buồn, nên phải tìm được để chiêm ngưỡng nó trong nhau.