Báo cáo của Bộ nêu rõ các điểm mới của kỳ thi năm nay. Cụ thể, trong bối cảnh của dịch bệnh COVID-19, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và lùi ngày tổ chức muộn hơn mọi năm khoảng 2 tháng (tổ chức vào các ngày 8-10 tháng 8 năm 2020).
Kỳ thi được tổ chức với mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để đánh giá công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục và chất lượng dạy, học của trường phổ thông; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Đề thi có nội dung nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch COVID-19; bảo đảm mục đích của Kỳ thi, trong đó mức độ phân hóa của đề thi cũng được điều chỉnh phù hợp.
Theo Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020, học sinh học xong chương trình giáo dục phổ thông nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp "Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông".
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và chịu trách nhiệm chung về kỳ thi; ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT và văn bản hướng dẫn tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức kỳ thi trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và cung cấp đề thi để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước; xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thi ở các địa phương bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan của kỳ thi.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Thanh tra Chính phủ tham gia Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia năm 2020; chỉ đạo và hướng dẫn Thanh tra tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hoạt động của các đoàn thanh tra thi.
Bên cạnh đó, một trong các lưu ý mà thí sinh cần đặc biệt quan tâm trong kỳ thi tốt nghiệp thpt năm nay đó là hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD) cùng diễn ra sáng 10/8.
Như vậy, thí sinh năm nay chỉ được chọn một trong hai bài thi tổ hợp thay vì chọn cả hai bài thi như năm ngoái.
Theo thông tin từ bộ Giáo dục và Đạo tạo, nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, đã được tinh giản phù hợp với bối cảnh học sinh phải nghỉ học thời gian dài vì dịch Covid-19.
Dù vậy, đề thi vẫn có sự phân hoá để đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và bảo đảm cơ hội cho các thí sinh khi có nguyện vọng tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Năm nay, công thức tính điểm xét tốt nghiệp giữ nguyên như năm ngoái. Trong đó, điểm thi tốt nghiệp chiếm 70% và kết quả học 3 năm cấp 3 chiếm 30%. Những thí sinh không đủ điểm để công nhận tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
Ngoài ra, thí sinh lưu ý việc thay đổi lịch thi tốt nghiệp THPT khiến các mốc thời gian liên quan xét tuyển đại học cũng bị lùi lại.
Cụ thể, các trường công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trước ngày 8/9. Từ ngày 9-16/9, thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến. Thời hạn điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là 18/9. Trước ngày 27/9, các trường công bố kết quả xét tuyển đợt 1.