TAND tỉnh Hậu Giang đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 3) đối với bị cáo Huỳnh Hữu Nhơn (SN 1988, ngụ thị trấn Rạch Gòi, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), vào ngày 18/3. Nhơn bị cáo buộc tội Cướp tài sản.
Bị cáo Nhơn tại tòa (phải) và mẹ của nạn nhân Ngân (Ảnh sử dụng nguồn của báo Hậu Giang/báo Giao thông)
Theo báo Pháp luật TP.HCM, tại tòa, bị cáo Nhơn tiếp tục kêu oan, mong tòa đình chỉ điều tra bị can. HĐXX nghị án kéo dài và dự kiến sẽ tuyên án vào sáng 24/3.
Tuyên bị cáo 4 năm tù, kiến nghị điều tra 2 nhân chứng
Theo báo Hậu Giang, vụ án xảy ra vào ngày 17/4/2016. Khi đó, Trần Văn Rồi (SN 1996, ở ấp Tân Long, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp) đi bộ từ nhà đến cầu Tân Hiệp, thuộc xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp. Nhơn chạy xe máy đi qua thấy Rồi nên quay xe lại rủ đi cướp tiền của người bán vé số.
Rồi chở Nhơn đi tìm "con mồi". Thấy ông Nguyễn Hoàng Ngân đi bộ cầm vé số và một túi xách màu đen thì Nhơn xuống xe đạp ông ngã, Rồi giật túi xách của người bán vé số rồi tẩu thoát. Rồi bị bắt ngày 19/4/2016, Nhơn bỏ trốn tới ngày 20/5/2016 bị bắt.
Ghi nhận của báo Giao thông cho hay, thời điểm cả hai giật túi, bên trong có 1,35 triệu đồng, Nhơn chia cho Rồi 300.000 đồng, còn lại tiêu xài và mua ma túy sử dụng.
Cả Rồi và Nhơn đều bị khởi tố về tội Cướp giật tài sản.
TAND huyện Phụng Hiệp tuyên phạt Nhơn 4 năm tù, còn Rồi 3 năm 6 tháng tù, vào tháng 10/2016.
Nhơn sau đó kêu oan, đưa ra thông tin, thời điểm vụ cướp xảy ra, Nhơn không ở Hậu Giang mà đi chở mía thuê cho ông Nguyễn Hoàng Nam ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang.
Báo Hậu Giang thuật lại, trong kháng cáo kêu oan, Nhơn cho rằng ngày 17/4/2016 đang ở tỉnh Kiên Giang, không thể có mặt ở Hậu Giang để cùng Rồi cướp tài sản.
Tới tháng 4/2017, tại phiên phúc thẩm, tòa tuyên hủy một phần án sơ thẩm để điều tra lại.
Ngày 10/1/2019, TAND huyện Phụng Hiệp mở phiên xét xử lần 3, tuyên phạt Nhơn 4 năm tù về tội cướp tài sản. Đồng thời, tòa ra quyết định bắt tạm giam bị cáo Huỳnh Hữu Nhơn ngay tại phiên tòa.
Tờ Pháp luật TP.HCM thuật lại, tại phiên tòa, HĐXX nhận định Nhơn đã rủ rê lôi kéo Rồi tham gia vụ cướp. Bị cáo Nhơn dùng vũ lực cướp tài sản ngay giữa ban ngày, thể hiện sự liều lĩnh, tính chất phạm tội cao, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
Chi tiết đáng chú ý tại phiên tòa tháng 1/2019, đó là tòa kiến nghị khởi tố vụ án và điều tra nhân chứng về dấu hiệu phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối. Hai nhân chứng này là ông Nguyễn Hoàng Nam và bà Phạm Thị Thu Hương.
Luật sư Lâm Văn Khuyển khi đó cho Pháp luật TP.HCM biết, việc tòa ra yêu cầu khởi tố vụ án, điều tra đối với vợ chồng người làm chứng (ông Nam, bà Hương) là quá vội vàng, có thể tạo tiền lệ xấu về sau là những người làm chứng không dám nói sự thật.
"Em bị vướng vào vụ án oan ức, nhiều người bị vạ lây"
Cũng theo báo Pháp luật TP.HCM, trong 6 năm qua, Nhơn hết bị bắt tạm giam rồi được tại ngoại. Gia đình Nhơn đã tan vỡ, trong lần tại ngoại thứ 2, Nhơn kết hôn lần 2, hiện chỉ có thể làm loanh quanh ở địa phương, chờ tòa tuyên án.
"Em bị vướng vào vụ án oan ức này và kéo theo nhiều người bị vạ lây. Những người làm chứng cho em chẳng bà con ruột rà gì nhưng nhiều lần bị mời làm việc. Họ còn lo sợ bị công an áp giải, bắt bớ nên phải gác công việc, đi cả trăm cây số làm việc với các cơ quan tố tụng, hầu tòa cùng em. Em bị oan, "thua là em chung ngay", nhận tội liền chứ không muốn làm phiền đến ai… Tòa kết tội, em sẽ tiếp tục kêu oan", báo Pháp luật TP.HCM dẫn chia sẻ của Nhơn.
Nhơn cho rằng, trước đó bản thân có mâu thuẫn với Rồi nên rất có thể Rồi "ôm hận", muốn đổ oan cho Nhơn.
Báo Hậu Giang ghi nhận, tại phiên tòa phúc thẩm trước đó, ông Nguyễn Hoàng Nam (người làm chứng) khẳng định, 13h ngày 17/4/2016 (ngày vụ cướp xảy ra), ông gặp Nhơn tại bãi xuống mía ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Sau đó Nhơn rời khỏi bãi xuống mía lúc nào thì ông không biết.
Còn bà Phạm Thị Thu Hương (vợ ông Nam) kể, bà là người trực tiếp gặp và làm việc cùng Nhơn ngày hôm đó. Theo bà, Nhơn rời khỏi bãi xuống mía ở xã An Minh Bắc vào khoảng 14h đến 15h ngày 17/4/2016. Ngoài bà, nhiều người ở đó chứng kiến sự có mặt của Nhơn.
Được biết, khoảng cách từ hiện trường vụ án (Hậu Giang) tới nơi các nhân chứng nói gặp Nhơn (Kiên Giang) chừng 100km.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, ông Phạm Văn Lương, người được ông Nam thuê ghi lại công vác mía cho nhân công, cũng khẳng định rằng, chiều 9/3/2016 Âm lịch (tức 17/4/2016 Dương lịch), ghe của Nhơn đã về tới bãi mía nhưng trời tối nên không xuống mía. Một ngày sau đó, Nhơn mới xuống mía và khoảng 15h ngày 11/3/2016 Âm lịch thì Nhơn mới chạy ghe đi.
Một nhân chứng nữa là ông Dương Hoài Sơn cũng khẳng định, khoảng 3h chiều 17/4/2016 (tức 11/3/2016 Âm lịch), Nhơn đóng tiền bến cho ông rồi mới chạy ghe đi.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, tại tòa, ông Nam trình bày: "Lúc tòa chuẩn bị xử lần một, tôi có nghe công an nói là sẽ mời tôi ra tòa làm chứng nhưng khi xử lại không thấy mời và điều tra viên còn nói khỏi phải nộp gì vì đã có nhân chứng buộc tội hết rồi. Lúc này tôi chưa làm tường trình. Sau khi tòa tuyên án, Nhơn làm kháng cáo kêu oan thì tôi mới hay là tòa xử rồi. Thấy Nhơn bị oan nên tôi mới làm tờ tường trình".
Tổng hợp