Cùng vén bức màn bí mật đằng sau thương hiệu adidas với chữ a không bao giờ viết hoa đã chinh phục được biết bao thế hệ yêu thể thao.
Hành trình của người thợ sửa giày…
Trở về sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Adolf, cậu con trai thứ của gia đình Dassler từ vùng Bavaria, Đức được bố - một công nhân cần mẫn làm việc cho nhà máy sản xuất giày – dạy nghề đóng và sửa chữa giày. Trong căn buồng giặt giũ của mẹ, chàng trai với biệt danh Adi đã dùng những vật liệu còn sót lại từ cuộc chiến tranh để chế tác ra những đôi giày chạy bằng vải bố đầu tiên. Không lâu sau đó, người anh trai của Adi là Rudolf Dassler cùng tham gia vào công việc chế tạo giày của em trai. Họ thành lập “Xưởng giày Anh em nhà Dassler”. Trong khi Adolf tập trung vào công việc nghiên cứu và sáng chế, Rudolf chịu trách nhiệm trong mảng kinh doanh.
Adi Dassler tại xưởng giày của mình, năm 1925
Vốn là một người yêu thể thao chân chính, Adi luôn khao khát làm ra những đôi giày thể thao hoàn hảo phục vụ cho các vận động viên, bảo vệ họ khỏi những chấn thương và giúp họ đạt được thành tích tốt nhất. Không chỉ tự mình trải nghiệm các môn thể thao, Adi Dassler còn tạo dựng mối quan hệ thân hữu với các vận động viên thi đấu chuyên nghiệp, trò chuyện để thấu hiểu nhu cầu của họ. Ông luôn bị thôi thúc bởi ý tưởng, một vận động viên chuyên nghiệp phải có được đôi giày thích hợp nhất với họ, chế tác đặc thù cho môn thể thao họ chơi. Vì vậy, tất cả các thiết kế của ông đều dựa trên một nền tảng duy nhất: lấy thể thao làm cốt lõi và không ngừng cải tiến để phục vụ tối ưu cho người chơi thể thao.
Adi Dassler đã đi khắp nơi để gặp gỡ, trao đổi và xin phản hồi từ nhiều vận động viên khác nhau nhằm tạo nên những sản phẩm thể thao hoàn hảo nhất.
Một trong những thành tựu đầu tiên của hiệu giày Anh Em nhà Dassler chính là dòng giày đinh chuyên dụng cho bóng đá sân cỏ đầu tiên trên thế giới. Phần đế và đinh giày có thể tháo rời ra để thay thế khi cần đã làm nên một sự chấn động trong giới thể thao lúc bấy giờ. Ngoài ra, giày chạy điền kinh phục vụ cho các cự ly khác nhau làm từ các chất liệu cải tiến để giảm trọng lượng tối đa cũng là một sản phẩm chính trong những năm đầu khởi nghiệp của anh em nhà Dassler.
Đôi giày chạy điền kinh Adi Dassler làm riêng cho nữ vận động viên Lina Radke, người được huy chương vàng Olympic 1928 ở đường chạy 800m nữ.
… trở thành nhà sáng lập thương hiệu toàn cầu
Kỳ thế vận hội Oplympics năm 1936 là một cột mốc đã làm nên lịch sử cho Adi Dassler và hãng giày của ông khi vận động viên người Mỹ gốc Phi Jesse Owens tham gia các đường chạy điền kinh tại Berlin. Vượt qua tất cả những rào cản mang tính chính trị lúc bấy giờ như màu da, khả năng Jesse sẽ đạt thành tích cao hơn các vận động viên nước Đức chủ nhà… , Adi đã làm mọi cách để Jesse Owens chấp nhận mang giày chạy Dassler lúc thi đấu. Và vận may đã mỉm cười với cả hai khi Jesse Owens đã gặt hái đến 4 huy chương vàng, phá 5 kỷ lục thế giới trong kỳ Olympics đó và trở thành huyền thoại trong làng điền kinh thế giới.
Hình từ những di vật Adi Dassler để lại: Ảnh Jesse Owens đang thay đôi giày Adi Dassler đã làm riêng cho ông; bức ảnh bị chụp đè hai lần do cuộn phim quấn không đúng cách.
Tiếng lành đồn xa, từ thành công vang dội đó của Adi Dassler và Jesse Owens, ngày càng có nhiều vận động viên mong muốn được trở thành khách hàng của thương hiệu giày đến từ ngôi làng nhỏ miền Nam nước Đức. Công việc kinh doanh tưởng chừng như đang rất thuận lợi thì chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra dẫn theo một loạt các biến cố trong doanh nghiệp giày của Anh Em nhà Dassler. Năm 1949, nhận ra hai anh em không còn đồng chí hướng, Adi đã thiết lập tên riêng cho thương hiệu giày của mình là adidas – kết hợp biệt danh và họ của ông, trong khi người anh Rudolf thì ra đi với thương hiệu Puma.
Trong những năm tiếp theo một mình lèo lái thương hiệu, Adi vẫn trung thành với sứ mệnh ban đầu của mình, đó chính là tập trung vào công năng sản phẩm; không ngừng tìm tòi các chất liệu mới, cải tiến công nghệ để cho ra đời các sản phẩm tối ưu nhất cho thể thao đỉnh cao. Với biểu tượng ba sọc đặc trưng, adidas liên tục gặt hái những thành công đáng ngưỡng mộ. Năm 1952, trở thành thương hiệu thể thao Đức được sử dụng nhiều nhất tại Olympics Helsinki. Năm 1960, 75% các vận động viên chạy bộ đều sử dụng giày adidas. Năm 1962, adidas thống trị World Cup tại Chile khi mỗi trận đấu đều có cầu thủ sử dụng giày.
Trong suốt các thập niên 60 và 70, giới mộ điệu thể thao liên tục chứng kiến những màn ra mắt các sản phẩm mang tính cách mạng như đôi giày chạy Tokyo 64 nhẹ nhất thế giới, quần áo thể thao hoạ tiết 3 sọc mang tính biểu tượng hay quả bóng adidas Telstar được dùng chính thức trong World Cup. Những sản phẩm ngôi sao này cho đến hôm nay vẫn chưa bao giờ hết giá trị bởi nó biểu trưng cho một tinh thần thể thao chân chính, tiếp sức cho các vận động viên vươn đến đỉnh vinh quang.
Adi Dassler cầm trên tay đôi “Miracle of Berne” được đội tuyển bóng đá Tây Đức mang thời bấy giờ, năm 1954.
Có thể nói, Adi Dassler với tất cả tâm huyết và tài năng của mình đã gầy dựng một triều đại hoàng kim cho adidas. Đặt thể thao làm giá trị cốt lõi cho cả thương hiệu và chưa bao giờ đi chệch hướng trong hơn 50 năm lèo lái adidas, Adolf “Adi” Dassler đã liên kết từng cá nhân trong công ty, nâng đỡ các vận động viên và truyền cảm hứng cho người hâm mộ bằng chính tinh thần thể thao thuợng võ của mình.
Thế nhưng, khi ông qua đời năm 1978 cũng là lúc cả đế chế adidas sang đến một bước ngoặt mới, cam go hơn, thậm chí đối mặt với sự suy thoái và xuống dốc không điểm dừng.
Đón xem kỳ 2 để khám phá chương tiếp theo của câu chuyện thương hiệu adidas, khi người thủ lĩnh tài năng đã không còn.
Kỳ 2: adidas đã vượt qua khủng hoảng bằng cuộc lội ngược dòng ngoạn mục như thế nào?