Kinh qua hơn 600 năm tồn tại, Tử Cấm Thành từng xảy ra hỏa hoạn và sét đánh, nhưng vì sao chưa bao giờ bị ngập úng?

Trung Hạ, Theo Thể Thao Văn Hoá 22:51 12/01/2023

Ngoài thiết kế, các quan viên phụ trách xây dựng Tử Cấm Thành lúc bấy giờ cũng rất coi trọng việc kiểm soát lũ lụt.

Cố cung, hay Tử Cấm Thành, là nơi ở của các Hoàng đế của hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh Trung Quốc. Hơn 600 năm, 24 vị Hoàng đế đã sống tại cung điện nguy nga này. Suốt thời gian đó, Tử Cấm Thành đã kinh qua vô số trận hỏa hoạn lớn, sét đánh dữ dội, nhưng chưa bao giờ bị ngập lụt.

Đến nay, mỗi độ Bắc Kinh bước vào mùa mưa, nhiều con đường trong thành phố sẽ bị ngập lụt, nhưng Cố cung ở Bắc Kinh đã có lịch sử hơn 600 năm chưa bao giờ bị ảnh hưởng, điều này cho thấy hệ thống thoát nước của Tử Cấm Thành hoạt động thực sự có hiệu quả.

Kinh qua hơn 600 năm tồn tại, Tử Cấm Thành từng xảy ra hỏa hoạn và sét đánh, nhưng vì sao chưa bao giờ bị ngập úng? - Ảnh 1.

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu bí mật về "600 năm vẫn khô ráo" của Tử Cấm Thành.

Tử Cấm Thành được xây dựng theo lệnh của Hoàng đế Minh Thành Tổ thời nhà Minh. Nơi đây trở thành cung điện Hoàng thất trong hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Song không có bất kỳ ghi chép về việc Tử Cấm Thành bị ngập úng. Điều này khiến các công trình kiến trúc về sau của Trung Quốc không khỏi lấy làm xấu hổ vì thua xa trí tuệ trong xây dựng của người xưa.

Trong cuốn sách lịch sử Minh Anh Tông Thực Lục đã ghi lại tình hình sau trận mưa lớn ở Bắc Kinh: "Tháng 7 năm Cảnh Thái thứ năm (1454), trời mưa to ở kinh đô, nhiều cổng trong số chín cổng thành bị sập". Vào thời điểm đó, các cửa thành đã sụp đổ nhưng Tử Cấm Thành vẫn ổn. Tại sao Tử Cấm Thành lại không mảy may bị ảnh hưởng bởi trận mưa bão lớn như vậy?

Theo nhiều thống kê và phân tích, các nhà nghiên cứu lịch sử đưa ra 3 lý do:

1. Vị trí địa hình

Kinh qua hơn 600 năm tồn tại, Tử Cấm Thành từng xảy ra hỏa hoạn và sét đánh, nhưng vì sao chưa bao giờ bị ngập úng? - Ảnh 2.

Địa hình thành phố Bắc Kinh cao ở phía Tây Bắc và thấp ở phía Đông Nam. Khi Tử Cấm Thành được xây dựng, người thợ thời đó đã lợi dụng điểm này để làm cho mực nước trong Tử Cấm Thành chênh lệch 2 mét từ Bắc xuống Nam. Nước chảy từ cao xuống thấp, nước tụ trong hào và trở thành sông hộ thành bao quanh Cố cung ngày nay. Dù mưa lớn đến mức nào, nước cũng cứ thế trôi chảy và hòa vào hệ thống sông hộ thành.

Ngoài ra, những viên gạch lát nền của Tử Cấm Thành cũng rất đặc biệt. Loại gạch lát này có thể hút hết nước mưa, khiến nước nhanh chóng thẩm thấu vào lòng đất rồi hòa vào nguồn nước ngầm trong vòng chưa đầy 3 phút sau khi mưa tạnh. Chi tiết này thể hiện trí tuệ cao minh của người Trung Quốc xưa khi xây dựng cung điện cho Hoàng thất thời bấy giờ.

2. Hệ thống thoát nước hoạt động hiệu quả

Lợi dụng địa hình để thoát nước tuy đúng đắn nhưng không đủ. Tử Cấm Thành tồn tại vững chãi sau nhiều trận bão lũ còn phụ thuộc vào hệ thống thoát nước.

Hệ thống thoát nước trong Tử Cấm Thành cực kỳ phức tạp, có cái lộ diện ra ngoài, có cái được thiết kế ngụy trang khiến bạn không thể ngờ rằng nó được dùng để thoát nước. Ngoài những rãnh dẫn nước và lỗ thoát nước, Tử Cấm Thành còn có những vật hình "đầu rồng phun nước".

Cụ thể hơn, các đầu rồng bạn đang thấy trên ảnh chính là ống thoát nước, mặt dù tiết diện ống nhỏ, dòng nước chảy ra cũng nhẹ nhàng tinh tế, nhưng Cố cung sử dụng "ưu thế số lượng". Nếu để ý, bạn sẽ thấy vô số đầu rồng này ngoài khu vực khuôn viên và bên ngoài những cung điện lớn.

Thiết kế này vừa tạo nên khung cảnh đặc sắc vào mùa mưa trong tổng thể kiến trúc Tử Cấm Thành, vừa đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thoát nước, giúp cung điện Hoàng thất vượt qua những trận bão lũ hoành hành.

3. Cái tâm và trí tuệ của người thợ

Tử Cấm Thành là nơi sinh sống của Hoàng đế, nếu Hoàng đế không hài lòng sẽ bị chém đầu, vì vậy những người thợ xây dựng nơi đây đã rất nỗ lực và thận trọng.

Tiếp theo, chúng ta nói về thiết kế của các tòa cung điện trong Tử Cấm Thành. Bệ thềm nhô lên cao của mỗi cung điện được người thời bấy giờ thiết kế để làm nổi bật vẻ tráng lệ, cũng vừa để ngăn tình trạng đọng nước chảy vào điện xảy ra. Nhưng không ai có thể nói liệu mục đích thiết kế chính của những người thợ thủ công lúc bấy giờ có phải là chống ngập lụt hay không và hiệu ứng hình ảnh hùng vĩ có phải là ngẫu nhiên hay không.

Kinh qua hơn 600 năm tồn tại, Tử Cấm Thành từng xảy ra hỏa hoạn và sét đánh, nhưng vì sao chưa bao giờ bị ngập úng? - Ảnh 5.

Ngoài ra, dưới đáy bệ thềm có nhiều lỗ thoát nước, có thể dẫn nước vào các rãnh được xây dựng chéo nhau ở những nơi lộ và ẩn trong thành phố. Nước trong các rãnh chảy vào sông Kim Thủy, hệ thống thoát nước của sông Kim Thủy có thể kiểm soát tốt mực nước và lượng nước dư thừa được thoát vào sông hộ thành.

Nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng đất thấm trong các biện pháp kiểm soát lũ lụt ngày nay và Tử Cấm Thành đã hiện thực hóa thiết kế thông minh này từ 600 năm trước. Người thợ đã nới rộng các khoảng trống giữa các viên gạch lát nền để nước mưa có thể thấm thẳng xuống đất.

Ngoài thiết kế, các quan viên phụ trách lúc bấy giờ cũng rất coi trọng việc kiểm soát lũ lụt, do đó đã đầu tư rất nhiều nhân lực và vật lực vào việc theo dõi để giữ cho các con mương không bị tắc nghẽn. Nổi tiếng nhất là Quang Tự đế đã chi 220.000 lượng bạc để làm sạch rác bẩn trong hệ thống mương nước và làm sạch sông Kim Thủy.

Nguồn: Sina