Ngày 19/2, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, khô hạn khốc liệt đã gây sụp lún, sạt lở đất trên diện rộng tại huyện Trần Văn Thời.
Tuyến đường phòng hộ đê biển Tây Cà Mau bị sụp lún vừa xảy ra, làm hư hỏng hoàn toàn hơn 100m.
Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, lún sụp, sạt lở đất xuất hiện hơn 1.000 điểm, hơn 22 km.
Tuyến đê biển Tây Cà Mau bị chia cách sau vụ sụp lún mặt đường được xây dựng kiên cố
Cụ thể, sụt lún làm hư hỏng hơn 100 tuyến đường bê- tông cốt thép, với hơn 500 điểm, chiều dài hơn 13 km. Hiện tượng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch ở vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời đã phá huỷ đường giao thông, các công trình dân sinh với tổng chiều dài hơn 10 km.
Nhiều điểm sụp lún, sạt lở nguy hiểm đang xảy ra tại huyện Trần Văn Thời
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân sụp lún, sạt lở đất trên diện rộng tại huyện Trần Văn Thời.
Tuyến đường Tắc Thủ- Vàm Đá Bạc liên tục xuất hiện điểm sụp lún, sạt lở đất
Ông Dư Minh Hùng, GĐ Sở Xây dựng Cà Mau nhận định, khô hạn kéo dài, các tuyến kênh bị cạn nước, áp lực nước vào bờ giảm, chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước kênh rạch rất lớn gây sụp đất, sạt lở đất.
Những vết nứt chưa dừng lại, có dấu hiệu lan rộng
Ông Hồ Hoàn Tất, GĐ Sở GT- VT Cà Mau cho biết, sẽ có khảo sát để tìm nguyên nhân nhưng có thể khẳng định hiện tượng sụp lún, sạt lở đất là do khô hạn, làm đất khô nhót, độ rỗng lớn của vùng đất yếu gây ra.
Sạt lở đất làm hư hỏng nhà cửa, tài sản dân cư ven sông rạch
Trước mắt, chính quyền địa phương rào chắn, cắm biển cảnh báo, cấm xe cộ lưu thông để tránh tai nạn do sụp lún, sạt lở đất gây ra.
Giao thông đường thuỷ tê liệt, đường bộ bị chia cách do sụp lở đất.
Dự báo, hiện tượng sụp lún, sạt lở đất còn diễn biến phức tạp khi mùa khô hạn còn kéo dài, chưa đạt đỉnh và sẽ sạt lở đất đầu mùa mưa.