Còn hơn 1 tháng nữa sẽ sang năm mới Dương lịch và hơn 2 tháng nữa là tới Tết Âm lịch. Nhưng với nhiều người làm kinh doanh hay mua bán thì thời điểm này là lúc đã sẵn sàng cho các kế hoạch như xả hàng cũ, nhập hàng mới, phỏng đoán xu hướng và trend mới cho dịp Tết năm nay.
Ngoài là một nhân viên ngân hàng, chị Hà Linh (35 tuổi, Hà Nội) còn tranh thủ kinh doanh một số loại đồ uống nhập khẩu. Thời điểm Tết năm 2023, có khách hàng ngỏ lời muốn nhờ đóng thành một số hộp quà có cả đồ uống lẫn bánh, kẹo. Nhân tiện cơ hội, chị mới bắt đầu nhập thêm một số mặt hàng và đóng giỏ quà theo yêu cầu.
Hỏi về mùa Tết năm trước, chị Linh cho biết cho đến bây giờ vẫn còn nhớ cảnh luôn chân luôn tay, ngày đi làm, đêm về đóng đơn từ khuya tới sáng cho khách. “Sản phẩm chính của chị bán là đồ uống, mà đóng giỏ quà còn cần thêm bánh, kẹo, chè, thuốc… Lúc đó chưa có nguồn cố định nên tìm kiếm vất vả lắm, cứ giờ trưa là tranh thủ đi lùng mọi nơi, từ trên mạng đến các cửa hàng. Về rồi thì còn phải cân đong đo đếm sao cho hợp lý”, chị kể.
Nhưng hộp quà đơn giản chị Linh làm theo yêu cầu của khách.
Cũng vì bán hàng nhập, đồ uống xịn, có thương hiệu nên nếu xếp cùng với các loại bánh kẹo tầm thấp hơn thì không cân xứng. Mà bánh kẹo xịn quá thì giá giỏ quà lại bị độn lên quá cao, khách hàng sẽ ý kiến ngay. “Ban đầu chị chỉ muốn bán set hộp 2 chai đồ uống đựng trong hộp đẹp thôi, nhưng khách nào thấy hình mẫu giỏ quả đăng lên cũng muốn phải làm cho chị có cả rượu lẫn bánh như vậy. Thành ra cả Tết lại chuyển sang đóng giỏ quà có cả bánh trái. Mà đâu chỉ vài ba mẫu, mỗi khách còn thích mix màu này, màu kia, bánh hãng này hãng kia, gần như mỗi giỏ lại một kiểu khác nhau”, chi Linh nói.
Hơn nữa, theo chị Linh, thường thì khách sẽ tập trung lấy vào thời điểm trước Tết, có lúc lấy dồn dập vào một ngày nên chị phải huy động gần như hết cả người thân, bạn bè giúp sức. “Ban đầu chị vẫn đóng giỏ quà chính nhưng sau còn bận đi làm tới tận 27 Tết nên cứ nhập đồ về, ban ngày nhờ em gái, em trai phụ giúp, tối về đi ship cho khách".
Theo chị Linh, thực ra làm giỏ bánh kẹo cũng không quá khó mà lại rất thông dụng. Ban đầu chị cũng chỉ dám nhận xếp vào hộp mà người ta phân chia kích thước sẵn cho các sản phẩm, nhưng sau đã tìm được mẹo xếp giỏ quà. Hầu như chị Linh và em gái đều tham khảo một số mẫu trên mạng rồi thay đổi sao cho hợp với sản phẩm của mình. Bí kíp chính là mình cần chuẩn bị thêm những loại hộp nhỏ, hộp trống có độ cao và kích cỡ khác nhau để làm giá đỡ. Ngoài ra, việc gắn thêm phụ kiện và đóng bao bì sẽ tốn thêm chút thời gian, nhưng chỉ cần có 2 người trở lên phối hợp thì quá trình làm sẽ trơn tru hơn.
Khó khăn nhất khi làm giỏ quà đồ nhập khẩu là phải cân đong đo đếm sao cho vừa ý khách về cả sản phẩm lẫn giá thành. (Lưu ý: Trong hình là giá của Tết 2023). Ảnh: NVCC
Về nguồn khách hàng, chị Linh cho biết vì có mối quan hệ từ trước nên vẫn có những đơn ổn định từ năm ngoái và năm nay họ vẫn tiếp tục đặt rồi. "Vì mình không tốn tiền thuê mặt bằng, mà hàng nhập số lượng lớn vẫn được giá sỉ, mặc dù cũng có một số đơn gấp, nhưng phải công nhận rằng có lãi, so sánh với tiền thưởng Tết năm ngoái từ công việc chính thì gấp 3 lần".
"Từ khoảng tháng 10 năm nay là chị đã liên hệ trước với các mối hàng, có khách đặt đơn trước nên chị báo số lượng hàng nhập trước, mối cam kết giữ nguyên mức giá nhập các sản phẩm cho đến tháng 01/2024, còn sau đó sẽ tùy vào cước phí mà có thể sẽ cao hơn đôi chút. Nhưng năm nay các giỏ quà sẽ tăng giá khoảng 20.000đ - 40.000đ so với năm ngoái đấy thì giá nhập các nguyên liệu từ khung, phụ kiện hay bánh, kẹo đều cao hơn", chị Linh cho hay.
Khảo sát một vòng trong các hội nhóm kinh doanh online thì đa phần, những chị em đã có kinh nghiệm kinh doanh thức thời từ Tết năm ngoái vẫn giữ nguyên ý định cho Tết năm nay. Không những vậy, họ còn lên kế hoạch sớm hơn khi lúc này đã rủ nhau tham gia các lớp học về sắp xếp giỏ quà bánh kẹo hay mở các buổi trao đổi, giới thiệu về nguồn hàng.
Chị Hoàng Nga (31 tuổi, Quảng Ninh) đã trả số tiền 3 triệu cho 4 buổi để học lớp gói giỏ hoa quả để gia nhập thị trường Tết năm nay "Nhà mình vẫn bán hoa quả và gói giỏ cho khách quanh năm. Tuy nhiên, năm nay mình thấy có lớp học dạy những mẫu mới rất đẹp mà còn chia sẻ mẹo sắp xếp nên đi học thêm, cũng là cơ hội giao lưu với những người cùng chung mục đích. Mọi người nghe thấy bảo đi học thì cũng cười bảo cứ làm quen tay đi làm gì cho phí, nhưng mình thấy hoàn toàn xứng đáng" .
Chị Nga thực hành ở một lớp học sắp giỏ quà hoa quả Tết 2024.
"Tới đây, mình được các cô, các chị chia sẻ về kinh nghiệm chọn kích thước quả và hoa sao cho giỏ quả lúc nào cũng thật cân đối, kinh nghiệm sắp xếp quả kèm cả đồ uống, chè, thuốc để khi khách di chuyển không bị dập nát và cả sắp xếp quả theo màu phong thủy hay ý nghĩa mà khách yêu cầu. Có những chị khách muốn làm giỏ toàn quả màu xanh, toàn quả màu vàng chẳng hạn", chị Nga nói thêm.
Theo chia sẻ của các chị em làm giỏ quà theo quy mô nhỏ lẫn công ty chuyên nhận số lượng lớn cho biết: "Tình hình năm nay chuẩn bị sớm một phần để đón đầu, tranh thủ nhập hàng để có được mức giá tốt hơn do tình hình năm nay mọi người sẽ rất tiết kiệm. Hồi 1 - 2 năm trước vào khoảng tháng 11 là mình đã nhận vài trăm đơn đặt làm giỏ quà, set quà từ các công ty, doanh nghiệp dành tặng đối tác, khách hàng. Còn năm nay, tính đến thời điểm hiện tại các đơn vị là "khách ruột" vẫn báo đang chờ sếp cân đo chi phí và hẹn phải đến giữa tháng 12 mới có thể phản hồi chính xác" - Bích Diệp, Founder công ty đóng gói quà tặng tại TP.HCM cho biết.
Ảnh minh họa.
Các loại giỏ quà kết hợp từ hoa và quả của các tiệm chuẩn bị cho mùa Tết năm nay. Ảnh: Sena.
Ngoài ra, xu hướng gói giỏ quà cũng ngày càng đòi hỏi cao về hình thức như cách phối màu, chất liệu đóng gói. "Năm nay giỏ quà ưu tiên những thứ dễ sử dụng, ví dụ như trái cây nhập khẩu, các thể loại nước đóng chai bằng thủy tinh, đồ khô, yến khô, yến chưng,... còn bánh kẹo đa phần khách chỉ muốn đệm vào cho giỏ quà đầy đặn thêm. Nên lúc gói cũng khá khó để các thứ không bị rơi rớt, hay hư hỏng trong quá trình vận chuyển" - chị Diệp cho biết thêm.