Kikujiro là một bộ phim sản xuất năm 1999 của Takeshi Kitano - đạo diễn, diễn viên, biên kịch, dựng phim, danh hài, nhân vật truyền hình, tác giả sách, ca sĩ, họa sĩ, nhà sáng tạo video game nổi tiếng người Nhật Bản. Các cụ có câu "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề", nhưng cái "gắt" ở đây là Kitano có hơn chín nghề, song nghề nào cũng chín cả. Ông nổi tiếng ở quy mô quốc tế với vai trò đạo diễn, chuyên trị chủ đề yakuza đầy bạo lực và đẫm máu. Ông đã từng giành được một giải Sư Tử Vàng với Hana-bi (Pháo hoa) năm 1997 - một phim thuộc dòng này.
Hai năm sau khi nổi đình nổi đám với Hana-bi, Kitano cho ra đời một phim khiến giới phê bình quốc tế "ngã ngửa" vì độ… không liên quan - Kikujiro. Đánh giá của nhà phê bình trên trang Rottentomatoes chỉ dành cho bộ phim con số 60% (trong khi đánh giá của khán giả vô cùng tích cực: 92%). "Đây không phải là một bộ phim mà Kitano nên làm" - Một nhà phê bình viết. Thế nhưng, có lẽ đây mới chính là bộ phim Kitano nên làm, bởi nó gần với con người ông hơn cả. Cần phải biết rằng, ở Nhật, Kitano nổi tiếng nhất là với vai trò danh hài, dưới cái tên Beat Takeshi. Kikujiro là một đứa con tinh thần hoàn hảo của hai "nhân cách": đạo diễn Kitano Takeshi và danh hài Beat Takeshi. Cái tên Kikujiro cũng mang tính chất vô cùng cá nhân, bởi đó là tên cha ông - một người ham mê cờ bạc và là nguồn cảm hứng khiến ông làm nên bộ phim này.
Có lẽ bạn đang muốn biết Kikujiro thuộc thể loại phim gì. Thì đây: Phim hành trình nhưng nhân vật lại "đứng" nhiều hơn "đi", và khi đạt được "điểm cuối" thì phim không kết thúc mà lại rẽ ngang. Phim hài nhưng hai nhân vật chính một thì buồn xo, một thì cau có. Phim gia đình nhưng hầu như chỉ toàn người lạ tương tác với nhau. Cách kể chuyện lạ lùng kết hợp với nhiều lựa chọn camera đầy tính thử nghiệm; nhưng Kikujiro lại không hề khó xem. Ngược lại, nó rất dễ yêu, trong trẻo và mát lành như những cơn mưa đầu hạ. Câu chuyện trên bề mặt chỉ đơn giản là về một cậu bé đi tìm mẹ, nhưng ẩn dưới đó là những lớp nghĩa liên quan đến con người và xã hội Nhật Bản ở thời điểm chênh vênh giữa hai thế kỷ 20 - 21.
Khác với hành trình trong những bộ phim khác, hành trình trong Kikujiro không xảy ra trong thời gian thực. Nó là những miếng ký ức được phân loại và sắp xếp gọn gàng trong cuốn nhật ký bằng ảnh của cậu bé Masao (Yusuke Sekiguchi thủ vai). Bản thân cuốn nhật ký cũng là một sản phẩm của trí tưởng tượng, bởi suốt cả hành trình, chúng ta không hề thấy Masao cầm máy ảnh. Hơn nữa, những bức ảnh trong cuốn nhật ký cũng không thể nào chụp được, ngay cả khi cậu bé có một chiếc máy ảnh ngoài khung hình.
Gợi nhớ đến những bộ phim hoạt hình cổ tích kể bằng quyển sách lật mở, hành trình trong Kikujiro càng mang đậm tính không thực. Đó là hành trình của ký ức, được nhớ lại qua bộ não non nớt của một đứa trẻ lần đầu tiếp xúc với thế giới. Nó cố gắng nắm bắt mọi thứ bằng việc chia nhỏ một mớ hỗn độn, gạn lọc lấy thứ ấn tượng nhất và đóng khung lại thành các bức ảnh. Có thể thấy, tiêu chí phân loại cơ bản nhất của nó là dựa theo nhân vật, ngầm cho thấy con người của người lớn có thể ảnh hưởng đến trẻ con mạnh mẽ như thế nào. Những dòng chú thích ảnh được nó chua thêm như "Ông Đáng Sợ", "Chú Tốt Bụng", "Chú Béo", "Chú Trọc"... - đậm tính ấn tượng và cảm xúc cá nhân - càng nhấn vào điều này. Bản thân ký ức đã bao hàm cả cảm xúc, nhưng người viết muốn tách chữ cảm xúc ra vì vai trò nổi bật của nó trong hành trình của phim.
Nếu không quen xem phim Nhật, bạn sẽ thấy nhịp độ Kikujiro đều đều, không thấy cao trào cảm xúc (khác phim Hài Tết của Trường Giang hay Trấn Thành một trời một vực). Điều này liên quan đến một loại hình nghệ thuật mà đạo diễn Kitano đưa vào phim: Kịch Kabuki. Nét đặc trưng nhất của Kabuki là Mie - khi diễn viên được "dừng hình" để khán giả được nhìn kỹ cảm xúc mãnh liệt đang được kìm nén trong điệu bộ của anh ta. Xác định diễn viên chính, cũng như đánh giá một diễn viên giỏi, chính là qua tư thế Mie này. Người được "Mie" nhiều nhất phim là nhân vật ông chú (Takeshi Kitano tự đóng), ngầm báo hiệu rằng đây mới là nhân vật "tâm điểm" của bộ phim.
"Dừng hình" là một lựa chọn camera không mới, đặc biệt khi nó là sản phẩm vay mượn từ kịch Kabuki. Tuy nhiên, cách Kitano sử dụng nó trong phim để kể câu chuyện điện ảnh của ông thì lại vô cùng mới mẻ. Những bức ảnh trong cuốn nhật ký của Masao, thoạt trông thì tưởng ảnh tĩnh, nhưng nhìn được vài giây, khán giả bỗng thấy nó… động đậy. Hóa ra nó cũng là một kiểu "dừng hình". Với hai kiểu "dừng hình" khác nhau như thế, ta hiểu ra câu chuyện ở đây được kể từ hai người: Masao và ông chú; chứ không phải chỉ mình Masao. Ví dụ, cùng một nhân vật "Ông Đáng Sợ" nhưng Masao "dừng hình" ở cảnh ông ta mặc complet đóng thùng lịch sự, còn ông chú lại "dừng hình" ở cảnh ông ta te tua máu me sau khi bị đập cho một trận nên thân. Hai nhân vật chính của chúng ta, người này không hề biết khoảnh khắc "dừng hình" của người kia, mỗi người chỉ nắm được một góc câu chuyện ở phía mình.
Khoan đã, bạn nghĩ có hai người kể chuyện ư? Ồ không, có tận ba cơ. Người còn lại là một kẻ bí ẩn theo dõi câu chuyện của hai chú cháu. Ở một cảnh, Kitano đồng hóa "người" này vào một con chuồn chuồn, thể hiện qua cảnh quay chiếc xe ô tô bằng góc nhìn của một đôi mắt kép. Với góc nhìn thứ ba này, câu chuyện được trở nên khách quan và đầy đủ hơn.
Câu chuyện bắt đầu với một cậu bé tên Masao. Bố mất sớm, mẹ đi làm xa, Masao phải sống với bà. Hè đến, bạn bè đi nghỉ mát với gia đình, bà lại bận bịu ở cửa hàng bánh, Masao chẳng còn ai chơi cùng. Buồn chán và cô đơn, Masao nảy ra ý định đi tìm người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết mặt, dựa trên địa chỉ của một bưu phẩm được gửi tới nhà mình. Khăn gói quả mướp đi được vài mét thì Masao bị đám choai choai gần nhà chặn lại đòi "trấn lột", may nhờ được cặp vợ chồng hàng xóm "giải cứu". Cảm thương hoàn cảnh cậu bé, bà vợ bắt ông chồng đưa cậu đi gặp mẹ, cùng với một khoản tiền đủ để hai chú cháu đi đến nơi về đến chốn. Ông chú vốn bản tính chơi bời, vừa cầm tiền liền nướng vào cờ bạc, hộp đêm, nhậu nhẹt… không đoái hoài gì đến trách nhiệm của mình đối với Masao. Chỉ cho đến khi Masao bị một "Ông Đáng Sợ" dẫn đi và suýt bị lạm dụng tình dục thì ông chú mới tỉnh ngộ và quyết tâm chuộc lỗi với cậu bé. Thế là hành trình của hai chú cháu bắt đầu, với một hầu bao gần như rỗng tuếch.
Ngay từ tình huống truyện, bộ phim đã buồn cười (và buồn) như vậy. Với bước ngoặt đầu tiên là một biến cố đau buồn liên quan đến tình dục - một yếu tố mang tính biểu tượng thường xuất hiện trong các tác phẩm bàn đến sự trưởng thành của con người, Kikujiro mang suy tưởng về sự trưởng thành khá rõ nét. Cả bộ phim, chúng ta sẽ thấy những người lớn nỗ lực như thế nào để cứu lại tuổi thơ của Masao, đồng thời lại vô tình giải thoát ông chú khỏi cái "tuổi thơ" mà ông mắc kẹt để trở thành một người đàn ông trưởng thành.
Kikujiro - tên phim - là một cái tên không đầy đủ để giới thiệu phim ra thị trường quốc tế. Tên đầy đủ trong tiếng Nhật của phim là "Mùa hè của Kikujiro", mang ý niệm về sự trưởng thành rất mạnh; bởi mùa hè thường gắn với tuổi thơ, tuổi trẻ cũng như sự bắt buộc trưởng thành (cùng với sự kết thúc của năm học). Ông chú đúng là kiểu người "có lớn mà chẳng có khôn". Những hành động nghịch ngợm của ông ở một lễ hội mùa hè đã thể hiện điều đó: trò bắn rơi thú bông thì lấy đá ném, trò vợt cá thì lấy bát múc… và kết cục là sinh sự với ban quản lý (kiêm bảo kê) khu chợ, bị chúng đánh cho một trận nên thân. Lễ hội kết thúc, cùng với câu hạ mình xin xỏ của ông chú "Tao còn cháu bé. Bọn mày bỏ qua được không?" đã đánh dấu sự bắt đầu trưởng thành của ông, cùng với việc nhìn nhận Masao như con của mình. Sau đoạn này, hai chú cháu bắt đầu kết bạn với những người lạ dọc đường, cùng chơi đùa và chuẩn bị hành trình trở về. Cuối cùng, mục đích tìm mẹ không đạt được, nhưng hai mục đích khác lại vô tình đạt được: Nụ cười hồn nhiên của Masao và cái đầu khôn lớn của ông chú.
Người mẹ trong Kikujiro không đơn giản là một con người, mà là một biểu tượng. "Mẹ" thường gắn với "nhà", là cảm giác trọn vẹn và "thuộc về". Trong phim, có ba người mẹ được nhắc đến: Mẹ của Masao đi làm xa, chưa bao giờ về gặp con; Mẹ của ông chú bỏ đi "theo giai"; Mẹ của vợ ông chú kết hôn tới ba lần. Hoàn cảnh của ba người này đều thể hiện liên kết vô cùng lỏng lẻo giữa họ và con mình. Người mẹ là mối liên kết đầu tiên và cơ bản nhất của mỗi đứa trẻ trong cuộc đời, mà khi mối liên kết này đứt gãy, đứa trẻ sẽ rơi vào trạng thái bơ vơ lạc lõng khó mà bù đắp nổi. Điều này có thể lấy thực tế ra dẫn chứng, đó là tình trạng những đứa trẻ được nhận nuôi, dù được gia đình yêu thương như thế nào vẫn đau đáu mong muốn đi tìm cha mẹ ruột của mình khi trưởng thành.
Khi Masao mơ lại chuyện bị "Ông Đáng Sợ" làm hại, cậu bé tưởng tượng ra mẹ mình đứng đó, chứng kiến nhưng không làm gì. Bà chỉ rơi nước mắt và quay mặt đi. Masao nhìn thấy mặt mẹ rất rõ, dù cậu chưa bao giờ gặp mẹ. Tại sao cậu không mơ thấy người bà ở nhà - người đã nuôi lớn mình, hay ông chú - người đang ở bên cạnh và bảo vệ cho mình? Trong vô thức, mối liên kết của cậu bé với mẹ vẫn là mạnh nhất, dù đó chỉ là tình cảm một chiều. Có lẽ chẳng cần đến khi gặp mẹ, Masao đã biết mình là đứa trẻ bị mẹ từ chối, nên khuôn mặt cậu mới luôn buồn bã như vậy. Mọi nỗ lực của ông chú và những người lớn dọc đường đều là để bù đắp liên kết bị đứt gãy đó bằng những liên kết khác. Chắc chắn là không bù đắp được hết, nhưng cũng được một phần nào đó, vì bộ phim khép lại với nụ cười và dáng chạy tung tăng của đứa nhỏ, khiến khán giả cũng thấy nhẹ lòng và vui vui đến lạ.
Ta tự hỏi, tại sao ông chú lại thành một gã vô công rồi nghề và tính tình lưu manh như ngày hôm nay? Cậu bé Masao, nếu không có ông chú và những cô chú "người qua đường" - mà quan trọng nhất là chú Tốt Bụng, chú Béo và chú Trọc chịu "hi sinh tất cả vì đứa trẻ" - thì Masao có lạc lõng đến mức lạc lối, rồi trở thành như ông chú không?
Có lẽ là có. Vì Masao chính là sự phản chiếu của ông chú ngày nhỏ (Đơn cử như chi tiết mẹ của ông chú cũng sống ở nơi mẹ Masao sống). Ông chú đã có thể tốt hơn, nếu không bị khuyết thiếu tuổi thơ và những mối liên kết với người khác.
Cùng với nỗ lực bù đắp cho Masao, ông chú đã vô tình bù đắp cho chính mình, và khi được bù đắp đến một mức đủ, ông đã trở thành một người trách nhiệm và tử tế. Kitano từng nói, ông làm Kikujiro với cảm hứng từ "Phù thủy xứ Oz". Vậy hãy thử xét đến ý nghĩa của cuộc hành trình trong phim này. Cô bé Dorothy đi lạc và cần phải tìm phù thủy xứ Oz để xin Ngài giúp đỡ đưa về nhà. Trên đường, cô lần lượt gặp ba người xin đi theo làm bạn: Bù Nhìn Rơm muốn hỏi xin phù thủy một bộ não, Người Thiếc muốn hỏi xin phù thủy một trái tim, và Sư Tử Nhút Nhát muốn hỏi xin phù thủy sự dũng cảm. Cả ba nhân vật, thật ra đều đại diện cho một phần nào đó trong con người Dorothy, vì thế, hành trình của Dorothy và ba người bạn này thật ra chỉ là hành trình của một mình cô - tìm kiếm trí khôn, tình yêu và lòng dũng cảm; hay nói cách khác; là tìm kiếm sự toàn vẹn của bản thân mình. Chỉ khi đạt được sự toàn vẹn, cô mới về được nhà và tìm thấy cảm giác "thuộc về" ở đó.
Hành trình của Dorothy là hành trình của một đứa trẻ bắt đầu trưởng thành, hoàn toàn khớp với nhân vật ông chú trong Kikujiro. Ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, sau mùa hè này, ông chú đã "đủ bé để bắt đầu biết lớn".
"Mồ côi tinh thần" là một cụm từ người viết sử dụng để cố gắng bao quát số phận của Masao, ông chú và những người bạn dọc đường, thậm chí suy rộng ra cả thế hệ; xuất phát từ hoàn cảnh thật của hai nhân vật chính. Đặt trong bối cảnh lịch sử, ta thấy Kikujiro ra đời vào khoảng cuối "Lost Decade" (Tạm dịch: Thập niên mất mát) của nền kinh tế Nhật Bản, sau khi bong bóng kinh tế vỡ vào khoảng năm 1991 - 1992. Nền kinh tế tuột dốc khiến tình trạng thất nghiệp và vô gia cư của người Nhật tăng vọt. Liên hệ trong phim, chúng ta cũng thấy các nhân vật hầu hết đều trong tình trạng này. Cảm giác mất mát và bơ vơ bao trùm lên xã hội thời điểm ấy, không chỉ ở vật chất, mà còn ở tinh thần. Hành trình tìm mẹ của Masao và tìm bản dạng của ông chú, phải chăng là ẩn dụ cho một hành trình của cả đất nước Nhật Bản đi ngược về quá khứ để tìm lại bản dạng dân tộc - đã từng rất rực rỡ và độc đáo, giờ đây đang u ám và rối bời?
Sự không thể đoàn tụ với người mẹ - hay sự không tìm thấy mình trong quá khứ - thật ra đã được báo trước qua một hình ảnh rất… không liên quan ở đầu phim. Đó là cảnh quay hai tấm bìa nhân vật lịch sử được dựng lên cho du khách chụp hình. Nó nằm trên đường đi học của Masao, và khi qua đó, cậu bé nhảy lên nhảy xuống để thò được mặt vào phần khuôn mặt của tấm bìa. Máy quay hướng theo cậu bé khi cậu chạy tiếp, sau đó, nó trở ngược lại quay tấm bìa, cho thấy một người đàn ông ngẫu nhiên đang ướm mặt vào đó. Chi tiết tưởng chừng lặt vặt này, cũng giống cảnh quay mô phỏng góc nhìn con chuồn chuồn đã nói ở trên, lại là cách để Kitano hé cho ta chút manh mối về thứ ông muốn nói.
Tuy nhiên, rất dễ là suy diễn, khi mở rộng từ trường hợp cá nhân ra toàn bộ dân tộc. Song nó không phải là không có cơ sở, đặc biệt là qua sự lặp đi lặp lại của việc lồng ghép các hình ảnh truyền thống - hiện đại với nhau. Chúng ta chú ý đến những giấc mơ của Masao. Trong giấc mơ đầu tiên, ta thấy kỹ thuật dựng chồng mờ giữa hình ảnh chiếc chuông chùa và những cô gái trong hộp đêm. Một giấc mơ khác, cảnh hai con quỷ nhảy nhót ở đền thờ Thần đạo cũng có kỹ thuật tương tự, tạo ấn tượng về một điệu nhảy hiện đại trong các chương trình hài trên TV. "Soi" kỹ hơn, ta còn thấy sự phức hợp thể hiện ngay trên chính hai con quỷ này: Mặc trang phục kabuki nhưng lại trang điểm theo lối ganguro (một phong cách thời trang bắt đầu từ giữa những năm 90). Giấc mơ cuối cùng, khi Masao và các chú chơi trò Daruma-san ga koronda (giống trò "Bước trộm" của Việt Nam, mục đích của người chơi là đến gần người bịt mắt mà không để cho người đó biết là họ đang di chuyển), ý đồ của đạo diễn được thể hiện rõ nhất. Theo đó, mỗi lần quay lại, Masao lại thấy các chú mặc một bộ trang phục khác nhau trong các bối cảnh văn hóa khác nhau - Samurai, tướng lĩnh quân đội, bộ xương Halloween,... - ám chỉ sự phức tạp và biến đổi không ngừng của văn hóa nước Nhật trong kỷ nguyên hậu hiện đại.
Cuối cùng thì, đâu là bản dạng của nước Nhật hôm nay? Không rõ. Đã tìm về quá khứ, nhưng không thể đoàn tụ với quá khứ. Quá khứ không nắm giữ câu trả lời. Hành trình tìm kiếm bản dạng dân tộc của người Nhật có lẽ sẽ vẫn tiếp tục, chẳng biết đến đâu và đến bao giờ. Thế nhưng, với cảnh kết là những bước chân tung tăng của Masao dưới chiếc ba lô đính đôi cánh thiên thần, có lẽ Kitano vô cùng lạc quan về tương lai. Những thế hệ người Nhật tiếp theo sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm của cha anh mình, và nhất định, một ngày nào đó trong tương lai, sẽ tìm được.