Kịch bản cuộc đời khi kết hôn vì bị giục

Cô Chang, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 05/05/2021

Nhiều người nói cuộc đời mỗi cô gái như kịch bản đi học - đi làm - lấy chồng - sinh con - chăm cháu đã có sẵn, nhưng ai sẽ là người dũng cảm khiến cuộc sống của mình hạnh phúc hơn?

23 tuổi. Mẹ hỏi: "Tại sao chưa có bạn trai hả con?". Bạn nói rằng cuộc sống của mình chỉ vừa mới bắt đầu, bạn cần một công việc ổn định trước đã, cười khà khà rồi thôi. Mẹ giục: "Cũng đến tuổi kiếm người yêu dần rồi đấy!".

25 tuổi. Hầu hết bạn bè đã ổn định cuộc sống và một số người đã tính đến chuyện cưới xin. Cô, dì, chú, bác ai cũng muốn có công trong việc giới thiệu cho bạn một người được họ đánh giá là tốt. Mẹ bạn cũng không muốn đợi thêm nữa, ngày nào cũng nói: "Cưới sớm, đẻ sớm, mẹ còn trông cháu hộ vài năm cho hai vợ chồng tập trung làm việc. Già thêm tí nữa, muốn trông cũng không trông nổi đâu".

27 tuổi. Các trang mạng xã hội bắt đầu xuất hiện hình ảnh những bức ảnh em bé vừa sinh, chẵn tháng, sinh nhật một tuổi. Bạn cũng đã gặp được một người thông qua mai mối, nhìn qua cũng tử tế, gia cảnh đàng hoàng, ngoại hình khá, tính cách chưa tìm hiểu nhiều nhưng thông qua vài buổi hẹn hò cũng có thể đánh giá là ổn. Tuy không được như ý muốn nhưng thôi "có còn hơn không" - họ hàng nói.

28 tuổi. Cuối cùng bạn cũng kết hôn. Tại đám cưới, bạn mặc một chiếc váy cưới màu trắng, là cô gái đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Dưới ánh đèn mơ mộng, bạn nhớ đến những gì mình đã từng tưởng tượng trước đây. Bạn đứng cạnh người đàn ông mặc bộ vest đen, thắt nơ chỉnh tề, cầm bó hoa cưới đi về phía bạn. Đó là người mình yêu thương. Nhưng những tiếng reo hò đã kéo bạn về thực tại, thật không may, người đang đứng cạnh bạn lại không phải chàng trai đã từng xuất hiện trong những giấc mơ ấy.

Kịch bản cuộc đời khi kết hôn vì bị giục - Ảnh 1.

Đứng trong lễ đường, chủ trì hôn lễ hỏi: "Dù giàu hay nghèo, dù ốm đau hay khoẻ mạnh, con vẫn nguyện ý ở bên nhau mãi mãi chứ?". Chú rể và bạn đồng thanh nói: "Con nguyện ý". Hôm đó, bạn đã trở thành người có chồng, trở thành một người vợ. Tạm biệt thời con gái tự do, bay nhảy mà bắt đầu xắn tay học dọn nhà, nấu nướng. Tuy ở nhà 28 năm nhưng số lần bạn giúp mẹ dọn nhà chỉ được đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

29 tuổi. Bạn mang thai, bỏ công việc bạn dành 2 năm để cố gắng leo lên vị trí đó, ở nhà để dưỡng thai như những gì mẹ chồng muốn. Ngày thường, chồng đi làm sớm, tối về muộn. Khi ốm nghén khó chịu không có ai bên cạnh. Trong quá trình khám thai, anh ấy đã đi cùng bạn vài lần. Sau đó, anh ấy cảm thấy bực bội vì việc xếp hàng tốn quá nhiều thời gian, nên từ đó bạn chỉ đi một mình. Đôi khi mẹ chồng sẽ sang nấu cho bạn một vài món ăn cũng không quên nói một câu: "Cố mà ăn đấy, tất cả vì đứa cháu trong bụng". Đến ngày sinh, bạn khóc và la hét, anh ta ngẩng đầu lên, cau mày nói: "Đau thì cũng phải chịu đi".

30 tuổi. Đây có lẽ sẽ là năm vất vả nhất trong cuộc đời của bạn. Con mỗi tiếng dậy một lần. Sữa bột không đủ dinh dưỡng cho nên mẹ cũng phải theo con dậy để cho con bú. Đến 2 giờ sáng, đứa bé lại quấy khóc, bạn tỉnh dậy như người mất hồn, mắt nhắm tịt vì thiếu ngủ nhưng vẫn vạch áo cho con bú. Ngoảnh lại không thấy chồng nằm trên giường. Từ ngày em bé về nhà, anh ta thấy con khóc ồn ào quá nên chuyển sang phòng khách ngủ. Bạn bị mẹ chồng bắt ở trong phòng 1 tháng để kiêng cữ, không được bước xuống đất, không được tắm rửa, cửa phòng đóng kín mít không cho gió vào. Mẹ chồng sợ cháu nội đói nên rất để ý đến bữa ăn của bạn, mỗi ngày đều cho bạn uống vô số các loại canh và các món ăn tẩm bổ khác để có nhiều sữa hơn.

33 tuổi. Khi con lớn hơn một chút, cuối cùng bạn đã có thể thư giãn hơn. Ba năm nuôi con, chưa bao giờ được ngủ yên, ăn uống cũng chỉ vì tốt cho con. Đứng trước gương, bạn không thể nhận ra người phụ nữ có nước da đen, nhăn nhúm và mái tóc bù xù đó lại là mình. Bạn mở điện thoại lên và muốn mua một cái gì đó cho chính mình. Trong 3 năm qua, tất cả những đơn hàng của bạn đều là đồ cho con.

Thế nhưng vì hơn 3 năm không đi làm, nên tiền tiết kiệm bạn đã tiêu gần hết. Vì vậy, bạn nói với chồng cho bạn mượn một khoản tiền. Anh ta chưa kịp nghe hết câu đã tức giận: "Tại sao lại cần tiền, không phải tiền tôi đều đưa hàng tháng đó sao?". Bạn cũng tức giận, vừa nói vừa khóc về những khoản cần tiêu khi nuôi một đứa trẻ với mức chi tiêu 5 triệu 1 tháng, hỏi anh ta xem có biết giá của một hộp sữa bột hay không, mỗi tháng tốn bao nhiêu hộp, bao nhiêu bịch bỉm, chưa kể quần áo và chi phí sinh hoạt của cả gia đình. Anh ta nghe như không nghe, ánh mắt khinh thường, dè bỉu và đầy sự chế giễu, nói: "Không phải cô cần tiền mà nói nhiều sao, cứ ở nhà chơi thôi mà vẫn tiêu cả đống tiền. Vô dụng!".

Kịch bản cuộc đời khi kết hôn vì bị giục - Ảnh 2.

35 tuổi. Con đã đi nhà trẻ, bạn đã tìm được một công việc, chồng được thăng chức, mọi thứ đang tiến triển theo một chiều hướng tốt. Tuy nhiên, bạn phát hiện thấy mùi nước hoa lạ trên cổ áo chồng. Bạn chờ anh ta về và gặng hỏi mùi đấy là của ai, bạn gọi anh ta là đồ vô liêm sỉ, không biết nghĩ cho vợ con. Anh ta nói rằng cô ta hiền lành, ít nói và đặc biệt không xấu xí như bạn. Bạn nhớ đến lần đầu tiên gặp mặt, anh ta khen bạn xinh đẹp, ăn nói nhẹ nhàng, rất thích hợp trở thành một người vợ tốt. Cuối cùng thì mọi chuyện phải nhờ hai bên bố mẹ thuyết phục rằng đàn ông trăng hoa đã là bản tính, quan trọng là cuộc sống của con cái. Vì con, bạn chịu đựng.

40 tuổi. Bạn bỗng nhìn đời một cách cởi mở, thoải mái hơn. Cái bụng của chồng bạn ngày càng bự, ngáy càng to hơn, thời gian ở nhà cũng ít hơn, nhưng chỉ cần không ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn thì mọi chuyện đều ổn. Lúc này, bạn chỉ chăm sóc con cái bằng cả trái tim mà thôi.

45 tuổi. Con đã vào cấp 3, đang trong thời kỳ nổi loạn, nói chuyện cũng nặng lời hơn. Con muốn được tự do, độc lập. Bạn cầm cốc sữa và đĩa hoa quả cắt sẵn, muốn đến gần nhưng không dám đến gần. Bạn càng tỏ ra quan tâm, muốn chăm sóc, nó lại càng tức giận hơn. Đứa con bạn dành cả phần ba cuộc đời để nuôi dưỡng sao bỗng trở nên khác lạ. Nhưng đứa trẻ này là hy vọng cuối cùng trong cuộc sống gia đình của bạn. Cuộc sống của con bạn, bạn không muốn nó lặp lại vòng tuần hoàn giống mình.

47 tuổi. Con đã đi đến thành phố khác học đại học. Khi bạn nhớ, bạn gọi điện nhưng cũng chỉ hỏi "hôm nay ăn gì", "có vấn đề gì không" rồi cúp máy. Bạn nhìn vào màn hình điện thoại tối om và nhìn bóng người chồng đang quay lưng với mình, nằm xuống mà chẳng muốn suy nghĩ thêm gì nữa cả.

50 tuổi. Sức khoẻ của bạn không còn tốt nữa. Con cái cũng bận rộn chuyện kiếm việc làm. Khi gọi điện, bạn kể về con chó hàng xóm đẻ một lứa xinh lắm, cô gái nhà bên cạnh đã kết hôn, ngôi nhà đầu xóm chuẩn bị phá dỡ và phàn nàn về những cái tất bẩn, không chịu giặt của ông chồng như thường lệ. Đứa con nghe và bảo sẽ về vào dịp lễ tới. Cúp máy, quay người định đi vào phòng thì thấy ông chồng lầm bầm chuyện lúc nào cũng nói xấu anh ta với con. Tấm lưng vừa quen thuộc, vừa xa lạ ấy đã không còn vững chãi như xưa, thân hình mập mạp và mái tóc đã bạc màu. Bạn nhận ra rằng hai người đã già đi.

Kịch bản cuộc đời khi kết hôn vì bị giục - Ảnh 3.

55 tuổi. Sau khi nhận ra kiếm tiền thật khó, con bạn bực bội, chán nản gọi điện bảo muốn về quê. Bạn không ngăn cản nữa, bạn nói con rằng hãy làm điều mình muốn, dù con ở đâu thì vẫn có một mái ấm để trở về. Có lẽ những lời đó đã an ủi và trở thành động lực cho nó. Dần dần, công việc cũng đã đi đúng hướng và phát triển tốt hơn. Bạn rất vui. Nhưng đổi lại, công việc của con ngày càng nhiều và không thể về nhà thường xuyên nữa. Vì vậy, bạn và chồng ngồi trên ghế sofa, hai người cùng canh giữ ngôi nhà, chờ đợi đứa trẻ mỗi năm chỉ có thể trở về nhà vào dịp Tết.

60 tuổi. Con của bạn đã kết hôn. Cô dâu là một cô gái xinh đẹp, da trắng, mái tóc đen dài, khi cười có má lúm rất đáng yêu. Thậm chí bạn còn tưởng rằng đã nhìn thấy bản thân mình khi còn trẻ. Bạn hy vọng rằng cô ấy sẽ mãi mãi dịu dàng được như vậy. Con trai và con dâu dọn ra ở riêng. Chồng đã nghỉ hưu, ông ấy dành thời gian ngồi đánh cờ tướng với hàng xóm nhiều hơn ở nhà, còn bạn không biết nên làm gì, chỉ thơ thẩn ngồi nhớ lại rằng: Trong 30 năm dài đằng đẵng vừa qua, tất cả những gì bạn còn lại trên đời là chồng và con cái.

62 tuổi. Cháu của bạn chào đời. Con cái thiếu kinh nghiệm và bận rộn làm việc, chúng muốn bạn trông cháu giúp. Mẹ chồng bạn ngày trước chẳng giúp đỡ nhiều nhưng lời nhờ vả của con trai khiến bạn không thể từ chối. Cuộc sống của bạn lại trở về những năm tháng tỉnh giấc theo đứa trẻ, nhưng bây giờ có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn khi đã có thể cho cháu bú bình rồi.

65 tuổi. Đứa trẻ đã được gửi đi học nên bạn không cần phải trông cháu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn già nua, tóc bạc, và không thể khiêu vũ cùng những bà bạn ngoài quảng trường được nữa rồi.

70 tuổi. Bạn nằm trên giường bệnh. Bạn không nhìn rõ những người xung quanh, chỉ nghe họ nói bạn là một người con gái tốt, người vợ tốt, người mẹ tốt.

Kịch bản cuộc đời khi kết hôn vì bị giục - Ảnh 4.

Bạn tự hỏi mình có phải đứa con gái tốt hay không? Chẳng phải bạn chỉ muốn bố mẹ yên lòng, thôi cằn nhằn mà thản nhiên cưới một người sau 4 tháng làm quen?

Là vợ tốt? Bạn không nghĩ người chồng đã đi trước của bạn nghĩ như vậy.

Bà mẹ tốt? Có phải bạn biết rằng cuộc sống của mình không thể sửa được nữa nên đặt áp lực lên con cái?

Bạn có phải là người tốt nữa hay không? Bây giờ, thứ hiện ra trước mắt bạn là bóng dáng một thiếu niên mặc áo đồng phục, chiếc váy trắng bạn mặc trong lần hẹn hò đầu tiên năm 17 tuổi, tiếng cười của bạn bè khi cùng kể những chuyện tình vớ vẩn. Lúc này, nhiều hình ảnh xuất hiện, trộn lẫn vào nhau, tim đập dữ dội rồi chân tay lạnh dần đi. Trước khi ý thức biến mất, bạn chỉ có đủ thời gian để nghĩ về câu hỏi cuối cùng: Tôi có thể trở thành một người tốt hay không?

Khi tỉnh dậy, bạn đang ở tuổi 23. Mẹ bạn hỏi: "Tại sao chưa có bạn trai hả con?", bạn sẽ đáp rằng: "Cuộc sống của con vừa bắt đầu mà mẹ. Con phải có công việc ổn định, kiếm được thật nhiều tiền, cho bố mẹ một cuộc sống thật tốt. Rồi lúc đó, con có thể sẽ gặp được người phù hợp với mình nhất và có một cuộc sống hạnh phúc".

Ảnh minh họa