"Khu Vườn Thủy Tinh": Tình yêu là phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ

AT!, Theo Trí Thức Trẻ 08:40 06/07/2018

"Khu Vườn Thủy Tinh" là tác phẩm được chọn chiếu mở màn LHP Quốc tế Busan 2017. Một bộ phim điện ảnh có khởi đầu đầy nỗi buồn và sự ám ảnh đan xen lẫn nhau trong một mối quan hệ kỳ lạ giữa con người và thiên nhiên.

Bộ phim chính kịch, giả tưởng và kỳ bí của đạo diễn Shin Su Won Glass Garden (Khu Vườn Thủy Tinh) kể về nghiên cứu sinh Jae Yeon (Moon Geun Young), cô gái trầm tính bị khuyết tật từ khi sinh ra. Sau khi bị đồng nghiệp và người tình phản bội, cô đã rời bỏ cuộc sống hiện tại và sống ẩn cư tại một ngôi nhà kính sâu trong rừng. Trong khi đó, Ji Hoon là một tác gia đang dính phải bê bối đạo văn, anh phát hiện ra sự thú vị xung quanh cuộc sống kỳ lạ của Jae Yeon nên tìm cách tiếp cận cô để tìm nguồn cảm hứng sáng tác.

Khu Vườn Thủy Tinh: Tình yêu là phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ - Ảnh 1.

Kể từ đó, câu chuyện về cô gái "được sinh ra trong khu rừng rậm. Xương cô là gỗ cây rắn chắc, xác thịt là những sợi xơ. Không biết từ lúc nào, thân thể cô bắt đầu chảy dòng máu màu xanh lục" được viết nên dưới ngòi bút đầy tự sự, huyễn hoặc và kỳ lạ của nhà văn Ji Hoon. Trong mối quan hệ cộng sinh giữa người và cây, liệu liều thuốc thần kỳ gì sẽ chữa lành cho những vết thương đang "rỉ máu" về tinh thần và thể xác của con người? Những tình tiết của bộ phim sẽ giúp khán giả dần tìm ra câu trả lời và hiểu được ý nghĩa nhân sinh ẩn chứa trong kịch bản phim.

Khu Vườn Thủy Tinh: Tình yêu là phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ - Ảnh 2.

Ngôi nhà kính đơn sơ, mộc mạc ẩn hiện cô độc giữa khu rừng như là một thế giới riêng để Jae Yeon nương náu, ẩn nấp. Đối với mọi người, đó là một nơi đáng sợ; còn với Jae Yeon, đây lại là nơi cô nghiên cứu, sống thật với chính mình và tìm thấy được nguồn an ủi. Ngôi nhà giống như một hình ảnh tượng trưng cho bí mật, ước mơ cùng niềm vui xen lẫn nỗi buồn mà Jae Yeon trải qua từng ngày. Một hình ảnh điện ảnh giàu chất xúc tác nghệ thuật, đầy sự ẩn ý.

Khu Vườn Thủy Tinh: Tình yêu là phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ - Ảnh 3.

Ngôi nhà cùng khu rừng xanh thẳm, âm u và bí ẩn đã lột tả một cách chân thực và trần trụi sự lẻ loi, đơn độc của con người. Những mạch rễ của mỗi nhánh cây nổi lên trên mặt đất tựa như những đường gân, mạch sống của loài người. Sự sống bị "bó chặt" lại trong nỗi "giày vò" những tổn thương nơi tâm hồn của mỗi nhân vật. Đặc biệt là nhân vật Jae Yeon, cô gái nhỏ tự tách biệt với thế giới bên ngoài để tìm sự an ủi bên cỏ cây. Bởi vì đối với cô: " Lúc chạc cây sinh trưởng, chúng sẽ vươn về nhiều hướng để không làm tổn hại lẫn nhau. Nhưng con người thì không như vậy, con người làm tổn hại lẫn nhau".

Khu Vườn Thủy Tinh: Tình yêu là phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ - Ảnh 4.

Hóa thân thành một nhà khoa học lập dị, đơn độc và bí hiểm, em gái quốc dân Moon Geun Young thực sự đã truyền tải được sự tinh tế rất quyến rũ, đầy ma lực qua đôi mắt trong veo biết nói cùng biểu cảm gương mặt xuất thần. Khuôn mặt thoáng buồn, phảng phất nhiều tâm sự và xúc cảm của Jae Yeon được Moon Geun Young khắc họa đầy ám ảnh, bi lụy. Một vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết nhưng ảm đạm, sầu thương. Nhìn vào nhân vật Jae Yeon, khán giả như thể nhìn thấu nỗi cô đơn sâu thẳm đang bị che giấu trong tâm hồn của chính bản thân mình vậy.

Khu Vườn Thủy Tinh: Tình yêu là phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ - Ảnh 5.
Khu Vườn Thủy Tinh: Tình yêu là phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ - Ảnh 6.

Bên cạnh Moon Geun Young là nam diễn viên Kim Tae Hoon trong vai tiểu thuyết gia Ji Hoon, người đàn ông đang chống chọi với bệnh tật và niềm đam mê viết lách. Những biểu hiện căng cứng, đau khổ khi mắc bệnh và giày vò bản thân trong sự tò mò, suy tư để tạo nên một tiểu thuyết xuất sắc của Ji Hoon đã được Kim Tae Hoon diễn tả một cách rất tự nhiên, chân thực; giống như một nhà văn khổ sở đi tìm nguồn cảm hứng và lặng thầm say mê nàng thơ của chính mình.

Khu Vườn Thủy Tinh: Tình yêu là phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ - Ảnh 7.

Diễn xuất của tuyến nhân vật chính đã lan truyền cảm xúc cho bộ phim trong một không gian tràn ngập khung cảnh kỳ dị của thiên nhiên. Màu xanh bao trùm lên cảnh sắc phim, màu xanh đó chảy tràn trên những thân cây, lan trên mặt đất và "ám" vào da người, hài hòa trong sắc trắng của nắng và màn sương mờ ảo. Thiên nhiên trong Glass Garden rất huyền ảo và mơ hồ, tựa như một khu rừng kỳ bí tiềm tàng những điều kỳ lạ, kích thích con người khám phá và sợ hãi sự hoang sơ, bí ẩn đó.

Khu Vườn Thủy Tinh: Tình yêu là phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ - Ảnh 8.

Nhịp phim chậm rãi, nhẹ nhàng thấm đẫm chất tự sự và lãng đãng những nỗi buồn cứ kéo dài mãi từ đầu phim đến khi kết thúc. Một bộ phim "khó hiểu", chỉ dành cho những kẻ từng trải, cô đơn và có đủ kiên nhẫn theo dõi hết 120 phút phim để chiêm nghiệm, đồng cảm cho nỗi đau cũng như hành động mà nhân vật chính trong phim lựa chọn.

Khu Vườn Thủy Tinh: Tình yêu là phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ - Ảnh 9.

Glass Garden không có tình tiết cao trào hay tình yêu cổ tích, hường phấn. Phim rất thực tế, thực tế đến tàn nhẫn. Tình yêu là sự phản bội, đam mê là giả dối và ước mơ chỉ là sự điên rồ. Cuộc sống trong phim diễn ra giống như một thân cây bị ẩm mốc và mục rữa dần nhưng "chồi cây" vẫn ươm mầm sự sống, niềm tin và hy vọng. Khát khao được yêu thương, được sẻ chia và thấu hiểu vẫn ngự trị nơi khu rừng xanh, nơi những nhánh cây đang đâm chồi, sinh trưởng từ mất mát, đau thương. Đó chính là giá trị nhân văn mà Glass Garden muốn truyền tải.

Trailer "Khu Vườn Thủy Tinh"

Con người chết đi sẽ biến thành một cái cây. "Cây" sẽ mang dáng người và được nuôi dưỡng nơi mảnh đất ấm nóng, tràn đầy nhựa sống của thiên nhiên. Nơi đó, "cây" sẽ yên bình sống an nhiên trong nắng vàng và lắng nghe cơn gió xào xạc kể chuyện đời thường.