Ai cũng biết rằng để bảo quản thi thể trong điều kiện môi trường tự nhiên, người Ai Cập cổ đại phải dành hàng thế kỷ nghiên cứu và phát triển kỹ thuật ướp xác. Ngay cả trong thời điểm hiện tại, khi khoa học kỹ thuật có những bước phát triển vượt bậc thì việc bảo quản tử thi cũng tốn khá nhiều chi phí.
Tuy vậy, tại một nghĩa trang ở thị trấn nhỏ San Bernardo, Colombia, kỳ lạ là các thi thể lại được "ướp xác một cách tự nhiên" bên trong quan tài của họ. Cụ thể hơn là chúng dần tự hóa đá mà không bị phân hủy như lẽ thường.
Hiện tượng hiếm có này bắt đầu được chú ý cách đây hơn 20 năm nhờ phát hiện của ông Eduardo Cifuentes. Trong khi cải tạo các khu mộ bị lãng quên nhiều năm tại nghĩa địa thuộc thị trấn Bernardo, thợ đào mộ Eduardo đã nhận ra điều bất thường ở khu vực này. Theo lời ông Eduardo, quần áo và làn da của các xác chết đều chuyển sang màu nâu. Bên cạnh đó làn da của tử thi đều nhăn nheo lại do tác động của thời gian.
Hiện tượng này đã thu hút sự chú ý của giới khoa học. Đã có rất nhiều chuyên gia tìm tới San Bernardo để nghiên cứu về các xác chết tự hóa đá. Được biết phần lớn các xác chết đều được chôn vào khoảng cuối những năm 1950.
Ngoài khu nghĩa địa ở Colombia, chỉ có một địa điểm nữa ở Mỹ Latinh cũng xảy ra hiện tượng "ướp xác tự nhiên" như vậy là Guanajuato, thị trấn ở miền Trung Mexico. Tuy nhiên, các nhà khoa học tìm ra được nguyên nhân là do điều kiện đất và khí gas trong lòng đất.
Lý giải trên không thể áp dụng để giải thích cho các thi thể hóa đá ở San Bernardo bởi lẽ các xác chết ở đây đều được đặt cẩn thận trong quan tài. Vì vậy, xác chết đều không tiếp xúc với đất.
Người dân địa phương cũng đưa ra một số giải thích về hiện tượng này. Có người cho rằng đó là do độ tinh khiết của nguồn nước trong làng và thức ăn của họ không có các chất phụ gia hóa học. Số khác cho rằng nhiệt độ ở khu vực này "có lợi" cho quá trình ướp xác. Có ý kiến lại nói đó là do 2 loại quả đặc trưng trong chế độ ăn uống của người dân địa phương là guatila (loại quả cứng, to bằng quả cam, màu xanh lục đậm với gai trên vỏ, dân làng gọt vỏ và luộc guatila, thêm nó vào súp) và balu (trông giống như một quả đậu khổng lồ, thường được nấu chín và nghiền thành bột để làm bánh).
Một lý giải khác là vào khoảng năm 1957, nghĩa trang từng được chuyển từ vị trí khác đến vị trí hiện tại. “Tôi nghĩ rằng do vị trí mới của nghĩa trang, bởi vì hiện tượng đó chưa bao giờ xảy ra ở nghĩa trang cũ", một người dân địa phương cho biết.
Sau phát hiện bất ngờ, một bảo tàng đặc biệt đã được dựng lên phía sau nghĩa trang. 8 xác ướp bảo quản tốt nhất được chọn trưng bày trên các tấm bê tông, có úp lồng kính. Bảo tàng đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch lớn ở Colombia. Mặc dù cách này có thể thúc đẩy kinh tế địa phương nhưng không phải tất cả người dân đều hài lòng vì họ không muốn kiếm tiền bằng cách động chạm đến người đã khuất.
Được biết ở Ý cũng có hiện tượng xác chết hóa đá. Tuy nhiên, trường hợp này dễ giải thích hơn vì những xác chết đó là nạn nhân của vụ phun trào núi lửa Vesuvius tại thị trấn Pompeii. Tư thế và biểu cảm khuôn mặt của những người dân xấu số vẫn được giữ nguyên sau 1.900 năm bị chôn vùi dưới đống tro bụi núi lửa.
Thị trấn Pompeii nằm gần vùng Naples của Italia, được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ 7-6 TCN bởi người Osci hay Oscan - một sắc tộc có nguồn gốc từ trung tâm Italia. Đến thế kỷ 1 TCN, thị trấn nằm dưới sự kiểm soát của người La Mã. Nhưng vào ngày 24 tháng 8 năm 79 TCN, sự cố kinh hoàng đã ập xuống Pompeii: Ngọn núi lửa Vesuvius phun trào và nhấn chìm thị trấn trong đất đá, dung nham và tro bụi. Ước tính, khoảng 2.000 người dân Pompeii đã mãi mãi nằm trong tro bụi.
Ngày nay, 2/3 diện tích Pompeii đã được khai quật. Địa điểm này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới và là một trong những điểm thu hút khá đông khách du lịch tại Italia với gần 3 triệu lượt khách mỗi năm.