Phổ Nghi là vị Hoàng đế đặc biệt của nhà Thanh ở Trung Quốc. 3 lần đăng cơ, 3 lần thoái vị, chữ "cuối cùng" vận vào số mệnh của ông nghe thật chua chát làm sao. Có lẽ khi tận mắt chứng kiến vương triều của mình sụp đổ, cung điện từng thuộc sở hữu riêng lại thành nơi người nào cũng có thể ra vào, ai cũng đều đau đớn và xót xa.
Hơn nữa cuộc đời, Phổ Nghi gần như không thể sống theo cách mình muốn, hết bị triều đình kiểm soát rồi trở thành con rối bù nhìn trong tay kẻ khác. Ấn tượng về ông trong mắt hậu thế có lẽ chỉ mỗi cái danh "Hoàng đế cuối cùng" và cuộc hôn nhân đầy tranh cãi với Hoàng hậu Uyển Dung.
Sở hữu 5 người vợ, nhưng đối với Phổ Nghi, việc "nạp phi" giống như một khâu cần phải làm khi sống dưới danh Hoàng đế, tình cảm không thể đặt lên hàng đầu. Song cũng không phải không có ngoại lệ.
Trong số 5 người vợ này, không phải Hoàng hậu Uyển Dung tài năng hay Thục phi Văn Tú dịu dàng, mà người vợ cuối cùng, Lý Thục Hiền, chính là người đã giúp Phổ Nghi nhận ra thế nào là tình yêu thật sự.
Lý Thục Hiền (4/9/1925 – 9/6/1997), là người vợ chính thức thứ 2, và cũng như cuối cùng của Tuyên Thống Đế Phổ Nghi.
Năm 1959, sau 10 năm trong tù, Phổ Nghi được trả tự do, trở về Bắc Kinh và sống tạm tại nhà em gái. Trong thời gian này, ông đã gặp Lý Thục Hiền, hai người được giới thiệu với nhau bởi một người bạn.
Bà Lý Thục Hiền làm nghề y tá ở Bắc Kinh, quê ở Hàng Châu, từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ. Trước khi gặp Phổ Nghi, Lý Thục Hiền đã qua hai lần kết hôn. Nhưng cũng có lẽ vì tìm được điểm chung là đổ vỡ trong hôn nhân, bà và Phổ Nghi mới dễ đến được với nhau.
Năm 1962, họ đã tổ chức đám cưới. Khi đó Lý Thục Hiền đã 37 tuổi, còn Phổ Nghi đã hơn 50 tuổi.
Sống với nhau gần 5 năm trời, hai vợ chồng Phổ Nghi không có con. Ai am hiểu về Phổ Nghi cũng biết, ông mắc chứng vô sinh, nguyên nhân được cho là từ những trò đùa của thái giám khi ông còn sống trong cung.
Nhưng không vì thế mà Lý Thục Hiền ghét bỏ Phổ Nghi, bà đồng hành cùng ông cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Trong tự truyện của mình, Lý Thục Hiền ghi lại lời nói của Phổ Nghi khi ở cùng bà:"Tôi từ nhỏ ở trong cung, không hiểu tình vợ chồng đời thường là gì. Khi ấy đối với tôi, vợ chỉ đơn thuần là vật bài trí, vui thì để ở bên cạnh, không vui thì có thể mấy ngày không để ý tới. Tôi chưa bao giờ biết cái gọi là tình yêu, thế mà khi gặp bà, tôi mới biết trên đời có tồn tại một sự ngọt ngào như vậy".
Năm 1967, Phổ Nghi qua đời do ung thư thận. Sau cái chết của chồng, Lý Thục Hiền nghỉ hưu, nhàn hạ sống qua ngày.
Vào những năm đầu thập niên 80, Lý Thục Hiền tìm kiếm và nhận được quyền sở hữu hợp pháp cuốn tự truyện "Nửa đời trước của tôi" của Phổ Nghi từ chính phủ. Bà sau này trở nên giàu có nhờ vào việc cho xuất bản hồi ký của bà về những tháng năm cuối cùng của mình với Phổ Nghi.
Dưới sự chấp nhận của chính phủ, bà đã chuyển tro cốt của Phổ Nghi đến Thanh Tây lăng, táng vào Hoa Long hoàng gia lăng viên, phụ cận với Thanh Sùng lăng của Quang Tự Đế để ông được gần với tổ tiên của mình hơn.
Lý Thục Hiền mất vì bệnh ung thư phổi ở tuổi 72. Trong ý nguyện của mình, bà yêu cầu được hợp táng chung với Phổ Nghi và một thiếp khác của chồng là Đàm Ngọc Linh. Tuy nhiên, ước muốn ấy đến giờ vẫn chưa được thực hiện.
Nguồn: Sohu