Dạo một vòng quanh các trang mạng xã hội, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh các cô nàng nóng bỏng tràn ngập, vô vàn chuyến du lịch xa hoa hay các shot hình sống ảo đẹp đến ngỡ ngàng. Tuy nhiên, nó lại chẳng giống cuộc sống buồn tẻ và nhàm chán của chúng ta tẹo nào.
Và một sự thật phũ phàng bủa vây lấy người trẻ: Càng chứng kiến cuộc sống ảo khác xa với đời thực, người ta càng thấy chán chường, bất mãn. Chính sự bất mãn này đã trở thành đề tài nghiên cứu cho các nhà khoa học về ảnh hưởng của mạng xã hội với các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, thiếu ngủ, hay tự ti về vẻ ngoài ở những người trẻ tuổi - những người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.
Instagram đang khiến các cô gái trẻ ngày càng tự ti về bản thân mình hơn.
Tuy nhiên, Instagram mới chính là mạng xã hội nguy hại nhất cho sức khỏe người dùng. Mạng xã hội với hơn 700 triệu người dùng trên toàn cầu dường như là mạng xã hội có ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất, theo một báo cáo mới của Hội Sức khoẻ Cộng đồng Hoàng gia Anh (RSPH) - một tổ chức từ thiện độc lập tập trung vào giáo dục sức khoẻ. Báo cáo kết hợp nghiên cứu đã được công bố trước đó về tác động sức khoẻ của mạng xã hội với cuộc khảo sát toàn quốc của Anh về gần 1.500 người trong độ tuổi 14-24.
Để hiểu sâu hơn về những ảnh hưởng của mạng xã hội đến sức khoẻ của họ trên cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực, các nhà nghiên cứu đã hỏi người dùng về những cảm giác lo âu, về mối quan hệ với cộng đồng, các vấn đề liên quan tới giấc ngủ, cơ thể, và nhiều vấn đề khác nữa.
Dường như chỉ có YouTube là có ảnh hưởng tốt với những người được hỏi. Các mạng xã hội khác đều đem lại hiệu ứng tiêu cực cho người sử dụng (theo thứ tự từ ít tiêu cực đến tiêu cực nhất: Twitter, Facebook, Snapchat và Instagram). Những người trả lời đánh giá Instagram đặc biệt có ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề tâm lý và hình ảnh cơ thể. Một thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ với tờ CNN rằng các cô gái thường đem mình ra so sánh với những hình ảnh không thực tế đã bị bóp méo trên mạng xã hội. Bản báo cáo đã dẫn chứng một người tham gia nghiên cứu: "Instagram dễ dàng khiến cho các bạn gái và những người phụ nữ cảm thấy cơ thể của họ không đẹp như mọi người, mặc dù người dùng mạng xã hội đã dùng các ứng dụng để chỉnh sửa lại ảnh để cho họ đẹp hoàn hảo".
Thực tế và hình ảnh đã qua chỉnh sửa.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng những kỳ vọng phi thực tế và sự sợ hãi bị lạc lõng mà các mạng xã hội đem lại khiến cho người dùng cảm thấy tự ti - nguồn cơn của các trạng thái lo âu, trầm cảm. Các vấn đề như thiếu ngủ, các hình thức bắt nạt trên mạng đều liên quan tới các trang mạng xã hội.
Báo cáo trích dẫn nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Thanh Niên cho thấy cứ năm người thì sẽ có một người thức dậy vào ban đêm để kiểm tra tin nhắn. Điều ấy khiến cho họ cảm thấy kiệt sức vào ban ngày.
Tuy nhiên, các trang mạng xã hội cũng tồn tại điểm tích cực. Gần 70% người được hỏi cho biết họ đã nhận được sự hỗ trợ về cảm xúc trên các phương tiện truyền thông xã hội khi gặp khó khăn, và nhiều người cho biết tài khoản của họ đã tạo ra một diễn đàn để thể hiện bản thân một cách tích cực. Nhờ mạng xã hội, họ cũng có thể duy trì mối quan hệ trực tuyến.
Vấn đề lớn nhất được đặt ra là chúng ta thường quên rằng cái chúng ta thấy trên mạng xã hội thường không phải là thực tế. Hội sức khoẻ Hoàng gia Anh đã đưa ra một số giải pháp dựa trên nghiên cứu của họ. Ví dụ, các hãng thời trang và những người nổi tiếng nên cân nhắc cho mọi người biết những bức ảnh nào của họ đã được qua chỉnh sửa. Ngoài ra, các mạng xã hội cũng nên đưa ra những pop-up cho người dùng để cảnh báo về việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều. Các mạng xã hội thậm chí có thể nhận diện những người dùng có các triệu trứng tâm lý dựa trên lịch sử người dùng, và gửi một tin nhắn để cho họ biết nơi họ có thể nhận được sự giúp đỡ.