Đầu năm 2016, đạo luật chống lãng phí thức ăn của Pháp chính thức có hiệu lực. Theo đó, tất cả các siêu thị có diện tích từ 400m2 trở lên buộc phải ký hợp đồng quyên góp thực phẩm thừa cho các tổ chức từ thiện.
Việc làm thiết thực này đã khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục. Không còn thực phẩm bị lãng phí đồng nghĩa với hàng triệu người sẽ không còn phải nhịn đói mỗi ngày. Tuy nhiên, đây không phải là đất nước đầu tiên thực hiện chiến dịch tiết kiệm này.
Một tổ chức phi lợi nhuận vì môi trường có trụ sở tại Anh đã thường xuyên tổ chức bữa tiệc miễn phí phục vụ từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều cho tất cả các thực khách có mặt.
Hiện nay, tổ chức Feedback này cùng với tổ chức DC Central Kitchen và một vài quán ăn địa phương đã phục vụ thực khách món cà ri rau quả và thịt sốt ớt được làm từ những nguyên liệu lẽ ra phải bị bỏ đi. Sự kiện đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân ở các thành phố lớn như Paris, Dubai, Sydney, New York và Barcelona.
Đây không năm đầu tiên bữa tiệc rau quả xấu mã được tổ chức. Tristram Stuart đã có sáng kiến tổ chức những bữa ăn miễn phí như thế này vào năm 2009 ở London. Anh cho rằng đây là cách duy nhất để khích lệ người dân chung tay giải quyết nạn đói đang diễn ra trên toàn cầu.
Chân dung Tristram Stuart.
Hiện nay, có đến 40% sản lượng nông sản bị vứt bỏ chỉ vì chúng không đáp ứng được tiêu chuẩn mà các siêu thị yêu cầu. Thậm chí ở Kenya, nơi mà có hàng triệu người đói ăn mỗi năm, cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Sự lãng phí thực phẩm ngày càng diễn ra trầm trọng hơn. Theo một nghiên cứu về tính kinh tế của việc lãng phí thực phẩm được tiến hành bởi tổ chức Rethink Food Waste Through Economics and Data, người Mỹ đã bỏ ra 218 tỷ USD mỗi năm để trồng, chế biến và vận chuyển nguồn thực phẩm mà họ không bao giờ sử dụng. Đây là con số và thông tin quá kinh khủng khi nạn đói vẫn đang diễn ra từng phút, từng giờ trên thế giới.
Nghiên cứu này cho biết: "Điều ấy được hiểu là có tới 52,4 triệu tấn thức ăn sẽ bị đưa tới bãi rác mỗi năm và có tới 10,1 triệu tấn thực phẩm khác sẽ không được thu hoạch hoặc bị vứt bỏ tại các nhà kho. Và chúng ta sẽ lãng phí một núi tài nguyên, calo và năng lượng cỡ 63 triệu tấn, với kích thước vượt quá ¾ diện tích của bang California."
Thông qua chiến dịch không lãng phí rau củ này, các hãng bán lẻ lớn của Anh như Tesco đã nới lỏng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hàng hóa, đồng thời các loại rau củ xấu mã cũng được bày bán với mức giá khuyến mại tại các siêu thị.
Tristram Stuart hy vọng rằng "bữa tiệc rau củ" này sẽ là động lực tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội và kinh tế. Chẳng hạn như tiết kiệm tiền bạc, giảm ảnh hưởng tới môi trường và cứu giúp những người thiếu thốn.
"Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra." Các bữa tiệc rau củ xấu mã miễn phí đã giải quyết được phần nào bài toán lãng phí thực phẩm cũng như góp phần chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Hơn nữa, việc sử dụng các loại rau củ không được đẹp mắt để nấu ăn, cũng chứng minh được cho người tiêu dùng rằng vẻ ngoài của các loại thực phẩm này không ảnh hưởng gì đến chất lượng của chúng. Mọi người đừng nên có cái nhìn quá khắt khe với loại thực phẩm này.
Trung bình có 5000 người tham dự các bữa ăn miễn phí được nấu từ rau củ xấu mã như thế này.