Mạng xã hội ngày càng phát triển, cùng với đó là đầy rẫy những chiêu trò lừa gạt người dùng với đủ hình thức: những người quen ở trường trung học gửi cho bạn những tin nhắn, hỏi bạn có muốn “trở thành ông chủ của chính mình” bằng cách tham gia một chương trình tiếp thị đa cấp; những bài viết thêu dệt thiếu xác thực dẫn dụ người đọc đến những thông tin sai lệch; những tin nhắn thông báo trúng thưởng nhưng thực chất là hòng chiếm đoạt tiền bạc…
Làm thế nào để giữ được sự tỉnh táo giữa mê cung này?
Ngày càng nhiều cái bẫy lừa gạt được giăng ra đòi hỏi sự sáng suốt cũng cần được nâng cao (Ảnh: Pinterest)
Kiểm tra lại những thứ chúng ta vẫn đang tin tưởng
Chúng ta thậm chí có nhiều khả năng chấp nhận hoặc bỏ qua những vấn đề nguy hiểm đáng lưu tâm bởi niềm tin của bản thân. Sự tin tưởng đến từ những người mà bạn ngỡ rằng thân thiết, đã hiểu rõ họ có thể làm giảm đi sự cảnh giác ở bạn. Hoặc khao khát mong muốn tin rằng những điều mình được nghe là sự thật có thể cũng sẽ khiến bạn đánh mất khả năng nhìn nhận vấn đề một cách sáng suốt.
Vì vậy, trước khi đặt trọn lòng tin vào điều mình được nghe, hãy tự đặt câu hỏi rằng bạn có đang giả định/kỳ vọng điều đó là sự thật? Bạn có thành kiến/sự ưu ái nào với đối tượng đang trao đổi với mình không?
Kiểm tra nội dung
Dành thời gian để kiểm chứng thông tin trước khi đưa ra quyết định (Ảnh: Pinterest)
Tự hỏi bản thân có bằng chứng đáng tin cậy để củng cố cho những điều mà bạn đang nghe hay không. Có lẽ cách đáng tin cậy nhất để “xác minh tính xác thực” thông tin là tham khảo chéo với các nguồn khác. Liệu các hãng tin tức/phương tiện truyền thông có uy tín khác có đưa tin về câu chuyện/vấn đề/sự việc này hay không? Hãy kiểm tra xem chúng có đáng tin cậy không hoặc thậm chí chúng còn tồn tại hay không!
Mặc dù không nhất thiết phải có bằng chứng cụ thể cho tất cả mọi thứ, nhưng lời nói đó có đáng tin không? Có logic trong những gì bạn đang nghe hoặc nhìn thấy không? Đừng chỉ lắng nghe, tiếp thu thông tin thụ động mà hãy tập cách đặt câu hỏi, phản biện.
Kiểm tra quá khứ
Trước khi đưa ra quyết định nào, hãy chậm lại đủ để suy nghĩ và phân tích. Kiểm tra lại trong quá khứ, những lần thành công và sai lầm của bạn và tìm kiếm những điểm chung. Khi bạn nhận ra cách thức trong việc đưa ra quyết định của chính mình, dù tốt hay xấu, bạn đang trên con đường cải thiện tư duy, tránh việc lặp lại vết xe đổ cũ.
Hãy thử nhìn lại xem trong quá khứ bạn hoặc người thân nào đó đã từng mắc phải tương tự chưa? (Ảnh: Pinterest)
Cẩn trọng chưa bao giờ là thừa!
Đôi khi ngay cả những người thông minh nhất cũng có thể “lười biếng” trong việc kiểm tra cách tiếp thu thông tin. Bất cứ ai cũng có thể trở nên mệt mỏi với các phương pháp tiếp cận phân tích, thận trọng, đánh giá… mỗi khi được tiếp nhận một thông tin, bởi điều đó cần khá nhiều thao tác và sự tỉnh táo.
Chúng ta thỉnh thoảng có thể nới lỏng sự cảnh giác nếu lựa chọn tin vào một câu chuyện hoặc đưa ra quyết định mang tính rủi ro thấp, không quan trọng. Tuy nhiên, với một quyết định cụ thể mang lại rủi ro lớn, ảnh hưởng lâu dài, thì việc tự kiểm soát để giảm tốc độ và dành thời gian để kiểm chứng, tìm hiểu, tạm bỏ qua vấn đề niềm tin,... là điều vô cùng cần thiết.