Du học sinh Việt tại Úc bị phạt 4 triệu đồng vì ngủ quên, gác chân lên ghế tàu điện ngầm

Lê Ái, Theo Trí Thức Trẻ 15:21 30/08/2017

Hoàng Lịch phải làm việc liên tục trong suốt 14 tiếng đồng hồ thì mới có đủ số tiền để đóng khoản phạt trên, cậu đang hy vọng có thể thay đổi mức tiền này. Tuy nhiên, hy vọng của cậu khá mong manh vì trước đó đã có khá nhiều DHS rơi vào trường hợp tương tự, phải đóng đúng số tiền phạt theo quy định.

Cuộc sống xa nhà phải học cách thích nghi với mọi khó khăn và làm quen với lịch làm thêm dày đặc vốn đã chuyện không hề lạ với du học sinh Việt ở các nước. Những niềm vui, nỗi buồn của họ được nhiều người lắng nghe, chia sẻ cũng như dần có cái nhìn đa chiều hơn qua những câu chuyện người thật việc thật hút ngàn lượt xem của bạn trẻ thời gian qua trên Facebook. 

Mới đây, dân mạng cảm thấy chạnh lòng khi đọc lời chia sẻ ngắn gọn của một du học sinh đang sống tại thành phố Melbourne, Úc. Bạn trẻ này vừa nhận thông báo phạt 240 AUD (gần 4,3 triệu đồng) vì một lần ngủ quên lỡ gác chân trên ghế ngồi của tàu điện ngầm.

Du học sinh Việt tại Úc bị phạt 4 triệu đồng vì ngủ quên, gác chân lên ghế tàu điện ngầm - Ảnh 1.

DHS Việt bị phạt 240 AUD (gần 4,3 triệu đồng) vì một lần ngủ quên lỡ gác chân trên ghế ngồi của tàu điện ngầm (Ảnh minh họa).

"Chào mọi người, em bị đóng phạt 240 AUD vì gác chân lên ghế trên tàu điện. Họ nói em chỉ bị cảnh cáo vì lần đầu mà ai ngờ bị gửi giấy đóng phạt. Em mới qua bên này nên còn non dại đâu có biết gì về luật đâu. Các cao nhân có ai có kinh nghiệm chuyện này cho em xin vài lời khuyên với ạ? Em thật sự không muốn đóng tiền phạt đâu. Em nghèo lắm rồi", lời chia sẻ của khổ chủ trên một diễn đàn dành cho du học sinh đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Du học sinh gặp tình huống trên là Châu Hoàng Lịch (sinh năm 1999, tại Sài Gòn). Lịch sang Úc từ năm ngoái, hiện cậu đang trong thời gian gap year. 

Lịch giải thích rõ hơn lý do mình mắc lỗi: "Cách đây khoảng 1 tháng, mình vừa làm thêm ca đêm ở thành phố xong và leo lên tàu trở về nhà trong trạng thái rất mệt, tay chân rã rời (mình làm việc ở McDonald's từ 22h đến 5h sáng, làm 5 ca/tuần). Có lẽ vì vậy mà mình đã ngủ quên. Trong lúc vô thức mình đã bỏ chân lên ghế cho thoải mái và bị nhân viên tuần tra trên tàu bắt gặp. Ban đầu họ nói mình chỉ bị cảnh cáo thôi vì là lần đầu mắc lỗi. Lúc ấy mình cũng không lo lắm. Xong xuôi mọi việc thì đến hôm nay, mình nhận được giấy thông báo đóng phạt. Mình đang khá là lo lắng".

Du học sinh Việt tại Úc bị phạt 4 triệu đồng vì ngủ quên, gác chân lên ghế tàu điện ngầm - Ảnh 2.

Thư thông báo nộp phạt đươc gửi đến cho Hoàng Lịch sau 1 tháng cậu vi phạm. Thông báo có nội dung Lịch phải nộp phạt trước ngày 2/10, nếu không, cậu sẽ phải hầu tòa vì sự chậm trễ này.

Lịch cho biết cậu phải làm việc liên tục trong suốt 14 tiếng đồng hồ thì mới có đủ số tiền để đóng phạt vì thế, cậu đang hy vọng có thể thay đổi mức tiền phạt này. Trước tiên, Lịch dự định sẽ viết thư gửi đến chính quyền tiểu bang Victoria để trình bày nguyện vọng.

Không chỉ Lịch mà khá nhiều du học sinh Việt khác cũng từng rơi vào tình huống tương tự: bị phạt vì vi phạm quy định trên tàu điện ngầm. 

Bạn có nickname Jokey Lưu chia sẻ: "Mình cũng mới đóng phạt 268 AUD nè bạn. Họ cũng nói mình là chỉ cảnh cáo, nhưng họ gửi giấy về thì mình phải đóng phạt thôi, không đóng tiền sẽ tăng lên ba trăm mấy ấy. Bị một lần để nhớ đời bạn ạ". 

"Đi đóng đi em. 240 AUD là còn nhẹ. Em mà leo lên MRT bên Sing cầm theo một ổ bánh mì, cạp một cái là 5.000 SGD em nhé. Nghèo thì ai cũng nghèo, giấy phạt đã nhận rồi thì mình đóng lần sau khỏi bị phạt hén", Quân Đỗ khuyên Lịch nên đóng phạt sớm, đừng nghĩ đến chuyện sẽ được giảm tiền.

Du học sinh Việt tại Úc bị phạt 4 triệu đồng vì ngủ quên, gác chân lên ghế tàu điện ngầm - Ảnh 3.

Châu Hoàng Lịch, chàng du học sinh gặp tình huống dở khóc dở cười vì giấc ngủ có giá hơn 4 triệu đồng trên tàu điện ngầm.

Cái giá của một giấc ngủ lúc mệt mỏi của du học sinh Việt có lẽ là quá đắt. Từ trải nghiệm thực tế của mình, Lịch nhắn nhủ đến các bạn trẻ khác mới sang nước ngoài đi học hoặc làm việc: "Các bạn nên chú ý đến lời nói và hành động của mình cho phù hợp với văn hóa của người nước ngoài, nơi mình đang sống. Lần này do vô ý nên mình đã cư xử kém văn minh. Mình sẽ rút kinh nghiệm cũng như chú ý hơn về hành động này".