Qua trở lại năm 2013, khi V-Leagu còn chưa hạ màn, Công Vinh đã được CLB Nhật Bản Consadole sang tận Nghệ An theo dõi cả tháng trời, trước khi quyết định mời về thi đấu cho tham vọng thăng hạng của họ.
Công Vinh chỉ có chưa đầy 5 tháng ở Nhật, nhưng anh được đối xử như VIP.
Lúc ấy, cũng như Công Phượng, nhiều người cũng đồn đoán rằng thương vụ chiêu mộ Công Vinh chỉ mang tính thương mại. Tuy nhiên, 5 tháng ở Nhật của Công Vinh, cùng với những gì mà Consadole đối xử với cầu thủ này đã cho thấy một sự khác biệt rất lớn so với những gì mà Mito Hollyhock đang đối xử với Công Phượng.
5 tháng ấy, Vinh được xem như VIP là ngôi sao đích thực ở Nhật Bản, và đội bóng xứ sở mặt trời mọc cũng đã tìm mọi cách để níu giữ Vinh ở lại.
Không giống như Mito Hollyhock chỉ đứng tốp cuối bảng xếp hạng và nghèo nàn về tài chính cũng như fan hâm mộ, CLB Consadole là đội bóng có truyền thống của Nhật và đang đua tranh thăng hạng J.League 1. Dẫu vậy, khi Công Vinh xuất hiện, từ các cầu thủ, BHL cho đến người hâm mộ đội bóng này đều xem CV9 như một ngôi sao đích thực.
Vinh được CLB quảng bá như một trụ cột của đội bóng, được các đồng đội và HLV ưu ái giúp đỡ tận tình trong các buổi tập cũng như sinh hoạt hàng ngày. Chính vì thế, những rào cản về ngôn ngữ cũng như môi trường mới nhanh chóng được tiền đạo xứ Nghệ vượt qua.
Gần 5 tháng ở đây, Công Vinh thường xuyên được ra sân và thi đấu tổng cộng 9 trận ở giải J.League 2, anh ghi được 2 bàn thắng và có đóng góp quan trọng giúp Consadole suýt chút nữa giành được vé thăng hạng.
5 tháng ở Nhật, Công Vinh đá 9 trận, ghi được 2 bàn thắng giúp CLB Consadole đứng ở tốp đầu của giải đấu.
Thậm chí, ở trận đấu cuối cùng của mùa giải, CLB Consadole còn gửi thư mời Thủy Tiên sang Nhật như một vị khách danh dự. Bà xã của Công Vinh có hẳn 1 phòng VIP có đề tên mình hẳn hoi và được xuống sân đá quả bóng khai màn trận đấu.
Trước khi kết thúc hợp đồng, đội bóng Nhật Bản còn 5 lần, 7 lượt đề nghị Công Vinh gia hạn và sẵn sàng bỏ ra 5 tỷ đồng để giải phóng hợp đồng với SLNA. Đáng chú ý, khác hẳn với chuyện Công Phượng phải tự túc mọi thứ trong sinh hoạt, thì Công Vinh được CLB cho xe riêng và thuê hẳn vệ sỹ để thường trực bảo vệ anh mọi lúc mọi nơi như một ngôi sao hàng đầu.
Không chỉ được đối xử như VIP ở CLB, Công Vinh cũng được giới truyền thông và người hâm mộ Nhật Bản đặc biệt yêu quý. Trên khán đài luôn xuất hiện những biểu ngữ của các fan dành tình cảm cho cầu thủ người Việt. Thậm chí, thủ tướng Nhật Bản còn mời Công Vinh đến ăn tối như một vị khách danh dự và trao cho anh những lời khen ngợi.
Từ những gì mà CLB Consadole đối xử với Công Vinh, chúng ta càng thấy sự bất công về những gì mà CLB Mito Hollyhock đã và đang đối xử với Công Phượng.
Dù về tài năng, Công Phượng có thể chưa bằng người đàn anh của mình, nhưng cũng không vì thế mà nói rằng, Phượng không đủ sức để có thể ra sân thi đấu khi bản thân CLB Mito Hollyhock cũng không thể so với Consadole Sapporo về khả năng cũng như các ngôi sao trên sân. Đấy là chưa kể những lợi nhuận mà Mito Hollyhock đã thu được từ việc khai thác hình ảnh của Công Phượng.
Công Vinh chỉ có chưa đầy 5 tháng thi đấu ở Nhật, nhưng 9 lần ra sân, ghi 2 bàn và được đối xử như VIP. Nhưng gần 7 tháng đã qua, Công Phượng chỉ được đá 7 phút và phải đi phát tờ rơi quảng cáo ở tàu điện ngầm. 2 hình ảnh trái ngược ấy, quá đủ để nói lên rất nhiều điều.