Khu chợ ngoài trời rộng lớn Chatuchak ở Bangkok đang là cái bóng của chính mình. Covid-19 khiến hàng nghìn quầy hàng trở nên vắng lặng. Trái với sự huyên náo thường thấy, khung cảnh ở đây đang bị sự tĩnh lặng bao trùm.
Một số người dân địa phương vẫn mạo hiểm tới Chatuchak để bán các món đồ nhu yếu phẩm, nhưng khu chợ nổi tiếng với du khách khắp thế giới - nơi bán mọi thứ từ thảm mây tới thời trang đường phố - phần lớn đang bị bỏ hoang.
Tuy nhiên, các tiểu thương không đầu hàng. Thay vào đó, họ chuyển sang bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Instagram. Hiện tại, Thái Lan đang là thị trường trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á nếu xét trên số lượng giao dịch thông qua mạng xã hội.
Tất cả mọi thứ, từ bánh nướng đến tinh dầu xả đều có thể được tìm thấy trên các kệ hàng ảo của Thái Lan. Một số ngư dân thậm chí còn rao bán các sản phẩm họ đánh bắt được ở biển Andaman. Một xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Indonesia và Philippines, nơi các khu chợ ngoài trời và bán hàng rong rất phổ biến. Đây cũng là các loại hình kinh doanh chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19.
Lalilladar Sirisukamon, người bán những món đồ trang sức đậm nét nhiệt đới, cho biết cô bán hàng ở chợ Chatuchak vào năm 2013. Sau khi Covid-19 quét qua, họ đã phải chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh lên Facebook.
"Chúng tôi bắt đầu bán hàng qua Facebook bằng những video trực tiếp. Nó là cách duy nhất giúp chúng tôi có thể kiếm tiền và trang trải các chi phí, trong đó có trả lương cho người lao động. Đó là thứ duy nhất chúng tôi có thể bám víu lúc này", Sirisukamon cho biết.
Phần lớn các hoạt động mua bán trực tuyến ở Thái Lan là "thương mại đàm thoại", mô tả việc mua bán diễn ra ở các phòng chát hay các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp. Phương pháp này tỏ ra đặc biệt hữu ích với các tiểu thương, nhất là khi nó mang lại sự cá nhân hóa mà không cần bất cứ khoản đầu tư nào.
"Mọi thứ bạn cần làm là chụp một bức ảnh đẹp, đặt giá cho nó và đăng lên mạng. Lúc đầu, đó có thể là những chiếc bánh tự làm hay những đồ vật nhỏ bé. Sau đó, người ta có thể bán cả nhà, đất hay căn hộ trên đó. Các thương hiệu lớn cũng đang tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động này", Vilaicards Taweelappontong, đối tác của PwC Consulting tại Thái Lan, cho biết.
Bán hàng qua Livestream đang là hình thức rất phổ biến ở Trung Quốc. Thậm chí, những ngôi sao trong lĩnh vực này còn thu về hàng triệu USD sau mỗi buổi lên sóng. Thậm chí, Viya, một ngôi sao bán hàng online ở Trung Quốc, từng bán cả một quả tên lửa với giá 5,6 triệu USD.
Tuy nhiên, có một nhược điểm trong việc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để giao dịch chính là phương thức thanh toán. Tiền thường được chuyển trực tiếp, chuyển khoản hoặc tiền mặt khi giao hàng. Đây là hệ thống dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, ở phần lớn Đông Nam Á, thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến, điều khiến thanh toán khi mua bán online trở nên khó khăn hơn.
Điểm nghẽn này đang dần được giải tỏa. Gần đây, Facebook đã ra mắt Facebook Shops, một tính năng cho phép người dùng thiết lập một cửa hàng trực tuyến của riêng mình. Một tính năng tương tự dự kiến được cung cấp trên Instagram vào cuối năm nay. Việc bán hàng trên Facebook và Instagram đã diễn ra từ lâu nhưng Facebook muốn khiến việc này dễ dàng hơn.
Facebook cũng là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Philippines với 98% trong số 73 triệu người dùng Internet của nước này sử dụng. Kể từ khi đất nước bị đóng cửa vì Covid-19 hồi tháng 3, bán hàng online mọc lên như nấm sau mưa. Hàng nghìn người Philippines trở thành thương gia trực tuyến với Facebook hoặc Viber.
Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co. cho thấy tiềm năng của nền kinh tế Internet tại Philippines là rất lớn. Năm 2019, tính cả thương mại điện tử, nó chỉ có giá 7 tỷ USD, thấp nhất khu vực. Đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 25 tỷ USD. Tuy nhiên, nó vẫn thấp khi so với các nước khác trong khu vực, chẳng hạn như Indonesia (113 tỷ USD), Thái Lan (50 tỷ USD) và Việt Nam (43 tỷ USD).