Nếu nhân số tiền phụ huynh cả nước đóng quỹ này sẽ ra một con số khổng lồ nhưng đã và sẽ không bao giờ có được báo cáo tài chính minh bạch, TS. Vũ Thu Hương nhận định.
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản 2928/SGDĐT-KHCN gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục trực thuộc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022-2023.
Theo đó, các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Cụ thể sẽ có 7 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
TS. Vũ Thu Hương cho rằng, chỉ đạo này rất đáng hoan nghênh nhưng cần có giám sát thực hiện triệt để thay vì ra văn bản chỉ để ứng phó với dư luận xã hội.
Các khoản thu quỹ ban phụ huynh của các trường công lập gây bức xúc theo TS. Vũ Thu Hương là do không rõ ràng, minh bạch.
“Nếu như là giáo dục bao cấp thì có nghĩa là không ai phải đóng một đồng nào cả. Nhưng nếu là giáo dục xã hội hóa thì chắc chắn là sẽ có khoản thu và nó giống như các trường dân lập. Nhưng ở đây chúng ta thấy rằng, cách vận hành hiện tại, khối trường công lập đang lửng lơ vừa là bao cấp nhưng vẫn phải có những khoản thu và chi. Vì vậy, nhiều khoản thu trở nên vô lý, không được kiểm soát. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định rất rõ về các khoản thu này nhưng cứ đầu năm mới chúng ta càng thấy tình trạng trên bảo dưới không nghe”, TS giáo dục Vũ Thu Hương phân tích.