Nhưng Atlantis không phải là thành phố duy nhất biến mất một cách bí ẩn. Có nhiều thành phố thần bí khác được lưu truyền ngàn đời trong kho tàng văn hóa thế giới, mà sự hiện diện của những thành phố ấy cho đến nay vẫn là câu hỏi của cả nhân loại.
1. Thành phố Iram of the Pillars (Thành phố của nghìn trụ cột)
Iram of Pillars là thành phố bị quên lãng được nhắc đến trong Kinh Koran, và cũng khiến cho con người phải nỗ lực hết mình để khám phá ra nền văn minh bí ẩn này. Iram of Pillars được coi như một đối thủ thực thụ của Atlantis.
Ít được biết đến bên ngoài thế giới Hồi giáo, cái tên Iram được tác giả T.E. Lawrence gọi là "Atlantis trong biển cát" và có tên khác là "Thành phố lều cọc" – ám chỉ những cột trụ bên trong hay xung quanh thành phố. Thành phố vẫn đang được các nhà thám hiểm nỗ lực tìm kiếm. Các học giả cho rằng những những cột đá này có thể là đặc điểm tự nhiên, là đặc điểm của một thành phố có thật nhưng cũng có thể chỉ là là lều cọc của một bộ lạc cổ xưa - bộ lạc Ad. Một số người cho rằng Iram có thể là Alexandria, Damascus hoặc thành phố cổ Ubar.
Theo Kinh Koran, bộ lạc Ad đã bỏ qua những lời răn dạy của Allah và phải sống trong tội lỗi. Allah đã cử nhà tiên tri Hud đến để mang bộ tộc Ad trở lại với lời răn dạy của Ngài nhưng bộ tộc Ad đã từ chối anh ta và không chịu lắng nghe. Allah đã trừng phạt bộ tộc Ad bằng cách gửi đến một cơn bão cát tai họa trong vòng 7 ngày 7 đêm, nhấn chìm Iram và người dân của họ trong biển cát.
Nhà khảo cổ học và nhà làm phim Nicholas Clapp tin rằng thành phố cổ Ubar nằm giữa vị trí của thành phố Iram of the Pillar. Sử dụng các vệ tinh NASA, radar và ảnh chụp từ tàu con thoi, nhóm của Clapp đã có thể xác định được các tuyến đường giao dịch cũ dẫn đến một ốc đảo ở vùng Shir, tỉnh Dhofar. Cuộc khai quật được bắt đầu vào những năm 1990 dẫn đến việc khám phá ra một cấu trúc tháp được tiếp nối bởi một chuỗi những bức tường cao.
Thật đáng tiếc, công việc khai quật này có thể đã làm suy yếu nền móng cổ. Một phần cấu trúc này đã bị phá hủy khi tiến trình khai quật diễn ra.
2. Thành phố Thinis
Sử gia Ai Cập cổ đại Manetho đã viết rằng vào những năm 3100-3000 TCN, Thượng Ai Cập đang tiến tới thống nhất về mặt chính trị. Lần đầu tiên, người Ai Cập cổ đại ghi lại lịch sử bằng chữ tượng hình và ba thành phố nhỏ độc lập bên bờ sông Nile là Thinis, Nekhen và Naqada đang tranh giành sự quyền thống trị khu vực.
Những đội quân của Thinis chiếm được Naqada và tiếp tục công cuộc chinh phạt những vùng đất ở phía dưới thung lũng sông Nile. Manetho tin rằng Nekhen có thể đã tự nguyện sát nhập với Thinis và lần đầu tiên Ai Cập được thống nhất với dưới một triều đại. Theo Manetho, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại này, Narmer, hay còn được biết tới với cái tên Menes, là vị Pharaoh đầu tiên điều hành vương quốc dưới quyền giám sát của thần thánh.
Khi mà quyền hành nhà nước được chuyển sang cho Memphis, Thinis dần dần mất đi tầm quan trọng.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các dấu hiệu của Narmer trong chữ tượng hình và các bản chữ viết cổ xưa như là bảng đá Narmer, được các nhà khảo học và các tác giả người Anh là James Edward Quibell và Frederick Wastie Green khám phá lần đầu trong đền thờ thần Horus ở Nekhen vào năm 1897. Những tấm bảng biểu dương vinh danh những thành công về quân sự của Narmer ở Hạ Ai Cập và sự chấp thuận của các vị thần Ai Cập.
Thật không may, không có bằng chứng nào về thành phố Thinis được tìm thấy nữa. Hy vọng rằng phần còn lại của một trong những thành phố quan trọng nhất dưới thời Ai Cập cổ đại sẽ lộ diện một ngày nào đó cùng với những bí mật và kho báu của nó.
3. Thành phố Babylon
Nằm trong danh sách Bảy kì quan của Thế giới cổ đại, Vườn treo Babylon thuộc thành phố chưa bao giờ được chứng minh là đã thật sự tồn tại.
Theo linh mục Babylon là Berossus, thành phố cổ Babylon, đã tồn tại gần tỉnh Babil ở Iraq dưới thời Vua Nebuchadnezzar II trong khoảng từ năm 605 đến năm 562 TCN. Chính ông là người đã tạo ra một khu vườn tầng treo ngược khoảng năm 600 TCN làm qua cho vợ mình, nàng Amytis.
Thực vật không thật sự được treo lên, nhưng các nhà khoa học cho rằng ảo ảnh về sự treo lên được tạo ra bởi sự rậm rạp tươi tốt của tầng cây phía dưới.
Không ai có thể chắc chắn khu vườn này đã tồn tại cũng như không có tài liệu nào trong lịch sử ngoài Berossus và một sử gia Hy Lạp tên là Diodorus Siculus. Mặc dù các nhà xây dựng thời đó chắc chắn có khả năng tạo ra một khu vườn rộng nhiều tầng, nhưng các cuộc khai quật khảo cổ dọc theo sông Euphrates không mang lại được kết quả gì.
Những bằng chứng về khu vườn có thể đã bị phá hủy trong một trận động đất xảy ra ở khu vực này vào khoảng thế kỷ thứ hai. Cũng có thể nó đã bị vùi lấp đi bởi những cơn bão cát gần khu vực sông Euphrates. Vườn treo Babylon đến nay vẫn là một huyền thoại bí ẩn.
4. Thành phố Paititi
Nằm cao trên đỉnh núi Andes ở Peru, các nhà khảo cổ và những nhà thám hiểm đã có một chuyến thám hiểm để khám phá thành phố huyền thoại của Incas, thành phố Paititi.
Nhà khảo cổ học người Ý Mario Polia đã phát hiện ra những ghi chép của nhà truyền giáo Andres Lopez vào năm 1600. Lopez ghi lại rằng có một thành phố lớn đầy vàng và ngọc quý đã được người dân địa phương mô tả nằm gần đây, nhưng ông chưa bao giờ thật sự viếng thăm, các bài viết của Lopez chỉ là một sự phỏng đoán.
Hàng chục nhà thám hiểm lên đường tìm kiếm thành phố vàng bị mất kể từ những năm 1600 và các tài liệu được cung cấp bởi các nhà thám hiểm cho biết thành phố Paititi nằm ở ngã ba giao giữa Beni và sông Madre de Dios. Một số khác lại tin rằng Paititi thực ra nằm ở Bolivia. Tiến sĩ Ari Siiriäinen và Tiến sĩ Martti Pärssinen đã từ Helsinki đến khám phá Las Piedras gần thị trấn Riberalta ở miền đông Bolivia vào năm 2001. Tuy nhiên họ đã không tìm thấy ra bất cứ điều gì. Nhà nhân chủng học Vera Tyuleneva cũng đã thực hiện một số cuộc thám hiểm ở Bolivia mà chưa đưa ra bất cứ kết luận nào.
Năm 2007, người dân địa phương gần khu vực Kimbiri, Peru báo cáo tìm thấy các công trình kiến trúc bằng đá lớn giống như một pháo đài nhưng Viện Văn hoá Quốc gia của chính phủ Peru đã phủ nhận những khám phá này, tuyên bố dó chỉ là những viên đá sa thạch tự nhiên.
Rừng Amazon bao quanh vị trí được cho là thành phố Paititi rất dày đặc và cực kỳ nguy hiểm. Nếu không có người dân địa phương làm hướng dẫn viên thì rất khó cho các nhà thám hiểm có thể băng rừng rậm thành công. Một số nhà thám hiểm, bao gồm cả nhà báo Robert Nichols, người vào rừng vào năm 1970 để tìm Paititi, và Lars Hafskjold, chủ nhân cuộc thám hiểm năm 1997 để tìm kiếm thành phố gần khu vực Bolivia, đã đi mà không bao giờ quay trở lại.
Không ai biết số phận của Hafskjold ra sao, nhưng theo báo cáo của một sinh viên Luật người Nhật - Yoshiharu Sekino - người đã đi tìm Nichols, đã hay tin từ người bản địa rằng Nichols và nhóm của ông đã bị các bộ lạc cổ giết chết sau khi một trong những cộng sự trẻ của Nichols xúc phạm tới một phụ nữ địa phương Machiguenga.
Cuộc thám hiểm tìm thấy thành phố Inca bị mất vẫn đang được tiến hành và với sự tiến bộ của công nghệ mới, rất có thể một ngày nào đó người ta sẽ khám phá ra thành phố Patiti nếu nó thực sự tồn tại.