Ban đầu khối A bao gồm ba môn Toán, Lý, Hóa, sau đó phát triển thêm nhiều tổ hợp môn khác nhau nhằm giúp thí sinh có thêm nhiều lựa chọn.
Các tổ hợp môn khối A.
Học sinh khối A thường được đánh giá có khả năng tư duy logic, phản biện và thích nghiên cứu. Vì vậy một số nhóm ngành học thích hợp với "dân khối A", có thể kể đến: Công nghệ thông tin, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Thương mại điện tử.
Khối A chọn ngành nào để dễ xin việc luôn là câu hỏi khiến nhiều thí sinh trăn trở. Sau đây là một số nhóm ngành khối A có triển vọng nghề nghiệp trong tương lai, bạn có thể tham khảo lựa chọn.
Công nghệ thông tin
Ngành Công nghệ thông tin thường xét tuyển khối A tại hầu hết các trường đại học. Sinh viên ngành này sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc như: Lập trình viên phần mềm, người kiểm duyệt chất lượng phần mềm, chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính hay điều phối các dự án công nghệ thông tin...
Bài viết trên website Đại học Công nghệ TP.HCM nêu, đến năm 2025, nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông mỗi năm tăng 13%. Theo đó, lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Việt Nam cần đến 1 triệu lao động. Vì thế, cơ hội việc làm với lĩnh vực này hết sức rộng mở.
Theo một số thống kê, mức lương trung bình với sinh viên mới ra trường là 7 – 8 triệu đồng/ tháng. Mức lương này có thể thấp hoặc cao hơn tuỳ theo năng lực của mỗi người.
Riêng ngành Công nghệ thông tin, mức lương trung bình sẽ cao hơn, bởi cử nhân chuyên ngành này là đối tượng mà những nhà tuyển dụng hướng đến. Ngoài ra, với xu hướng toàn cầu hóa và internet hóa khiến nhân lực ngành này ngày càng được "săn đón" nhiều hơn.
Bạn có thể lựa chọn theo học ngành này tại một số trường đại học như: Đại học Bách khoa, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Tài chính ngân hàng
Đối với ngành Tài chính ngân hàng, người học cần trang bị các kiến thức cơ bản như tài chính, tiền tệ, kinh tế... Tài chính ngân hàng bao gồm nhiều chuyên ngành: Ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính công, Thuế, Hải quan, Kinh doanh chứng khoán, Định giá tài sản, Phân tích chính sách tài chính.
Sinh viên lựa chọn ngành Tài chính ngân hàng khi ra trường có thể lựa chọn làm việc tại cơ quan nhà nước hoặc tại các doanh nghiệp tư nhân có ban ngành liên quan đến kinh tế.
Bài viết trên website Đại học Thái Nguyên nêu, mức lương tài chính ngân hàng dao động từ 10- 30 triệu đồng. Đây là mức lương cao, dành cho cả sinh viên, học viên mới ra trường. So với các ngành nghề khác thì nhân viên tài chính ngân hàng có mức lương được đánh giá là khá ổn định.
Thí sinh có thể "chốt" ngành học Tài chính ngân hàng tại một số trường đại học như: trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ngân hàng, Thương mại, Tài chính - Marketing TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM...
Kế toán
Kế toán cũng là một trong những ngành nghề khối A nên chọn để dễ xin việc. Đại học Công nghệ miền Đông đánh giá, kế toán có vai trò quan trọng nhất định trong quản lý kinh tế, tài chính và là bộ phận không thể thiếu trong mọi đơn vị tổ chức.
Sinh viên theo học ngành này sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí công việc như: Kế Toán tổng hợp, kiểm toán viên, kế toán thuế, kiểm soát nội bộ, giám đốc tài chính, giao dịch ngân hàng, thủ quỹ hoặc tư vấn tài chính, giảng viên...
Mức lương khởi điểm của kế toán viên khoảng 6 triệu đồng, sau đó tăng lên theo thời gian và kinh nghiệm làm việc. Với vị trí kế toán tổng hợp mức lương dao động từ 10 - 30 triệu đồng/ tháng.
Một số trường đại học tuyển sinh ngành Kế toán: Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính, Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP.HCM...
Thương mại điện tử
Với băn khoăn khối A chọn ngành nào để dễ xin việc thì Thương mại điện tử là một gợi ý lý tưởng. Sinh viên theo học ngành Thương mại điện tử được trang bị khối kiến thức nền tảng và chuyên sâu về thương mại điện tử, các phương pháp phân tích, thiết kế hệ thống kinh doanh trực tuyến, tiếp thị, thanh toán điện tử...
Sau khi tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử bạn có thể đảm nhận các vị trí công việc như trở thành chuyên gia chuyển đổi số, chuyên viên Digital Marketing, phụ trách công việc quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh online tại doanh nghiệp...
Theo Đại học Thái Nguyên, mức lương của công việc liên quan đến ngành Thương mại điện tử có nhiều mức khác nhau. Đối với vị trí chuyên viên thương mại điện tử, mức lương dao động từ 7-15 triệu đồng/ tháng; còn vị trí quản lý, trưởng nhóm sàn thương mại điện tử, mức lương dao động từ 20 - 30 triệu đồng/ tháng.
Như vậy, câu hỏi "dân khối A" chọn ngành nào để dễ xin việc đã được gợi ý phía trên. Bạn có thể lựa chọn lĩnh vực nghề nghiệp theo sở thích và nhu cầu phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Tổng hợp